ĐIỀU TRỊ THIẾU MÁU Ở BỆNH NHÂN SUY THẬN MẠN TÍNH

Khi một phần chức năng thận bị mất đi vĩnh viễn, cơ thể người bệnh sẽ bị thiếu máu. Mức độ suy thận càng nặng thì thiếu máu càng nhiều, chính vì vậy, điều trị thiếu máu trong suy thận mạn tính cũng là một trong những biện pháp tổng hợp điều trị bảo tồn.

1. Thiếu máu trong suy thận mạn tính là gì?

Ở cơ thể người bình thường, thận là cơ quan quan trọng trong điều hòa sản xuất erythropoietin (một nội tiết tố kích thích sản sinh hồng cầu theo cơ chế feed – back) đáp ứng với nồng độ oxygen cung cấp cho tổ chức. Erythropoietin sẽ tác động kích thích tủy xương làm sản sinh hồng cầu nhằm vào khâu biệt hóa hồng cầu.

Tuy nhiên, nếu cơ thể bị thiếu erythropoietin thì hồng cầu sẽ không thể tiếp tục biệt hóa, do vậy mà người bệnh suy thận mạn tính thường bị thiếu máu. Hiểu một cách đơn giản, khi chức năng thận của người bệnh bị mất đi một phần vĩnh viễn thì sẽ làm sản sinh tình trạng thiếu máu, tình trạng này có thể bắt đầu từ giai đoạn đầu tiên của suy thận và tiến triển dần cùng với mức độ nặng dần của bệnh suy thận mạn tính.

2. Nguyên nhân gây thiếu máu trong suy thận mạn tính

Người mắc bệnh suy thận mạn tính sẽ khiến cho thận bị tổn thương và không thể tạo đủ chất kích thích tủy xương tạo máu (EPO), kết quả là các tủy xương sẽ sản xuất hồng cầu ít đi và gây ra tình trạng thiếu máu.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng thiếu máu ở người bệnh thận có thể kể đến sự mất máu từ thẩm tách máu và giảm lượng các chất dinh dưỡng như sắt, vitamin B12, axit folic… được tìm thấy trong thực phẩm sử dụng hàng ngày.

Ngoài ra, thiếu máu trong suy thận mạn tính còn có thể do một số nguyên nhân như:

Vấn đề khác liên quan đến tủy xương của người bệnh;

Người bệnh gặp vấn đề về viêm như viêm khớp, viêm ruột… trong đó hệ miễn dịch cơ thể sẽ tấn công các tế bào và các cơ quan trong cơ thể người bệnh’

Điều trị thiếu máu ở người suy thận mạn tính

Viêm ruột là một trong các nguyên nhân gây thiếu máu trong suy thận mạn tính

Người bệnh bị nhiễm trùng mạn tính;

Suy dinh dưỡng.            

3. Triệu chứng thiếu máu trong suy thận mạn tính

Thiếu máu trong suy thận mạn tính có biểu hiện lâm sàng rất rõ ràng và dễ nhận biết, cụ thể: Cơ thể bị yếu đi rõ rệt, luôn có cảm giác mệt mỏi; Đau nhức đầu và giảm sự tập trung; Chóng mặt, da xanh xao; Khó thở hoặc mất nhịp thở; Đau tức ngực; Nhịp tim nhanh bất thường.

4. Chẩn đoán thiếu máu khi đang bị suy thận mạn bằng cách nào?

Bác sĩ sẽ căn cứ vào tiền sử bệnh án của người bệnh để chẩn đoán tình trạng và nguyên nhân gây thiếu máu. Ngoài việc thăm khám lâm sàng, thực thể thì có thể tiến hành một số xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu (giúp chẩn đoán tình trạng thiếu máu chính xác nhất), xét nghiệm sự mất máu trong phân để có thể tìm ra nguyên nhân khác gây thiếu máu trong suy thận mạn tính.

5. Điều trị thiếu máu ở người suy thận mạn tính

Dựa vào cơ chế gây thiếu máu trong suy thận mạn tính, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân điều trị bằng phác đồ phù hợp nhất.

Bổ sung sắt: Có thể dùng theo đường uống hoặc theo đường tiêm tĩnh mạch (ít sử dụng):

Dùng thuốc kích thích tạo hồng cầu (hiện tại có dạng tiêm, dạng uống có ở thị trường nước ngoài). Thuốc giúp người suy thận mạn hạn chế tối đa nguy cơ truyền máu.

Truyền khối hồng cầu khi người bệnh bị mất máu cấp tính hoặc thiếu máu mạn mức độ nặng có chỉ định truyền máu. Thận trọng với bệnh nhân chờ ghép thận.

Điều trị thiếu máu ở người suy thận mạn tính

Khám bệnh để tìm ra phương pháp chữa tốt nhất

Tóm lại, tình trạng thiếu máu trong suy thận mạn tính không chỉ khiến cho sức khỏe của bệnh nhân giảm sút, luôn trong tình trạng mệt mỏi mà còn làm tăng nguy cơ biến chứng thành các bệnh lý khác như suy tim, đột quỵ, tử vong…

Do vậy, khi được chẩn đoán thiếu máu, bệnh nhân suy thận mạn tính cần phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và có thể kết hợp với chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, tăng thực phẩm bổ máu và nghỉ ngơi điều độ để có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh và nâng cao hiệu quả điều trị.

BsCKI. Lê Thị Kim Thành – Khoa Thận nhân tạo

Chia sẻ ngay