Điều trị tủy răng

Khái niệm: Tủy răng là một mô liên kết đặc biệt gồm mạch máu và thần kinh, nằm trong hốc tủy và được bao quanh bởi mô cứng của răng (gồm men và ngà răng). Tủy răng đi vào từ đỉnh của chân răng.​

Hốc tủy là một hốc ở giữa răng. Hốc ở phần thân răng gọi là buồng tủy và tủy răng nằm trong đó gọi là tủy buồng. Hốc ở phần chân răng gọi là ống tủy và tủy răng nằm trong đó gọi là tủy chân. Mỗi chân răng có thể có 1 hoặc nhiều ống tủy, nhiều ống tủy phụ. Các ống tủy của một răng được gọi là hệ thống ống tủy.​

Đỉnh của chân răng, nơi có mạch máu và thần kinh đi vào gọi là chóp răng (cuống răng).​

Tủy răng tham gia vào chức năng cảm giác, nuôi dưỡng và sửa chữa ngà răng.​

  1. Điều trị tủy hay chữa tủy răng là gì?​

Điều trị tủy răng là quá trình loại bỏ hết phần tủy răng (cả tủy buồng và tủy chân). Sau khi lấy hết mô tủy, nha sĩ sẽ tiến hành làm sạch, tạo dạng và hàn kín lại hệ thống ống tủy.​ Tại sao cần phải điều trị tủy răng?​

  • Vì tủy răng không có khả năng tự lành thương, nên khi bị tấn công, tủy răngsẽ trở nên yếu, viêm nhiễm và chết. Nếu tủy răng bị bệnh không được điều trị, viêm nhiễm từ tủy răng sẽ lan xuống vùng cuống răng gây nhiễm trùng cuống, nhiễm trùng lan rộng làm xương quanh răng bị viêm nhiễm, tiêu đi, răng lung lay và gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm khác ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và toàn thân.​
  • Ngoài nguyên nhân gây viêm nhiễm, những cơn đau do tủy bị viêm thường dữ dội, dùng thuốc giảm đau không đỡ, khiến bạn không thể chịu đựng được và bạn phải tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp của nha sĩ ngay.​
  • Khi răng phải nhổ bỏ sẽ để lại khoảng trống mất răng trong miệng. Khoảng trống này sẽ gây khó chịu cho bạn, ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, thẩm mỹ, sinh hoạt và công việc hàng ngày. Bên cạnh đó, việc làm một chiếc răng giả để bù vào răng đã mất đôi khi phức tạp, ảnh hưởng đến các răng và các tổ chức xung quanh cũng như khó có thể mang lại cảm giác như một răng thật.​
  1. Những răng nào cần điều trị tủy răng?​

Đầu tiên là những răng có bệnh lý tủy như: sâu răng chạm vào tủy, tủy không khỏe mạnh do bị kích thích bởi chất hàn, những răng bị mài nhiều, tủy bị hở do tai nạn, vỡ răng,…​

Tiếp theo là những răng có bệnh lý vùng cuống như: có ổ nhiễm trùng ở vùng cuống răng, ổ nhiễm trùng tạo nên ổ mủ lớn (gọi là Abscess) ở lợi và các vùng xung quanh gây sưng mặt, sưng lợi, đau khi ăn nhai,​

Những răng cần phải chữa tủy do yêu cầu của làm răng giả (làm cầu, chụp răng), làm răng thẩm mỹ…​

  1. Dấu hiệu răng cần điều trị tủy​

Các răng nên điều trị tủy khi phát hiện răng bị nứt gãy, răng bị sâu nặng vào đến phần tủy gây đau hoặc răng bị chấn thương gây tổn thương tủy.​

Dấu hiệu rõ nhất cho thấy bạn cần điều trị tủy ngay là đau răng thành từng cơn, có thể đau ở mức độ nhẹ tại chỗ hoặc đau dữ dội lan ra các răng xung quanh và lên đầu, đau có thể giật theo mạch nhịp đập. Cơn đau xuất hiện tự nhiên hoặc khi có kích thích nóng, lạnh hoặc thay đổi áp suất. Thuốc giảm đau hầu như không đáp ứng​

Đau tủy răng là một cấp cứu nha khoa. ​
Dấu hiệu tiếp theo là lợi ở vùng có răng bị sâu hoặc chấn thương bị sưng, có hoặc không có sưng mặt kèm theo​. Có thể vùng lợi ở răng bị sâu hoặc chấn thương có nốt nổi lên như mụn, ấn vào thấy có dịch hoặc mủ vàng chảy ra. Bạn hoàn toàn không thấy đau răng.​

Sưng mặt, sưng lợi hay có nốt mụn ở lợi là dấu hiệu cho thấy vùng chóp răng đã bị nhiễm trùng do tủy răng chết mà không được chữa trị kịp thời. Nếu có chụp film răng,sẽ thấy có vùng nhiễm trùng ở chóp răng. Vùng nhiễm trùng có thể chỉ ở tại chỗ hoặc đã lan rộng ra xung quanh.​

  1. Nguyên tắc điều trị tủy răng​

Với mục đích là giữ được răng để đảm bảo được chức năng ăn nhai, việc lấy tủy răng hay điều trị tủy yêu cầu 3 nguyên tắc như sau:​

  • Vô trùng
  • Loại bỏ hết toàn bộ tủy và hệ thống ống tủy phải được làm sạch. Các ống tủy phải được tạo hình phù hợp.​
  • Các ống tủy phải được trám bít kín theo 3 chiều trong không gian.​

Quy trình điều trị tủy răng

  • Chữa tủy răng là một ca điều trị nha khoa không quá phức tạp nhưng lại đặc biệt quan trọng bởi nếu tủy răng bị viêm nhiễm không được làm sạch sẽ khiến bệnh nhân phải chịu cảm giác đau buốt dai dẳng, không thể ăn ngon và làm ảnh hưởng đến các răng lân cận.​

1 – Thăm khám và xác định tình trạng viêm tủy răng

Dựa trên biểu hiện bệnh lý và phim X – quang để xác định ống tủy bị viêm nhiễm và mức độ hư hại ​

2 – Gây tê trước khi lấy tủy

Gây tê cục bộ để giảm ê nhức và khó chịu cho bệnh nhân. ​
3 – Đặt đế cao su

Đế cao su là công cụ để ngăn vùng điều trị với khoang miệng nhằm tránh thuốc điều trị tủy rơi xuống miệng. Bên cạnh đó, đặt đế cao su sẽ giữ cho răng chữa tủy luôn khô sạch, tránh sự xâm nhập của nước bọt.​

4 – Mở ống tủy để rút tủy viêm

Dùng mũi khoan và dũa chuyên dụng. Ống tủy sẽ được mở đủ rộng để việc lấy tủy diễn ra dễ dàng. ​

5 – Tạo hình ống tủy

Sau khi tủy răng được loại bỏ hoàn toàn, bác sĩ sẽ tạo hình lại ống tủy và lấp đầy buồng tủy trống bằng vật liệu nha khoa.​
6 – Trám bít ống tủy

Để bảo vệ răng khỏi sự tấn công của vi khuẩn.​

7- Tái khám

Nguyễn Mai Hương – RHM
Chia sẻ ngay