HƯỞNG ỨNG NGÀY SỨC KHỎE TÂM THẦN THẾ GIỚI (10/10/2023): “CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN LÀ QUYỀN CỦA TẤT CẢ MỌI NGƯỜI”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là trạng thái khỏe mạnh về tinh thần giúp con người có thể đương đầu với những căng thẳng trong cuộc sống, phát huy được khả năng của mình, học tập tốt, làm việc tốt và đóng góp cho cộng đồng.

Sức khỏe tâm thần tốt là một điều kiện quan trọng tạo nên hạnh phúc và sức khỏe lâu dài của con người. Tuy nhiên, các vấn đề rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng. Trên thế giới, cứ tám người thì có một người đang phải sống với các tình trạng rối loạn tâm thần.

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. Tuy nhiên đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên). Thực tế tỉ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác, v.v. Ở trẻ em các vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Ngày Sức khỏe tâm thần Thế giới năm 2023 có chủ đề “Chăm sóc sức khỏe tâm thần là quyền của tất cả mọi người”nhằm nâng cao kiến thức, thúc đẩy nhận thức và hành động của cộng đồng để chung tay bảo vệ sức khỏe tâm thần như là một quyền của cơ bản của con người. Thật vậy, chăm sóc sức khỏe tâm thần là quyền cơ bản của tất cả mọi người, bất kể họ là ai, ở đâu đều có quyền được chăm sóc sức khỏe tâm thần. Điều này bao gồm quyền được bảo vệ khỏi các rủi ro, nguy cơ gây ra các rối loạn tâm thần; quyền được khám và chăm sóc sức khỏe tâm thần; cơ sở vật chất, trang thiết bị chăm sóc sức khỏe tâm thần cần sẵn có, dễ tiếp cận, chi phí chấp nhận được và đảm bảo chất lượng chăm sóc, điều trị. Bên cạnh đó, những bệnh nhân rối loạn tâm thần cần được đảm bảo quyền tự do, độc lập và hòa nhập cộng đồng sau khi hoàn tất điều trị.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025 với mục tiêu tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.
Mỗi người dân cần tăng cường nhận thức về sức khoẻ tâm thần để tự chăm sóc cho mình, cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Tuyệt đối không kỳ thị, phân biệt với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, có như vậy thì việc điều trị bệnh tâm thần mới đạt được những hiệu quả khả quan. Bên cạnh đó, cần thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi phù hợp, tự theo dõi sức khỏe và có những sẻ chia với mọi người xung quanh.
Hãy thực hiện tốt 10 hành động sau để dự phòng và nâng cao sức khoẻ tâm thần:

  1. Nhận ra và chia sẻ về cảm xúc của bản thân;
    Tăng cường hoạt động thể chất;
    3. Ăn uống lành mạnh;
    4. Nghỉ ngơi đầy đủ:
    5. Sử dụng đồ uống hợp lý;
    6. Giữ liên lạc với người xung quanh;
    7. Làm những công việc mà mình có khả năng;
    8. Chấp nhận bản thân dù bạn là ai;
    9. Đề nghị sự trợ giúp khi cần;
    10. Quan tâm đến những người khác./.

Vũ Hải Bình – Khoa Tâm thần

Chia sẻ ngay