Bệnh lý này nghe có vẻ xa lạ, ít người nghĩ tới, nhưng thực ra nó ảnh hưởng đến khoảng 75% dân số thế giới.

Lactose là một loại đường đôi, cấu tạo gồm hai phân tử glucose. Lactose thường có nhiều trong sữa các loại động vật và là loại đường chính của sữa mẹ.

Không dung nạp lactose là tình trạng rối loạn tiêu hóa do cơ thể không tiêu hóa và hấp thu được lactose trong các sản phẩm từ sữa. Bệnh lý này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng đa số gặp ở người trưởng thành. Rất ít khi bệnh lý này xuất hiện từ giai đoạn sơ sinh.

  1. Nguyên nhân gây ra không dung nạp lactose

 Không dung nạp lactose nguyên phát: Hầu hết trẻ khi sinh ra đều có lượng men lactase bình thường. Tuy nhiên, khi trẻ lớn lên cùng với chế độ dinh dưỡng thay đổi (ít dùng các sản phẩm từ sữa hơn), từ đó, chứng không dung nạp lactose cũng xuất hiện.

– Không dung nạp lactose thứ phát: Chứng không dung nạp lactose có thể bắt nguồn từ tổn thương ruột non hay vấn đề tiêu hóa như viêm đường ruột, loét dạ dày,… mà trẻ gặp phải. Khi các vấn đề này được giải quyết thì tình trạng không dung nạp lactose cũng sẽ biến mất.

– Không dung nạp lactose bẩm sinh: Đó là các trường hợp trẻ sinh ra bình thường đã thiếu hụt men lactase (do di truyền từ bố mẹ).

  1. Triệu chứng lâm sàng: Triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn/uống các chế phẩm từ sữa ba mươi phút đến vài giờ.

  – Ở người lớn: các triệu chứng thường xuất hiện sau ăn, uống các chế phẩm có chứa Lactose như các loại sữa, phomai, bơ…

+ Đau bụng vùng thượng vị, đau quanh rốn hoặc đau vùng hạ vị.

+ Đầy chướng bụng.

+ Buồn nôn, nôn.

+ Chuột rút.

+ Đại tiện lỏng: triệu chứng này thường ít gặp ở người lớn.

 – Ở trẻ em, các triệu chứng thường xuất hiện sau bú mẹ hoặc ăn uống các thức ăn có thành phần sữa

+ Trẻ đầy hơi, chướng bụng thường xuyên: Sau mỗi lần bú hoặc uống sữa, trẻ thường có cảm giác đầy hơi, chướng bụng kéo dài. Lactose không được hấp thu khi đi tới đại tràng được lên men yếm khí, tạo nhiều khí hơi trong bụng.

+ Đại tiện lỏng, phân có bọt: ở trẻ em, tiêu chảy thường là triệu chứng nổi bật.

+ Có thể có nôn trớ, quấy khóc nhiều hơn.

+ Trẻ chậm lớn, tăng cân chậm.

Khi trẻ có biểu hiện trên, mẹ cần nhận biết ngay dấu hiệu không dung nạp lactose để xử lý ngay. Bệnh lý này để lâu khiến tình trạng rối loạn tiêu hóa càng trở nên nặng, trẻ giảm hấp thu dinh dưỡng, thiếu chất, còi cọc, chậm lớn. Đây có thể là nguyên nhân gây còi cọc ở những trẻ được chăm sóc, ăn uống rất đầy đủ

  1. Xử trí khi trẻ không dung nạp lactose

Với trẻ bú mẹ: Vẫn duy trì nguồn sữa mẹ cho bé. Có thể cho trẻ bú xen kẽ với các loại sữa công thức không chứa lactose. Tùy tình trạng rối loạn tiêu hóa để quyết định có cần thiết phải đổi sang các dòng sữa không có lactose hay không.

Với trẻ uống sữa công thức: Khuyến cáo sử dụng sữa công thức không chứa lactose (sữa free lactose). Lưu ý xem các thành phần trong nhãn sữa, thông tin dinh dưỡng khi cho trẻ dùng bất kỳ loại sữa nào.

Với các bé lớn đã ăn dặm: Hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa nhiều lactose cho tới khi hệ tiêu hóa của bé phục hồi hoàn toàn. Khi trẻ uống sữa mà bị đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy thì trước tiên có thể cải thiện bằng cách:

-Cho trẻ uống sữa cùng lúc với ăn thức ăn đặc: Chuối, ngũ cốc,… vì thức ăn đặc được hấp thu chậm sẽ làm cho tình trạng không dung nạp lactose được kiểm soát tốt hơn.

– Cho trẻ uống sữa từng thìa một, chia nhỏ bữa sữa.

– Cho trẻ ăn thêm bơ vì bơ chứa đầy đủ thành phần dinh dưỡng như sữa nhưng ít lactose hơn.

– Cho trẻ ăn thêm sữa chua vì sữa chua cũng có nhiều thành phần chất dinh dưỡng của sữa nhưng những vi khuẩn tốt trong sữa chua sẽ giúp tiêu hóa lactose.

– Nếu các triệu chứng trên vẫn tiếp diễn, hãy nhanh chóng đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn một chế độ ăn uống phù hợp, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ.

– Hậu quả của chứng không dung nạp lactose là trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, kém ăn cộng thêm tập quán kiêng ăn làm chậm hồi phục niêm mạc ruột. Vì thế, cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan khi con gặp phải tình trạng này.

  1. Những sai lầm thường mắc phải khi bé không dung nạp lactose

– Không tuân thủ việc điều chỉnh dinh dưỡng: Trong nhiều trường hợp, bé được chỉ định dùng sữa free lactose để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Sữa free lactose là dòng sữa được hạn chế lượng đường lactose và/hoặc bổ sung thêm enzyme lactase để hỗ trợ sự tiêu hóa đường trong sữa.

– Kiêng khem quá mức: Theo quan niệm cũ, khi trẻ sơ sinh đang bú mẹ mà bị tiêu chảy, mẹ chỉ được ăn những thức ăn “lành tính” như: Thịt lợn, rau xanh. Thế nhưng, theo quan điểm khoa học mới, việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng mới là quan trọng nhất. Mẹ nên lựa chọn các loại thực phẩm đa dạng, phong phú để đảm bảo cung cấp được đầy đủ chất dinh dưỡng cho con. Chỉ nên hạn chế các thực phẩm không lành mạnh như đồ cay nóng, chất kích thích.

–  Nhầm lẫn với tình trạng khác: Với các triệu chứng như tiêu chảy, phân có mùi chua, mẹ rất dễ nhầm lẫn với các tình trạng khác như rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn ruột hay dị ứng đạm sữa bò. Cần phân biệt rõ các tình trạng trên để có hướng xử trí phù hợp.

 Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng không dung nạp lactose khác nhau ở mỗi trẻ. Do đó, gia đình nên theo dõi để sớm nhận biết và điều chỉnh chế độ ăn và lựa chọn sữa cho phù hợp.

TLTK: Không dung nạp lactose ở trẻ: Những điều mẹ cha cần biết | Vinmec

Biên soạn: Lê Huy Lực – Trưởng khoa Dinh dưỡng

 

Chia sẻ ngay