LCĐT – Từ 1/1/2021, quy định về thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bắt đầu có hiệu lực. Sau hơn 3 tháng thực hiện, đã có hàng trăm người dân trên địa bàn tỉnh có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh ở các bệnh viện dù không đúng nơi đăng ký ban đầu, không có giấy chuyển tuyến nhưng vẫn được BHYT chi trả 100% theo mức hưởng. Sự “mở cửa” này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng những dịch vụ y tế hiện đại.

Ông Lê Chi Ký ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên bị đau xương khớp đang điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết: Nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu của tôi là Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên. Khi biết có chính sách thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh BHYT, các con đã đưa tôi đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để khám và điều trị. Tôi rất mừng khi nhanh chóng được điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh với đầy đủ các dịch vụ y tế hiện đại mà không cần giấy chuyển tuyến như trước kia.

Bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh không cần giấy chuyển tuyến vẫn được thanh toán 100% mức hưởng bảo hiểm y tế

Hiện nay, nhu cầu khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngày càng tăng, đặc biệt là chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao nhờ kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh là bệnh viện chuyên khoa hạng 2 có 110 giường bệnh theo kế hoạch. Ông Mai Xuân Trung, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết: Để đáp ứng chính sách thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh BHYT, chúng tôi đã sắp xếp, bố trí lại các khoa, phòng hợp lý, tăng số lượng giường bệnh lên 150 giường thực kê, đảm bảo thu dung bệnh nhân. Trong 2 tháng đầu năm, bệnh viện chỉ đạt 40% – 50% công suất sử dụng giường bệnh, tuy nhiên sang tháng 3, khi nhiều người biết đến quy định thông tuyến tỉnh khám, điều trị BHYT, công suất sử dụng giường bệnh đã đạt gần 100%.

Ông Trung khẳng định đây là chính sách có ý nghĩa lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo sự công bằng về thụ hưởng dịch vụ y tế hiện đại, đặc biệt là đối với người dân vùng cao, vùng khó khăn bởi không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để tự chi trả 40% chi phí điều trị tại tuyến tỉnh do trái tuyến. Bệnh viện cũng coi đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh theo hướng chuyên sâu và hoàn thiện bệnh án điện tử nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng như đề cao tinh thần, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân.

Người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại khi đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Nhờ chính sách thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh BHYT, nhiều bệnh nhân ở các huyện vùng cao, hoàn cảnh khó khăn đã có điều kiện đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông Lê Chí Hài ở thôn Liên Hà 7, xã Bảo Hà (Bảo Yên) cho biết: Trước đây, nếu muốn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh chữa trị, tôi phải đi 24 km đến Bệnh viện Đa khoa huyện – nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu để khám và xin giấy chuyển tuyến, thủ tục hành chính rất phức tạp. Bây giờ thì thuận lợi hơn nhiều, tôi trực tiếp đến bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị đau mắt, mờ mắt mà vẫn được thanh toán 100% mức hưởng BHYT.

Tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều người chưa biết đến quy định mới này. Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nguyễn Hồng Chuyên cho biết: Có những người bệnh khi đến khám bệnh được chỉ định cần điều trị nội trú, họ lo lắng vì nghĩ trái tuyến sẽ tốn kém, cán bộ y tế phải giải thích cho người dân hiểu.

Đó là trường hợp chị Hảng Thị Oanh ở xã Thào Chư Phìn (Si Ma Cai) có triệu chứng suy tim, được người nhà đưa đến trong tình trạng khó thở, mệt mỏi. Ban đầu chị rất lo lắng, buồn phiền vì sợ khám, chữa bệnh trái tuyến chỉ được bảo hiểm chi trả một phần chi phí, phần còn lại sẽ là gánh nặng kinh tế đối với gia đình. Sau khi được các bác sỹ giải thích về chính sách thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh BHYT, chị đã yên tâm điều trị.

Theo quy định của Luật BHYT năm 2014, trước thời điểm 1/1/2021, người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện từ tuyến dưới thì được coi là khám, chữa bệnh trái tuyến và chỉ được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng. Từ 1/1/2021, theo quy định tại Khoản 6, Điều 22, Luật BHYT, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc, dù không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến, được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng – bác sỹ Chuyên giải thích rõ hơn.

Trước quy định mới, nhiều yêu cầu cũng đặt ra đối với các cơ sở y tế, nhất là tuyến dưới cần nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng điều trị để “giữ chân” người bệnh; bệnh viện tuyến tỉnh cũng cần chỉ định điều trị nội trú đúng và có kế hoạch phù hợp, tránh tình trạng quá tải bệnh nhân điều trị trong khi đang thiếu bác sỹ…

Phương Thảo – Báo Lào Cai

Chia sẻ ngay