Một lần tình cờ chứng kiến các đồng nghiệp phẫu thuật nội soi tuyến tiền liệt, Bác sỹ Vũ Quang Huy – Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai nảy ra ý tưởng nạo VA (tổ chức bao gồm nhiều tế bào bạch cầu, tế bào của hệ miễn dịch tự nhiên nằm ở vòm họng) bằng dao nạo tổ chức xơ tuyến tiền liệt được cải tiến cho phù hợp.
Trong 1 năm qua, trên 500 bệnh nhân bị viêm VA tại Lào Cai đã được phẫu thuật nạo VA bằng phương pháp nội soi với dụng cụ cải tiến này. Không chỉ có phản hồi tốt, các bệnh nhân sau khi được thực hiện theo giải pháp này đều bày tỏ lòng biết ơn đối với đội ngũ y bác sỹ có sáng kiến độc đáo chữa trị dứt điểm căn bệnh mãn tính và nguy hiểm với chi phí thấp, không có tai biến, đau đớn được giảm thiểu.
Tại Hội nghị Tai Mũi Họng toàn quốc năm 2018 ở Cần Thơ, báo cáo về giải pháp “Cải tiến dụng cụ và kỹ thuật nội soi nạo VA” được các đồng nghiệp đánh giá rất cao và đề nghị chuyển giao công nghệ. Giải pháp này đã đoạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai lần thứ 6 năm 2018-2019 và được tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2018-2019).
Cứ nghĩ chỉ uống thuốc là xong nhưng gia đình chị Mai Thị Hương (Phố Mới, thành phố Lào Cai) suýt phải trả giá đắt vì không cho con phẫu thuật nạo VA từ sớm. “Đang nằm ngủ trưa cạnh con, tôi thấy cháu ngáy to, hơi thở không được sâu. Theo dõi một lúc thấy cháu ngừng thở, lay mạnh con dậy, cháu mới đột ngột thở hổn hển. Tôi đã phải đưa con đến viện ngay, bác sỹ cho biết, do cháu bị viêm VA quá phát, VA sưng to làm cản trở đường thở dẫn tới cơn ngưng thở khi ngủ. Tôi đã bàn với chồng và đề nghị cho cháu phẫu thuật ngay hôm sau”, chị Hương cho biết.
Bác sỹ Vũ Quang Huy cho biết, chứng ngưng thở khi ngủ là một trong những biến chứng nguy hiểm của viêm VA, amidan sưng to. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng bệnh nhi. Ngoài ra, một số biến chứng như áp xe quanh amidan, viêm họng mạn tính… cũng cần được chú trọng ở những bệnh nhân viêm VA, amidan để kịp thời ngăn chặn.
Tại Lào Cai, số ca nạo VA lên đến 50% các ca phẫu thuật tai mũi họng. Bệnh nhân đa phần là trẻ em dưới 15 tuổi. Tuy vậy, không phải phụ huynh hoặc người bệnh nào cũng ý thức được các nguy cơ này. Ái ngại khi nghĩ đến việc phẫu thuật, đụng dao kéo cho trẻ là tâm lý chung của các gia đình có người nhà mắc bệnh. Bởi theo Bác sỹ Huy, dao plasma là dao hiện đại nhất bây giờ để nạo VA với ưu điểm nhiệt độ thấp và an toàn nhưng có nhược điểm là giá thành rất cao, đầu tư máy khoảng hơn 1 tỷ đồng cộng với mỗi lần bệnh nhân sử dụng dù 1 hay 4 bệnh nhân làm trong một buổi vẫn phải bỏ đi một lưỡi dao giá thành 6,3 triệu. Bệnh nhân phải thanh toán số tiền này vì bảo hiểm y tế không chi trả.
Hiểu được những khó khăn của người bệnh, Bác sỹ Huy cùng các đồng sự luôn trăn trở tìm kiếm các giải pháp thỏa đáng nhất nhằm giảm đau đớn, biến chứng trong và hậu phẫu, giảm chi phí tối đa nhưng phải đảm bảo kỹ thuật.
Giải pháp “Cải tiến dụng cụ và kỹ thuật nội soi nạo VA” do Bác sỹ Vũ Quang Huy là chủ nhiệm đề tài đã giải quyết thỏa đáng các mục tiêu trên. Điểm mới của giải pháp là nạo bằng lưỡi phẫu thuật nội soi tiền liệt tuyến đã được cải tiến, hai là tưới sorbitol liên tục tại vùng phẫu thuật. Dung dịch trung tính vô khuẩn này làm giảm nhiệt độ tối đa khi dùng dao điện, làm sạch môi trường, rửa trôi phẫu trường nên nếu máu chảy sẽ dễ dàng phát hiện và cầm luôn.
