Đột quỵ não là gì:
Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi một phần của não bị tổn thương do căn nguyên mạch máu. Khi dòng máu không thể đi đến não, các tế bào não sẽ ở trong tình trạng thiếu máu và chết đi. Có hai loại đột quỵ chính là thiếu máu não và xuất huyết não. Thiếu máu não xảy ra khi mạch máu bị hẹp hoặc tắc, làm cho không đủ máu chuyên chở oxy và các chất dinh dưỡng cho não. Xuất huyết não xảy ra khi thành mạch máu bị vỡ đột ngột, gây chảy máu
vào trong não. Trong cả 2 trường hợp khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não không nhận đủ oxy. Khi đó một phần não bắt đầu chết đi và gây tổn thương não. Sau khi đột quỵ xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết và làm người bệnh già hơn khoảng 3 tuần tuổi. Chính vì vậy, “thời gian chính là não”.
Đột quỵ là một bệnh khá phổ biến hiện nay, bệnh có tỉ lệ tử vong và gây tàn phế rất cao. Theo thống kê tại hoa kỳ, đột quỵ xếp thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong sau bệnh tim mạch và ung thư, mỗi năm có khoảng 795000 bệnh nhân đột quỵ, trong đó đột quỵ thiếu máu não chiếm tỷ lệ 87%. Trung bình mỗi 40 giây có một bệnh nhân bị đột quỵ và mỗi 4 phút có một bệnh nhân tử vong vì đột quỵ. Do đó phòng ngừa và điều trị đột quỵ là điều cần thiết. 
Các dấu hiệu, triệu chứng đột quỵ não:

  • Cơ thể đột nhiên không còn sức lực, mệt mỏi, nụ cười bị méo mó, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt.
  • Hoa mắt chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng.
  • Cơn đau đầu xảy ra bất chợt, có thể buồn nôn hoặc không.
  • Gặp khó khăn khi nói và hiểu.
  • Cơ thể có dấu hiệu tê liệt, khó cử động hoặc không thể nâng hai tay qua đầu cùng lúc.
  • Mắt mờ, nhìn không rõ, thì lực đột nhiên giảm
    Dấu hiệu của đột quỵ có thể tùy theo thể trạng của mỗi người, thậm chí người bị đột quỵ còn có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được để cập ở đây, về cơ bản đột quỵ não nói chung thường biểu hiện bằng triệu chứng được viết tắt theo tiếng anh là: F.A.S.T, bao gồm:
    F: méo miệng.
    A: yếu tay chân.
    S: nói khó hoặc lặp lại từ vô nghĩa.
    T:thời gian khởi phát đột quỵ (<4.5h).
    Khi phát hiện các dấu hiệu trên cần ngay lập tức gọi điện thoại đến 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
    Phải làm gì khi có người nhà bị đột quỵ:

