ĐÔI NÉT VỀ ĐIỆN TRỊ LIỆU (Phần 1)

Như chúng ta đã biết, mô sinh học là một môi trường dẫn điện, khi dòng điện đi qua sẽ làm thay đổi sinh lý và bệnh lý của mô cơ thể. Trong lịch sử phát triển của ngành vật lý trị liệu, cuộc cách mạng điện trị liệu đã phát triển phương pháp kích thích điện, người ta đã sử dụng các dòng điện xung xoay chiều để kiểm soát đau và khoảng hơn 30 năm nay người ta đã sử dụng các dòng điện xung nhọn để điều trị đau. Thêm vào đó dòng điện cũng được dùng để điều trị các rối loạn sinh lý của cơ thể như điều trị sưng nề khớp, điều trị các phản ứng viêm, làm liền mô, tái hoạt động các cơ, điều trị các rối loạn tuần hoàn, rối loạn chức năng ở khớp, các rối loạn tư thế và rối loạn hoạt động của cơ đáy chậu.

Sử dụng điện trị liệu

Nhiều thiết bị điều trị bằng dòng điện cũng được sản xuất và bán ra thị trường với nhiều dòng điện khác nhau để lựa chọn điều trị nhưng việc lựa chọn thiết bị nào và dòng điện nào là điều còn gây bối rối cho các bác sĩ lâm sàng; các câu hỏi như bệnh lý nào thì được chỉ định điều trị bằng dòng điện và quy trình kỹ thuật điều trị như thế nào, liệu trình điều trị là bao lâu, việc theo dõi và đánh giá kết quả điều trị như thế nào cũng còn là một vấn đề lớn đối với các kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
Những người làm trong ngành vật lý trị liệu phục hồi chức năng thường biết đến các thiết bị điện trị liệu qua những tên thương mại của nhà sản xuất, tên của các dòng điện điều trị trong máy thường do các hãng sản xuất đặt. Một số tên gọi của các dòng điện do các nhà sản xuất đặt nhiều khi cũng không phù hợp làm cho người sử dụng dễ bị nhầm lẫn, một số tên gọi thường gặp là: dòng Galvanic, dòng Faradic, Diadynamic, High Voltage (dòng điện thế cao), Low Voltage (dòng điện thế thấp), Low Frequency (dòng thấp tần), Medium Frequency (dòng trung tần) và dòng kích thích thần kinh qua da (Transcutaneous Electrical Nerve Stimulation/TENS); những tên gọi kiểu này đã tạo ra sự nhầm lẫn.

BSCK I. Nguyễn Văn Thắng – Phụ trách Bộ phận PHCN

Chia sẻ ngay