Câu 1: Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình?
* Nguyên nhân của HCTĐ Ngoại biên
- Bệnh Méniere, tổn thương dây VIII do ngộ độc thuốc, chấn thương, viêm tai giữa…
- U dây VIII (nếu phát triển sẽ gây HC góc cầu tiểu não )
- Tổn thương tiền đình do vi rút
* Nguyên nhân của HCTĐ trung ương
TBMMN vùng hố sau:
- Chảy máu tiểu não, Hội chứng Wallenberg (Hội chứng tủy bên)
- U não, xơ cứng rải rác, dị dạng bản lề chẩm cổ, áp xe thân não
- Viêm màng não lao…
Ngoài các nguyên nhân trên còn kể đến các yếu tố nguy cơ gây bệnh như:
– Căng thẳng, stress có thể gây rối loạn tiền đình
- Do huyết áp thấp, tai biến, thiếu máu, các bệnh về tim mạch,… gây tắc nghẽn mạch máu, lượng máu lên não kém
- Do căng thẳng, mất ngủ, áp lực công việc làm tổn thương hệ thống thần kinh. Khi dây thần kinh số 8 bị tổn hại thì hệ thống tiền đình sẽ nhận được thông tin không chính xác và sẽ hoạt động sai, rối loạn.
- Bệnh hay gặp ở người cao tuổi bị suy giảm chức năng một số cơ quan.
- Người quá béo hoặc quá gầy đều có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình.
- Bị mất máu nhiều, quan hệ tình dục không đều đặn, uống quá nhiều rượu bia, cơ thể nhiễm độc hoặc sử dụng một số loại thuốc,… cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.
- Thường xuyên sống trong môi trường có quá nhiều tiếng ồn, thời tiết chuyển mùa (nóng – lạnh đột ngột), ít vận động,…
Câu 2 Triệu chứng rối loạn tiền đình:
– Chóng mặt
– Mất thăng bằng
– Rung giật nhãn cầu (nystagmus)
– Các triệu chứng kèm theo:
Bên cạnh đó, người bệnh còn có triệu chứng thần kinh thực vật đi kèm buồn nôn hoặc nôn, đau đầu, tê chân, không tập trung và mau quên. Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn tiền đình còn có biểu hiện nhịp tim, nhịp thở nhanh, hay hồi hộp, đánh trống ngực, huyết áp cao (nếu nguyên nhân gây bệnh do tăng huyết áp) hoặc huyết áp thấp (trong trường hợp bệnh hình thành do huyết áp thấp),… Một số trường hợp người bệnh bị đau đầu nhiều, tay chân tê, run rẩy, vã mồ hôi, da xanh tái và vẻ mặt lo lắng.
Hội chứng tiền đình ngoại biên
- Các triệu chứng hài hoà: tất cả các rối loạn: chiều chuyển động chậm của nhãn cầu, sự di lệch ngón chỏ, bên đổ của nghiệm pháp Romberg đều có cùng một hướng.
- Toàn bộ: có đầy đủ các triệu chứng của hội chứng tiền đình.
- Chóng mặt rất nhiều làm bệnh nhân không thể đi lại được hoặc thậm chí không dám cử động đầu.
- Chóng mặt kết hợp với nôn.
Mất thăng bằng làm bệnh nhân không đứng được
- Dấu hiệu rung giật nhãn cầu:
+ Chỉ có một hướng duy nhất (thường nhãn cầu đánh ngang hoặc đánh ngang và xoay vòng)
+Giảm đi hoặc biến mất khi nhìn cố định, không thay đổi chiều (là chiều của cử động nhanh) dù nhìn sang bất cứ hướng nào.
+ Rung giật nhãn cầu về bên bệnh (tổn thương dạng kích thích), hoặc về bên lành (tổn thương dạng huỷ hoại).
- Có các dấu hiệu thính giác: ù tai hoặc điếc tiếp nhận (viêm tai hoặc chấn thương)
- Cần khám chuyên khoa TMH.
Hội chứng tiền đình trung ương:
* Không toàn bộ:
- Cảm giác chóng mặt không điển hình: bệnh nhân chỉ cảm giác tròng trành như người trên thuyền. Không có các triệu chứng về thính giác.
