Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai người bệnh đã được hưởng bảo hiểm y tế khi điều trị mụn cóc do virus (hạt cơm) bằng Laser CO2. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số điều cần biết về bệnh lý hạt cơm:
Tổn thương cơ bản là một điểm dầy sừng hình tròn sùi vào sâu, đau nhất là khi vận động hoặc đụng chạm vào, thường đơn độc hoặc có một vài tổn thương đơn lẻ. Tổn thương dạng đĩa xung quanh vòng bởi một hình nhẫn dầy sừng, phần trung tâm dầy sừng mà bề mặt tạo thành những điểm đen (có thể do mao mạch bị tắc hoặc bị bít bởi bụi). Đây là loại tổn thương thường gặp.
Bệnh có tính chất lây lan nếu không được hỗ trợ điều trị hạt cơm: Khi bị hạt cơm nếu không tổn thương sẽ to dần và mọc thêm nhiều nốt mới, bên cạnh đó bệnh cũng có thể lây cho những người xung quanh, trong gia đình qua con đường tiếp xúc trực tiếp.
Quy trình điều trị hạt cơm bằng Laser CO2.
Điều trị hạt cơm bằng Laser CO2 là kỹ thuật sử dụng chùm tia Laser CO2 nhằm loại bỏ tổ chức hạt cơm bằng hiệu ứng quang đông hoặc bốc bay tổ chức. Rút ngắn thời gian điều trị, ít đau là phương pháp điều trị đang được ứng dụng có hiệu quả tại Khoa Da liễu BVĐK tỉnh Lào Cai.
* Chỉ định:
Hạt cơm các thể: hạt cơm thông thường, hạt cơm phẳng, lòng bàn tay bàn chân.
* Chống chỉ định:
Người bệnh không đồng ý hoặc không hợp tác điều trị.
Bệnh giang mai 2 chưa điều trị nếu thương tổn ở vùng niêm mạc.
Vùng da điều trị đang nhiễm khuẩn cấp tính, lan toả.
Bệnh toàn thể nặng, tăng huyết áp (>160mmHg), đái tháo đường (>10mmol/l).
Người bệnh đang đặt máy tạo nhịp tim.
* Chuẩn bị người bệnh:
Được khám, xét nghiệm, hội chẩn để có chẩn đoán, chỉ định điều trị phù hợp.
Được tư vấn về phương pháp, quy trình điều trị: sự cần thiết, hiệu quả, tai biến…
Tâm lý ổn định, sẵn sàng điều trị.
Hồ sơ bệnh án (Phiếu điều trị)
Chỉ định của bác sĩ, phiếu khai thác tiền sử dị ứng của người bệnh, chuẩn bị của điều dưỡng, cam kết của người bệnh.
Xét nghiệm máu (nếu cần).
* Tiến hành thủ thuật điều trị hạt cơm phẳng
Vệ sinh, sát trùng đồ bảo hộ, dụng cụ, chân tay và vùng da điều trị.
Kiểm tra người bệnh, đúng người, đúng tình trạng da gặp phải.
Người bệnh nằm trên bàn, tư thế thoải mái, phù hợp để tiến hành thủ thuật.
Gây tê tại chỗ:
Gây tê: Bôi tê (EMLA 5%), Tiêm tại chỗ (Medicain 2%).
Vô trùng:
Sát trùng rộng vùng điều trị bằng povidin 10% hoặc chlorhexidin 2%.
Trải toan vô khuẩn bàn và người bệnh che phủ xung quanh, bộc lộ vùng điều trị.
Loại bỏ thương tổn:
Quang đông hoặc bốc bay tổ chức từng lớp.
Loại bỏ hoàn toàn thương tổn cả chiều rộng, chiều sâu.
Loại bỏ tổ chức than hóa bằng gạc ẩm.Làm sạch vùng điều trị
Sát trùng, làm sạch vùng đã điều trị bằng: povidin 10% hoặc NaCl 0,9%… Bôi kem/mỡ kháng sinh.
Băng thương tổn:
Đắp gạc: gạc tẩm thuốc mỡ GANIKderma, gạc vô khuẩn khô…
Băng thương tổn, băng ép nhẹ (nếu cần)
* Theo dõi sau thủ thuật
Theo dõi 30 phút với trường hợp gây tê tại chỗ, 6 giờ với gây mê hoặc tê tuỷ sống
Toàn trạng: phát hiện sớm sốc phản vệ, theo dõi chức năng sống và rối loạn khác
Tại chỗ: tình trạng chảy máu, co thắt mạch, tình trạng phù nề và các rối loạn khác
* Xử lý khi có tai biến
Báo bác sĩ ngay khi có tai biến.
Sốc phản vệ: kiểm soát chức năng sống, xử trí ngay theo phác đồ sốc phản vệ.
Chảy máu: băng ép, khâu ép hoặc cầm máu bằng đốt điện.
Tai biến khác: tuỳ theo loại và mức độ xử lý phù hợp.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để nhận tư vấn. Mọi thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp đến:
Khoa Da liễu – BVĐK tỉnh Lào Cai thông qua:
– Hotline: 0353.010.668 hoặc Website: Bvdklaocai.vn.e
– Fanpaga: Khoa Da Liễu – Bệnh Viện Đa Khoa Lào Cai.
Người viết bài: CNĐD Nguyết Tuyết Nhung