Huyết áp thấp là tình trạng khá phổ biến ở nhiều người nhất là với người cao tuổi. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu mức độ nguy hiểm của huyết áp thấp đối với vấn đề sức khỏe. Thạc sĩ, Bác sĩ. Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã có những trao đổi để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

– Xin bác sĩ cho biết, triệu chứng nào để nhận biết huyết áp thấp?

+ Huyết áp thấp là tình trạng khi huyết áp đột ngột giảm xuống dưới 90/60 mmHg. Huyết áp thấp làm cho thể tích máu giảm đi vì co mạch (huyết áp tâm thu hay áp lực trong lòng động mạch khi tim co bóp và đầy máu từ 90mmHg trở xuống, huyết áp tâm trương hay áp suất trong lòng động mạch khi tim nghỉ giữa hai lần bóp chỉ từ 60mmHg trở xuống).

Bảng chỉ số huyết áp theo chuẩn WHO

Các triệu chứng huyết áp thấp thường gặp bao gồm: Cảm giác hoa mắt hoặc chóng mặt; đau đầu; nôn, buồn nôn hoặc choáng ngất; thiếu tập trung; mờ mắt; da lạnh, ẩm hoặc nhợt nhạt; nhịp thở nhanh, nông; mệt mỏi; trầm cảm; cảm giác khát. Việc giảm huyết áp đột ngột có thể dẫn đến thiếu máu cung cấp cho các cơ quan quan trọng, đặc biệt là não. Thể tích máu giảm là nguyên nhân gây suy giảm chức năng đa cơ quan. Một số triệu chứng nghiêm trọng của huyết áp thấp như: Ngất, sốc tuần hoàn và trụy mạch.

Tuy nhiên, huyết áp thấp mạn tính không có triệu chứng và không nghiêm trọng. Một số người khỏe mạnh tập thể dục thường xuyên có xu hướng bị huyết áp thấp.

– Nguyên nhân gây bệnh huyết áp thấp là gì, thưa bác sĩ?

+ Có nhiều nguyên nhân gây ra huyết áp thấp, nếu là huyết áp thấp sinh lý có thể do yếu tố gia đình, do sống ở vùng núi cao.

Nếu huyết áp thấp do bệnh lý, có thể do sự suy giảm chức năng của các cơ quan quan trọng như tim, thận, do hệ thống thần kinh thực vật của cơ thể không tự điều chỉnh được dẫn đến hạ huyết áp tư thế. Huyết áp thấp còn thường xuất hiện ở người gặp các vấn đề về nội tiết, như tuyến giáp không hoạt động (nhược giáp), tiểu đường hoặc lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết); ở một số bệnh nhân bị   parkinson, suy tim, loạn nhịp tim, phì đại hoặc giãn nở các mạch máu, bệnh gan…

Người cao tuổi thường có nguy cơ cao mắc huyết áp thấp. Huyết áp thấp cũng khá phổ biến ở phụ nữ mang thai. Một số trường hợp, huyết áp có thể giảm đột ngột do mất máu, nhiệt độ cơ thể thấp, nhiệt độ cơ thể cao, nhiễm nấm, nhiễm trùng máu nặng, phản ứng dị ứng trầm trọng …

Bên cạnh đó, người bị huyết áp thấp còn có thể do cơ thể bị mất nước (không uống đủ nước, bị tiêu chảy nặng hoặc nôn ói nhiều, đổ mồ hôi nhiều) hoặc kiệt sức do nhiệt, cảm nhiệt; do uống một số loại thuốc không cần kê đơn, một số loại thuốc theo đơn như thuốc trị cao huyết áp, trầm cảm hoặc parkinson…

Có những tác động từ môi trường bên ngoài, như cuộc sống căng thẳng, môi trường ô nhiễm, khuynh hướng lạm dụng độc chất, béo phì, suy dinh dưỡng… cũng có thể gây ra bệnh huyết áp thấp.

Ngoài ra, những người không nằm trong các trường hợp trên cũng có thể bị huyết áp thấp.

– Phương pháp nào dùng để điều trị huyết áp thấp, thưa bác sĩ?

+ Huyết áp thấp thường ít gây ra các triệu chứng rầm rộ, có thể có một vài triệu chứng nhẹ, thoáng qua. Điều trị huyết áp thấp cần tìm nguyên nhân chính gây nên, bởi huyết áp thấp chỉ là triệu chứng bên ngoài. Để điều trị hiệu quả, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn bởi vì mỗi bệnh nhân sẽ có cách điều trị khác nhau.

Tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe và kiểu huyết áp thấp, bệnh nhân có thể thực hiện những phương pháp sau:

Tăng lượng muối trong chế độ ăn uống. Cần uống nhiều nước hơn, điều này sẽ làm tăng thể tích máu và chống mất nước. Sử dụng một số thuốc để điều trị huyết áp thấp theo chỉ định của bác sĩ.

Đồng thời cần có thói quen sinh hoạt phù hợp, gồm:  Đứng dậy chậm và để cho cơ thể có thời gian thích ứng. Khi bạn đứng lên, phải chắc chắn rằng bạn có một điểm tựa nào đó để bám vào trong trường hợp bắt đầu cảm thấy chóng mặt. Tránh chạy, leo núi hoặc làm bất cứ hoạt động nào mất rất nhiều năng lượng, nhất là trong thời tiết nắng nóng. Chỉ tập thể dục nhẹ nhàng. Ngủ đủ giấc (7-8 tiếng/ngày). Khi ngủ, đặt một chiếc gối dưới đầu sao cho đầu cao hơn tim một chút. Nên mang tất chân, tốt nhất là loại tất dài. Có thể sử dụng một số thực phẩm như nho khô, hạnh nhân, muối chứa sodium…, cà phê, nước sâm…

Nên tránh một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng hạ huyết áp nghiêm trọng hơn, như cà chua, hạt dẻ nướng, dưa hấu, đậu đỏ, đậu xanh, thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, gạo, cháo, bánh mì, rượu…

– Xin cám ơn bác sĩ!

Ths. BS. Trần Hồng Chuyên – Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Chia sẻ ngay