Khác với giải pháp dùng dao plasma cắt hút đốt và cầm máu theo chế độ được cài đặt sẵn nhưng chảy máu cũng không ít, giải pháp của Bác sỹ Huy có chế độ đốt riêng và cắt đốt riêng. Khi chảy máu mới chuyển sang chế độ đốt, còn nếu không, sẽ dùng chế độ cắt đốt của dao điện, rất tiện dụng. Hơn nữa, nhiệt độ của dao cắt được điều chỉnh giảm thấp nên không gây bỏng tới các tổ chức xung quanh.
Bác sỹ Huy cho biết, từ tháng 4 – 8/2018, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phẫu thuật cho 60 bệnh nhân để nghiên cứu làm các so sánh với phương pháp sử dụng dao plasma trong nạo VA. Kết quả cho thấy tương đương nhau.
Chị Mai Thị Hương cho biết, con chị trước kia không thở được bằng mũi, đêm hai vợ chồng thay nhau canh cho con ngủ. Giờ đây, sau phẫu thuật, con đã thở tốt. “Lúc mổ, tôi cũng nghe Bác sỹ Huy nói qua về phẫu thuật bằng phương pháp mới ít đau, ít chảy máu và an toàn. Tôi chỉ nghĩ chắc bác sỹ động viên để gia đình khỏi lo lắng. Thật sự đến lúc cháu phẫu thuật xong, tỉnh táo trở lại, tôi mới thấy hiểu biết của mình còn kém quá. Cháu không hề sợ hãi, đau đớn như tôi tưởng. Ngược lại, tôi thấy tinh thần cháu thoải mái, hầu như không chảy máu”, chị Hương chia sẻ.
Từ khi áp dụng giải pháp này, trong một buổi sáng, bác sỹ của khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai tiến hành phẫu thuật nội soi nạo VA được 7 ca thay vì 3 ca/buổi như trước kia mà tâm lý nhẹ nhàng cho cả bệnh nhân và bác sỹ. Hơn nữa, dụng cụ được cải tiến rất bền với giá thành 1,9 triệu đồng/lưỡi dao có thể thực hiện cho hàng trăm ca mà chưa hỏng. Tính trung bình, giải pháp này chỉ mất từ 30.000 – 50.000 đồng tiền tiêu hao vật tư/buổi so với lưỡi dao 6,3 triệu đồng/buổi.
Bác sỹ Huy cho biết, vật tư sẵn có cộng với việc chuyển giao công nghệ đơn giản nhanh chóng, khả năng triển khai giải pháp này rộng rãi ra địa bàn toàn tỉnh Lào Cai rất khả thi, giúp giảm tải đáng kể cho các tuyến trên.
Trong những năm qua, Bác sỹ Huy cùng cộng sự đã luôn trăn trở và không ngừng học hỏi, cải tiến dụng cụ và phương thức chữa trị nhằm đem lại hiệu quả tối ưu đồng thời giảm chi phí y tế đến mức thấp nhất.
Trước đó, giải pháp “Ứng dụng nội soi và cải tiến các dụng cụ cắt amidan tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai” do Bác sỹ Huy là chủ nhiệm đề tài đã được đánh giá cao đạt giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 (2016 – 2017) và công bố trong Sách Vàng sáng tạo Việt Nam năm 2018.
Nhờ ứng dụng kỹ thuật nội soi cùng với những cải tiến, bổ sung dụng cụ phù hợp, thời gian thực hiện kỹ thuật cắt amidan giờ đây của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã rút ngắn xuống còn khoảng 13 phút (giảm đến 83,3%), không chảy máu trong phẫu thuật và 97% không có chảy máu sau phẫu thuật, 66,7% bong giả mạc (một thuật ngữ được sử dụng để mô tả về tình trạng, diễn biến của bệnh viêm amidan trong giai đoạn cấp tính) ở ngày thứ 7 và không chảy máu.
Do tình trạng đau sau mổ giảm, bệnh nhân không phải dùng thuốc giảm đau. Tình trạng chảy máu sau mổ ít, bệnh nhân không phải trải qua cuộc phẫu thuật lại để cầm máu hoặc sử dụng các loại thuốc cầm máu. Thời gian bong giả mạc được rút ngắn. Bệnh nhân được ra viện sớm sẽ giảm chi phí y tế và thời gian, công sức, tiền bạc của những người thăm nuôi bệnh nhân.
Hương Thu(TTXVN)