Cảm cúm là một bệnh rất thường gặp gây ra bởi virus, Bệnh nhân nhiễm cảm cúm thường có nhiều biểu hiện đặc trưng như: cơ thể mệt mỏi, sốt, hắt hơi, nhức đầu, đau mỏi toàn thân. Triệu chứng ho, chảy nước mũi, tức ngực, khản tiếng, ít tiểu,… thường diễn ra chậm hơn ở giai đoạn sau của bệnh.
Có hơn 200 loại virus nhưng Rhinovirus là thủ phạm phổ biến nhất và rất dễ lây lan gây ra khoảng 50% trường hợp bị cúm. Virus cúm có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng hoặc mũi, chúng lây lan qua giọt bắn của người nhiễm bệnh khi người bệnh ho, hắt hơi …
Bệnh kéo dài từ 5 – 7 ngày sau đó hết triệu chứng hoàn toàn, tuy nhiên trong quá trình mắc bệnh cúm có thể có nguy cơ viêm đường hô hấp do bội nhiễm hoặc lên cơn hen cấp ở người bị hen. Tuy nhiên, trong trường hợp người lớn nếu sốt trên 39oC, sốt cao kèm theo đau và mệt mỏi, sốt kèm theo ra mồ hôi, ớn lạnh và ho khi đờm có màu, sưng tuyến nước bọt, đau xoang nặng… Đối với trẻ em, sốt trên 39,50C, ớn lạnh hay ra mồ hôi, sốt kéo dài hơn 3 ngày, nôn hoặc đau bụng, khó thở, khóc dai dẳng, đau tai… cần tìm kiếm sự hỗ trợ của y tế ngay lập tức.
Các thuốc sử dụng trong điều trị cảm cúm:
Các thuốc điều trị cảm cúm chỉ giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh vì vậy bệnh chỉ khỏi khi cơ thể tự sản sinh được kháng thể chống lại virus.
Thuốc giảm đau, hạ sốt
Đối với triệu chứng sốt, đau họng và nhức đầu nên dùng thuốc paracetamol (acetaminophen).Thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau trong các trường hợp đau nhẹ và vừa. Liều dùng Paracetamol dựa theo cân nặng, viên thuốc được chia liều uống cho mỗi đối tượng trẻ em và người trưởng thành. Cần sử dụng Paracetamol đúng liều và có khoảng cách giữa các lần hợp lý. Thông thường, cần dùng thuốc cách nhau ít nhất 4 – 6 giờ. Nếu sử dụng thuốc đúng theo liều và khoảng cách hướng dẫn vẫn không cải thiện triệu chứng hoặc người bệnh có bệnh lý mắc kèm như suy gan, sơ gan cần đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ.
Thuốc giúp làm giảm triệu chứng ngạt mũi
nhóm thuốc co mạch được sử dụng để làm giảm các triệu chứng ngạt mũi, tắc mũi. Các thuốc thường được sử dụng như naphazolin, oxymetazolin… Khi sử dụng, thuốc làm co mạch sẽ đẩy máu đi nơi khác, làm giảm tiết dịch và thông thoáng hốc mũi. Bệnh nhân dễ thở hơn, giảm tình trạng nghẹt mũi kéo dài. Chỉ nên dùng các thuốc trên từ 3-5 ngày, sử dụng kéo dài có thể gây tác dụng phụ như: đau đầu, viêm mũi, phù nề, khả năng ngửi kém,…
Có thể sử dụng nước muối sinh lý (natri clorid 0,9%) để nhỏ, rửa mũi hàng ngày cũng giúp giảm ngạt mũi và nguy cơ bội nhiễm do vi khuẩn.
Thuốc giảm ho
Khi bị cúm nước mũi sẻ chảy suống cổ họng và đọng lại ở cổ họng gây kích ứng dẫn tới ho. Người bệnh cảm cúm nếu ho ít, ho nhẹ thì thông thường sẽ không cần thiết phải dùng thuốc giảm ho. Bởi ho là phản ứng của cơ thể, loại bỏ dị vật đường thở ra ngoài. Chỉ khi mức độ ho nhiều, ho thường xuyên, gây đau rát cổ họng, khó chịu, mệt mỏi thì thuốc giảm ho mới cần sử dụng.
Thuốc chứa thành phần codein hay Dextromethorphan điều trị hiệu quả với các trường hợp ho khan. Có thể dùng thuốc chứa Decolgen, Atussin, Rhumenol,… để điều trị ho khan kèm theo sổ mũi, ngạt mũi. Cần lưu ý thuốc chứa codein chỉ sử dụng cho bệnh nhăn trên 12 tuổi và cần có hướng dẫn của nhân viên y tế, một số thuốc thành phân có chứa sẵn paracetamol (acetaminophen) vì vậy có thể không cần sử dụng thêm paracetamol đơn độc, nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thêm thuốc khác ngoài những thuốc đã kê trong đơn thuốc.
Lưu ý: Không tự ý sử dùng thuốc kháng sinh để uống khi bị cảm cúm, vì kháng sinh không có tác dụng đối với virus. Tự ý sử dụng thêm thuốc kháng sinh có thể gây nguy cơ kháng thuốc, nguy cơ suất hiện các tác dụng không mong muốn và gây lãng phí tiền bạc. Chỉ dùng kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn, do thầy thuốc chỉ định.
Hoàng Anh Ninh – Khoa Dược