Bước 1: đặt người bệnh nằm lên 1 mặt phẳng, bề mặt cứng, không đặt lên đệm có độ lún sâu làm ảnh hưởng đến đầu bệnh nhân, tránh xê dịch nhiều để không làm ảnh hưởng đến tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Bước 2: đặt người bệnh nghiêng đầu về 1 bên, điều này giúp bệnh nhân thở dễ hơn, hoặc bệnh nhân có nôn ói thì sẽ không bị ngạt thở. Nếu nôn cần móc hết đờm dãi ở miệng bệnh nhân ra để đảm bảo đường thở của bệnh nhân, đảm bảo người bệnh đủ oxi nuôi dưỡng não.
Bước 3: quan sát, hỏi bệnh nhân để biết mức độ tỉnh táo của bệnh nhân ngay thời điểm đó xem bệnh nhân có nhận biết được xung quanh hay không hay lú lẫn, lơ mơ hay hôn mê. Nếu đái ỉa không tự chủ là đã mất ý thức.
Bước 4: kiểm tra tình trạng mạch, huyết áp ngay tại thời điểm đó, tuyệt đối không cho uống hay sử dụng bất kỳ loại thuốc gì
Bước 5: gọi xe cứu thương 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất.
Đối tượng nào thường hay bị đột quỵ não:
Theo bác sỹ Lưu Xuân Đăng, đột quỵ não nói chung thường được gặp trên 7 đối tượng sau:
Nhóm người cao tuổi:
Những người cao tuổi cơ thể đã có nhiều cơ quan lão hóa đều là nhóm người có nguy cơ bị đột quỵ não cao, lứa tuổi thường gặp tại khoa cấp cứu bvđk tỉnh lào cai là từ 55 tuổi trở lên. Thời gian gần đây số lượng ca đột quỵ trên người trẻ đã tăng cao hơn do thói quen xấu: không luyện tập thể dục thể thao, lối sống không lành mạnh, sử dụng các chất kích thích …
Những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp
Những người mắc bệnh tim mạch thuộc nhóm có  nguy cơ cao thứ 2 trong số những người dễ bị đột quỵ.Theo Bs. Lưu Xuân Đăng – Trưởng khoa cấp cứu BVĐK tỉnh Lào cai những người bị các bệnh về tim mạch như rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, suy tim… Là yếu tố nguy cơ bị đột quỵ hay gặp ở nước  ta.
Những người huyết áp cao được xếp vào nhóm người có nguy cơ cao bị đột quỵ. Theo Bs. Đăng, huyết áp cao có thể gây bệnh về mạch máu, bao gồm cả bệnh tim và não. Bệnh có thể dẫn đến sự phát triển của những mạch máu khiếm khuyết, hình dạng bất thường. Chỉ cần sự thay đổi về huyết áp lớn, các mạch máu vốn đã bị tổn thương sẽ vỡ ra, gây nên các cơn đột quỵ bất ngờ.
Ngoài ra những người huyết áp cao còn dễ bị các  bệnh về mạch máu, tim và não….
Nhóm người bị tiểu đường:
 Bệnh tiểu đường và cao huyết áp có mối liên hệ mật thiết với nhau. Người bị tiểu đường dễ bị cao huyết áp và người bị cao huyết áp cũng có thể bị bệnh tiểu đường. Và đây lại là 2 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra đột quỵ và đột quỵ thường là hậu quả cuối cùng có khả năng dẫn đến tử vong của tăng huyết áp và tiểu đường. Theo Bs Đăng, Nguy hiểm nhất là sự lắng đọng trên thành mạch máu, tạo thành mảng xơ vữa sẽ dễ hình thành cục máu đông gây tắc mạch tại

chỗ khiến mạch máu tại vị trí đó bị vỡ hoặc nếu cục máu đông bong tróc, trôi lên não gây tắc mạch máu não, trôi vào mạch máu tim hay động mạch vành (hoặc cục máu đông hình thành ngay tại động mạch vành) sẽ gây tắc động mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp.
Nhóm người mắc bệnh béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ máu:
Rối loạn lipid máu là yếu tố nguy cơ gây bệnh béo phì. Ngược lại, người bép phì tường đi kèm với bệnh rối loạn lipid máu. Điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra biến chứng, trong đó thường gặp nhất là đột quỵ.
Theo Bs. Đăng, về mặt y khoa chúng ta dễ dàng tính toán để xem cơ thể có thừa cân, béo phì hay không, đó là dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI). Cách tính rất đơn giản, lấy cân nặng (tính bằng kilogram) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét).Nếu kết quả dưới 18,5 là suy dinh dưỡng, thiếu cân. Từ 18,5 – 25 là nằm trong giới hạn lý tưởng, không bị thừa cân, béo phì. Nếu chỉ số từ 2530 bắt đầu cảnh báo tiền béo phì. Từ trên 30 – 40, béo phì độ 1 và độ 2. Nếu BMI trên 40 là béo phì độ 3.Khi BMI quá lớn, cơ thể quá nặng dẫn đến nhiều hệ quả xáo trộn hệ thống cơ thể, từ vấn đề vận động, đi lại khó khăn đến ảnh hưởng sức khỏe cơ xương khớp, nghiêm trọng hơn là hệ tim mạch, gây tăng
huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường. là những nguyên nhân gây ra đột quỵ não rất cao.
Gia đình có người bị đột quỵ
Nếu gia đình đình bạn có người thân từng bị đột quỵ thì bạn sẽ có nguy cơ gặp tình trạng này hơn người bình thường.
Theo lý giải của Bs.Đăng thì nguy cơ dẫn đến đến tình trạng này có thể là do thói quen sống hoặc do yếu tố di truyền.
Nhóm người nghiện thuốc lá.
Những người thường xuyên hút thuốc lá gây viêm trong mạch máu, có thể hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ đột quỵ. Qua các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người hút thuốc lá dưới 11 điếu/ ngày sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 46% so với những người không hút thuốc lá. Những người hút 2 gói
thuốc lá một ngày sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần.
Những người hay uống rượu bia.
Nhóm này gặp rất nhiều ở những người trẻ tuổi. Theo một nghiên cứu ở anh về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 – 2017 cho thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010, gấp khoảng 2,5 lần tốc độ tiêu thụ
của ấn độ (37,2%). Theo các nghiên cứu y khoa những người uống hơn 2 ly rượu/ngày sẽ làm tăng huyết áp và dễ dẫn tới tai biến mạch máu não.
Thời gian nào trong ngày thường gây đột quỵ:
Nghiên cứu cho thấy sự biến thiên của huyết áp trong 24 giờ đã tác động đến sự hình thành bệnh lý tai biến. Người ta thấy rằng 3 giờ sáng là lúc huyết áp xuống thấp nhất, nhịp tim giảm và hô hấp cũng giảm. Vào lúc 5 giờ sáng,