- Rung giật nhãn cầu trong hội chứng tiền đình trung ương có các đặc điểm sau:
- + Có nhiều hướng: đánh dọc hoặc ngang (tổn thương vùng cuống tiểu não), xoay vòng (tổn thương hành tuỷ),
- + Hướng của rung giật thay đổi theo hướng nhìn, không bị thay đổi khi nhìn cố định.
- *Không hài hoà: các rối loạn không có cùng một hướng
- * Có các triệu chứng thần kinh khu trú kèm theo như rối loạn cảm giác nửa người, hội chứng tiểu não, tổn thương các dây thần kinh sọ não…tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh.
Câu 3: Phương pháp giúp chẩn đoán bệnh lý tiền đình:
Ngoài các phương pháp thăm khám lâm sàng như đã kể trên, tùy theo từng trường hợp bệnh mà BS có thể cho làm những xét nghiệm máu, chụp XQ cột sống cổ, CT, MRI sọ não, mạch não, đo Lưu huyết não, điện não đồ hoặc siêu âm mạch não đoạn trong sọ ngoài sọ để đánh giá tổn thương, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị cho phù hợp.
Câu 4: Điều trị bệnh RLTĐ như thế nào?
Xác định đúng nguyên nhân gây bệnh là yêu cầu quan trọng để có phương pháp điều trị phù hợp. Kết hợp giữa điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất:
- Bổ sung viên sắt dạng uống: Đối với những bệnh nhân bị thiếu máu não, thiếu máu, thiếu sắt. Tuy nhiên người bệnh không nên tự ý sử dụng các thực phẩm chức năng hoạt huyết não nếu chưa được bác sĩ thăm khám và chỉ định. Do việc điều trị không đúng nguyên nhân hay dùng thuốc không đúng bệnh không chỉ gây lãng phí tiền bạc, công sức, thời gian của bệnh nhân mà còn khiến cho tình trạng bệnh có thể trở nên nặng nề và phức tạp, khó điều trị hơn. Người bệnh cần làm các xét nghiệm tổng quát để bác sĩ có chỉ định về thành phần và hàm lượng thuốc đưa vào cơ thể thích hợp.
- Tập phục hồi chức năng: Người bệnh cần tập phục hồi chức năng, đặc biệt là đối với những bệnh nhân là di chứng của tai biến mạch máu não và chấn thương sọ não. Chức năng toàn bộ cơ thể, phần đầu, chức năng thính giác và thị giác được hồi phục rất tốt nếu bệnh nhân chăm chỉ tập các bài tập rèn luyện não bộ, kích thích sự vận động và hoạt động nhạy bén của hệ thống tiền đình.
- Luyện tập thể dục thể thao: Luyện tập thể dục thể thao rất có giá trị đặc biệt ở những người làm việc lâu trong một tư thế và người cao tuổi. Sử dụng những bài tập ở mức độ phù hợp với tình trạng sức khỏe sẽ giúp người bệnh tăng cường sức khỏe, điều hòa tuần hoàn trong cơ thể và hỗ trợ phục hồi hệ thống tiền đình một cách hiệu quả.
- Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học: là công cụ vàng trong quá trình điều trị. Sức khỏe người bệnh được cải thiện đáng kể và các triệu chứng bệnh cũng được hạn chế.
- Sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ: Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý, cơ địa và các bệnh lý nền của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp.
Tham khảo phác đồ điều trị rối loạn tiền đình mới nhất của Bộ y tế:
- Chống nôn: Metoclopramide 10mg x 01 ống (tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp)
- Nếu bệnh nhân nôn nhiều nguy cơ mất nước điện giải cần bồi phụ bằng dung dịch đẳng trương.
- Chống chóng mặt : Tanganil 500 mg x 02- 04 ống /ngày (Tiêm tĩnh mạch chia 2 lần hoặc pha truyền tĩnh mạch) x 5-7 ngày. Hoặc Tanganil 500mg x 04 viên/ngàyx 5-7 ngày.
