Nhiều người cảm thấy mình và người thân của mình ăn ngon, ngủ tốt nên chưa thấy cần thiết phải đi kiểm tra sức khỏe nhưng trên thực tế, trong cơ thể họ đã có một số bệnh tiến triển âm thầm, đến khi những triệu chứng bệnh đã rõ ràng thì khi đó có chữa trị cũng đã là những cố gắng cứu vãn trong hy vọng.

Khám sức khỏe định kỳ hiện nay đã không còn quá xa lạ đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người làm công hưởng lương ở mỗi cơ quan doanh nghiệp.

Khám sức khỏe định kỳ không chỉ là thói quen bảo vệ sức khỏe hàng ngày của mỗi người như đánh răng, ăn uống đúng giờ, ngủ đúng giấc… nó là bảng tổng kết khách quan nhất về các cột mốc sức khỏe, dự đoán trước một số yếu tố nguy cơ bệnh lý gây nguy hại đến sức khỏe, nhờ vậy cơ hội điều trị khỏi bệnh sẽ cao hơn, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và tránh được các biến chứng do bệnh gây nên.

Đến tuổi nào thì nên kiểm tra sức khỏe tổng quát mỗi năm?

– Nếu trong gia đình có trẻ nhỏ trên 5 tuổi, bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm cho trẻ để phát hiện sớm các bệnh thường gặp trong học đường, học sinh hay mắc phải như sau: Cận thị, bướu cổ, cong vẹo cột sống, tim mạch, lao và các bệnh khác mà gia đình không phát hiện do bệnh không có triệu chứng biểu hiện rõ rệt.

– Nếu trong gia đình có người thân bị các bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh tim, hen phế quản mạn tính, huyết áp cao mạn tính …, bạn nên kiểm tra sức khỏe hằng năm từ lúc 30 tuổi để phát hiện bệnh và nếu có thì nên điều trị sớm.

– Nếu trong gia đình có người thân bị ung thư bất cứ cơ quan nào, bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ từ lúc 35 tuổi.

– Nếu gia đình không có ai có tiền sử bệnh mạn tính nào, bạn nên kiểm tra sức khỏe mỗi năm sau tuổi 45 tuổi.

Có cần làm thêm một số chỉ định kiểm soát ung thư?

Thực tế cho thấy 1/3 ung thư có thể phòng ngừa, 1/3 có thể chữa khỏi nhờ chẩn đoán sớm.

Một số loại ung thư có thể biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng ung thư như ung thư da, cổ tử cung, vú, trực tràng và miệng, nên có thể chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, nhiều loại ung thư hầu như không biểu hiện dấu hiệu và triệu chứng trong quá trình tiến triển.

Căn cứ vào các triệu chứng, bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm cụ thể, rồi căn cứ vào giải phẫu để xác định cụ thể có khả năng mắc bệnh ung thư nào. 

Việc chẩn đoán ung thư cho kết quả chuẩn xác nhất cần phải dựa vào:

– Xét nghiệm máu, nước tiểu

– Chẩn đoán hình ảnh (chụp X quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hoặc PET-CT).

– Sinh thiết tế bào & nhiều phương pháp khác nữa…

Khi bác sĩ báo cho biết là trong kỳ khám sức khỏe định kỳ vừa qua, sức khỏe của bạn tốt thì bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách phòng và tự kiểm tra phát hiện sớm một số bệnh theo lứa tuổi. Còn nếu có kết quả bất thường, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn hướng điều trị và tránh được các nguy cơ bệnh tái phát và diễn biến xấu hơn.

Vì chất lượng cuộc sống, bạn nên khám sức khỏe định kỳ hằng năm.

THÙY ANH  (Sưu tầm)

Chia sẻ ngay