Huyết áp tăng nhanh, tim đập mạnh và nhịp thở đều. Khoảng thời gian từ 18-19 giờ

Cũng là thời điểm huyết áp tăng cao trong ngày.

Trên thực tế tại khoa cấp cứu BVĐK tỉnh Lào Cai, nhiều trường hợp nhập viện khi bệnh phát tác vào các thời gian nói trên, có thể trong ngày họ còn khỏe khoắn bình thường nhưng ngay lập tức chỉ vài phút sau sau đã là người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Chính vì thế, đây là những khoảnh khắc rất nguy hiểm cho đột quỵ xuất hiện, chúng ta hãy đặc biệt chú ý.

Các phương pháp điều trị đột quỵ não cấp tại Khoa cấp cứu – BVĐK tỉnh Lào Cai

Hiện tại Khoa cấp cứu, bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai đã được cập nhật nhiều phương pháp điều trị đột quỵ não cấp, trong đó có Tiêu huyết khối, Dẫn lưu não thất, hạ thân nhiệt trong bệnh nhân đột quỵ não cấp,… trong đó phương pháp điều trị thường gặp là tiêu huyết khối trong điều trị đột quỵ não cấp tính.

Thuốc tiêu sợi huyết (tiêu huyết khối) có vai trò làm tan huyết khối (cục máu đông làm tắc dòng chảy lòng mạch máu não và gây ra đột quỵ não). Huyết khối hình thành được là do fibrin. Trong quá trình ly giải cục huyết khối, plasmin là một chất có tác dụng tiêu hủy firbin tạo thành các sản phẩm thoái hóa có thể hòa tan được. Chất hoạt hóa plasminogen mô tái tổ hợp rtpa (với tên gọi alteplase) có tác dụng chọn lọc trên fibrin, chuyển plasminogen thành plasmin, làm tan cục huyết khối. Đây là thuốc duy nhất được hoa kỳ (cơ quan fda) chấp thuận sử dụng trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp trong vòng 3h kể từ khi có triệu chứng đầu tiên xuất hiện.

Hiệu quả của thuốc tiêu sợi huyết: thuốc tiêu sợi huyết rtpa (alteplase) có vai trò tái thông mạch máu làm giảm tỉ lệ tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ não. Để đạt tác dụng, người bệnh cần được điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong vòng 3h kể từ thời điểm xuất hiện triệu chứng.

Do đó người bệnh cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Tỉ lệ người bệnh không bị tàn phế, hoặc liệt vận động mức tối thiểu tăng thêm hơn 30% nếu được điều trị sớm với thuốc tiêu sợi huyết trong 3h đầu sau khi xuất hiện triệu chứng. 13% người bệnh có thể phục hồi chức năng sau ba tháng. Cứ 3 bệnh nhân điều trị trong “thời gian vàng” sẽ có 1 bệnh nhân đạt kết quả tốt hơn so với không được điều trị kịp thời. Ngoài ra cứ 8 bệnh nhân sẽ có một người bệnh có thể trở về cuộc sống bình thường.