- Bổ thần kinh và cải thiện tuần hoàn não: Piracetam tiêm tĩnh mạch chậm 2g-4g / ngày
- An thần kinh: Seduxen 5mg x 1- 02 viên/ngày(uống)
- Phẫu thuật: Đây là giải pháp cuối cùng nếu như các biện pháp điều trị trên không có hiệu quả, ngoài ra phẫu thuật loại bỏ các nguyên nhân trực tiếp gây ra rối loạn tiền đình như loại bỏ khối u não là một chỉ định trong điều trị.
- Thời gian điều trị bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào phân loại, mức độ bệnh, khả năng đáp ứng với các biện pháp điều trị, có thể phục hồi chỉ trong một hai ngày nhưng cũng có thể kéo dài vài tháng. Do đó khi phát hiện các triệu chứng kể trên, người bệnh cần được thăm khám sớm để xác định nguyên nhân và có các phương pháp điều trị kịp thời.
Câu 5 Yếu tố nguy cơ làm cho tình trạng bênh rối loạn tiền đình nặng hơn ?
Ngoài những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra các triệu chứng rối loạn tiền đình như đã kể ở trên thì các yếu tố nguy cơ cũng làm gia tăng khả năng mắc bệnh cũng như làm nặng bệnh. Ở những bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây thì mức độ biểu hiện các triệu chứng rối loạn tiền đình càng nặng:
- Độ tuổi: Tất cả mọi người dù ở độ tuổi nào cũng có thể xuất hiện các triệu chứng của hội chứng rối loạn tiền đình, nhưng những người ở độ tuổi trung niên và người già, người cao tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nhiều người trẻ. Bởi lẽ có sự chênh lệch này là do lúc lớn tuổi cơ thể sẽ bắt đầu bị lão hóa, các cơ quan bộ phận sau nhiều năm làm việc sẽ bắt đầu bị suy giảm chức năng. Đặc biệt là những người phụ nữ độ tuổi trung niên, khi cơ thể có sự biến động lớn về hormon và chuyển hoá thì nguy cơ bị rối loạn tiền đình lại càng cao.
- Những người có tiền sử bị chóng mặt nhiều lần cũng có nguy cơ mắc hội chứng rối loạn tiền đình cao hơn rất nhiều so với những người không có tiền sử. Từ những cơn chóng mặt đơn thuần sẽ dần dần có kèm theo các triệu chứng choáng váng, hoa mắt, mất thăng bằng, nôn ói trong tương lai. Ở những bệnh nhân này, rối loạn tiền đình sẽ tiến triển nhanh và nặng nề hơn.
- Người làm việc kéo dài trong môi trường căng thẳng sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn tiền đình. Ngày nay thường gặp ở phần lớn các đối tượng là học sinh sinh viên, người lao động trí óc, dân văn phòng vì môi trường học tập làm việc có nhiều áp lực, căng thẳng. Đồng thời những đối tượng này thường có thói quen sinh hoạt, học tập làm việc không khoa học. Áp lực kéo dài khiến một lượng lớn hormone cortisol nội sinh được bài tiết. Hormon này khi bị sản xuất dư thừa so với nhu cầu cơ thể sẽ là nguyên nhân của các bệnh mạn tính nguy hiểm như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… Sự dư thừa cortisol và sự xuất hiện của các bệnh mạn tính trên phối hợp gây tổn thương hệ thống thần kinh, trong đó có dây thần kinh tiền đình.
- Phụ nữ mang thai và sau sinh cũng là những đối tượng dễ mắc chứng rối loạn tiền đình. Phụ nữ mang thai thường bị ốm nghén dẫn đến chán ăn, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu, cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng, gây thiếu máu lên não khiến thai phụ chóng mặt, choáng váng. Phụ nữ sau sinh ngoài việc dành thời gian chăm con còn bị ảnh hưởng sức khỏe sau quá trình mang nặng đẻ đau. Đồng thời, đây là 2 thời điểm mà người phụ nữ có yếu tố tâm sinh lý thay đổi, lo lắng, mệt mỏi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến bộ phận tiền đình, dễ dẫn tới hội chứng rối loạn tiền đình.
Nguyễn Thị Hương – Trưởng khoa Thần kinh