Cùng song hành với thời gian phát triển của bệnh viện, khoa cấp cứu đã được hình thành từ những ngày đầu hình thành nên được hình thành từ nền tảng là khoa hồi sức – cấp cứu bệnh viện đa khoa tỉnh, tách ra thành 2 khoa là cấp cứu và hồi sức tích cực, luôn luôn theo định hướng phát triển của bệnh viện, khoa cấp cứu là đội ngũ những nhân viên trẻ, luôn năng động, tích cực, luôn cập nhật phương pháp điều trị mới để đáp ứng khám – chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Thuốc rtpa (alteplase) được sử dụng tại Việt Nam từ năm 2005 với kết quả rất khả quan, nhiều bệnh nhân đã trở về với cuộc sống bình thường. Mặc dù thuốc chỉ có thể sử dụng ở các bệnh nhân nhập viện trong những giờ đầu tính từ lúc khởi phát triệu chứng và có thể gây chảy máu trong não ở một số ít trường hợp, tuy nhiên thuốc làm tăng khả năng phục hồi chức năng hoàn toàn sau 3 tháng, giúp bệnh nhân tránh được cuộc sống tàn phế do đột quỵ.

Từ tháng 9 năm 2017, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, bệnh viện đa khoa tỉnh lào cai, khoa cấp cứu đã được chuyển giao kỹ thuật điều trị tiêu huyết khối trong nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch để có thể phục vụ cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh lào cai, đến nay sau 3 năm triển khai và ứng dụng thực tiễn trong lâm sàng, hàng năm đã có hàng chục ca được tiêu sợi huyết thành công với tỷ lệ cao, tỷ lệ biến chứng chảy máu não chỉ <5%, các trường hợp biến chứng đều được theo dõi sát và xử trí kịp thời, khả năng hồi phục cao, trở về với cuộc sống thường ngày, góp phần mang lại niềm vui cho nhiều gia đình và giảm gánh nặng tàn phế cho cộng đồng. Khoa cấp cứu đang tiếp tục hoàn thiện quy trình xử trí đột quỵ não cấp một cách nhuần nhuyễn nhất, giảm thiểu thời gian bắt đầu vào viện đến khi dùng thuốc tiêu huyết khối để bệnh nhân có thể giảm thiểu thời gian trên giường cứu thương, giảm thời gian thiếu máu nuôi tế bào não, giảm thiểu nhỏ nhất số lượng tế bào não chết trên đường vận chuyển.

Tỷ lệ tử vong, tàn phế trên bệnh nhân đột quỵ não:

Bệnh có tỉ lệ tử vong và gây tàn phế rất cao. Theo thống kê tại hoa kỳ, đột quỵ xếp thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong sau bệnh tim mạch và ung thư, mỗi năm có khoảng 795000 bệnh nhân đột quỵ, trong đó đột quỵ thiếu máu não chiếm tỷ lệ 87%. Trung bình mỗi 40 giây có một bệnh nhân bị đột quỵ và mỗi 4 phút có một bệnh nhân tử vong vì đột quỵ. Nguy cơ tái phát khi đã bị đột quỵ não:

BSCKI Lưu Xuân Đăng – P. Trưởng khoa CC cùng ĐD đón tiếp bệnh nhân

Theo BS Đăng. nguy cơ tái phát khi bị đột quỵ não trong 5 năm đầu sau ca điều trị đầu tiên là rất cao, cụ thể: 1 năm sau đột quỵ: khoảng 10% bệnh nhân tử vong và một số khác cần phải cần đến sự chăm sóc kéo dài, 3 năm sau đột quỵ là 25%, và 5 năm sau đột quỵ có tỷ lệ là 36% vì vậy cần tuân thủ các chế độ ăn cùng với dùng thuốc hàng ngày theo chỉ dẫn của bác sỹ điều trị.

Các biện pháp phòng chống đột quỵ não:- Theo Bs Lưu Xuân Đăng, biện pháp phòng chống đột quỵ não gồm nhiều phương pháp trong đó có các phương pháp như sau:

Thực hiện chế độ ăn uống khoa học:

Một chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp chúng ta kiểm soát được huyết áp và lượng cholesterol trong máu giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Chế độ ăn uống hàng ngày nên giảm chất béo, bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ, nên ăn nhiều trái cây tươi, rau quả và ngũ cốc. Không nên ăn quá nhiều một loại thực phẩm, thức ăn nhanh, và hạn chế những thực phẩm chứa nhiều muối vì sẽ làm tăng huyết áp. Theo Bs Đăng, chúng ta không nên bỏ bữa sáng bởi bữa sáng cung cấp cho cơ thể năng lượng cũng như dinh dưỡng cấn thiết sau một đếm dài cũng như bổ sung năng lượng cho ngày dài vận động, nên cân đối thức ăn giữa các bữa ăn trong ngày và bổ sung đủ nước cho cơ thể, thay đổi nhiều loại thức ăn để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong ngày.

Biểu đồ tháp dinh dưỡng

Rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên. Việc tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp bạn có thể kiểm soát được cân nặng cơ thể. Tập thể dục đều đặn mỗi ngày sẽ giúp tăng lưu lượng máu đến não, điều chỉnh huyết áp và nhịp tim. Khi luyện tập thể dục thường xuyên không những làm tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường. Rèn luyện cơ thể thường xuyên, đúng phương pháp khoa học sẽ làm cho cơ thể phát triển, thể hiện ở sức nhanh, sức bền độ đàn hồi và linh hoạt của cơ tăng lên. Từ đó giảm các yếu tố, nguy cơ gây ra đột quỵ ở tất cả các độ tuổi. Không sử dụng thuốc lá, Rượu, bia cũng như các chất kích thích. Hút thuốc lá gây bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và những bệnh lý ung thư như ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư bàng quang…Nicotin là chất gây nghiện, làm kích thích sản sinh adrenaline nên hút thuốc lá làm tim đập nhanh, nhịp tim trở nên nhanh hơn gây huyết áp cao.
Việc uống quá nhiều bia, rượu sẽ làm cho huyết áp tăng cao, nhịp tim bất thường dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Nếu uống quá nhiều bia rượu sẽ tác động bất lợi lên não, làm giảm khả năng giao tiếp giữa các tế bào não. Nếu bạn uống rượu quá nhiều sẽ có thể dẫn đến bất tỉnh, một hiện tượng đặc trưng của chứng mất trí nhớ hoặc mất trí tạm thời sau khi uống nhiều rượu. 
Theo Bs Đăng, Lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, cũng như các chất kích thích như cà phê, … sẽ gây ra những thay đổi vĩnh viễn trong cơ quan não bộ, dẫn đến suy giảm chức năng não. Chính vì thế, để có một sức khỏe tốt, ít nguy cơ đột quỵ thì nên hạn chế sử dụng. 
Kiểm tra, tầm soát các bệnh liên quan đến đột quỵ định kỳ
Theo BS Đăng, việc thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ giúp phát hiện sớm những nguy cơ về đột quỵ, chỉ số không tốt về đường huyết, cholesterol…kiểm tra nguy cơ sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán các yếu tố dẫn đến đột quỵ cho bạn.
Nếu những người cao huyết áp thì phải hạ huyết áp xuống ở mức ổn định. Bởi khi có huyết áp cao sẽ là một nhân tố rất lớn khiến nguy cơ đột quỵ xảy ra. Các bạn nên duy trì huyết áp ở dưới 135/85.
Nếu lượng đường trong máu cao thì cần phải kiểm soát giảm xuống ở mức thời gian. Bởi nếu đường trong máu cao quá mức trong thời gian lâu dài sẽ làm hỏng các mạch máu, dễ hình thành các cục máu đông. Vì thế, giữ mức đường trong máu trong tầm kiểm soát là điều cần thiết để phòng chống bệnh đột quỵ.
Để giảm thiểu nguy cơ bị đột quỵ, Bs. Đăng khuyên bạn nên có một chế độ sinh hoạt lành mạnh, thường xuyên vận động thể thao, nói không với chất kích thích, hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh.
Đột quỵ não một trong những nguyên nhân gây nên tử vong cao và để lại một số di chứng vĩnh viễn cho bệnh nhân. Đặc biệt, đột quỵ có thể xảy đến với tất cả mọi người không kể lứa tuổi hay giới tính (ngày nay có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi, tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua). Đột quỵ không những là nguyên nhân gây tử vong thứ ba mà còn gây tàn phế hàng đầu cho người bệnh, là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. vì vậy, chúng ta cần có những hiểu biết cần thiết về bệnh cũng như cách phòng chống bệnh để có thể có cuộc sống lành mạnh hơn, giảm nguy cơ bị đột quỵ cũng như giảm tỷ lệ tử vong cũng như tàn phế do đột quỵ não gây ra.

Hoàng Huynh – Khoa Cấp Cứu

Chia sẻ ngay