Đo dẫn truyền thần kinh:
Đo dẫn truyền thần kinh là thăm dò nhằm đánh giá khả năng dẫn truyền cả về cảm giác lẫn vận động ở vùng da và cơ mà thần kinh chi phổi
Cơ sở sinh lý của phương pháp đo dẫn truyền thần kinh
Khi kích thích một dây thần kinh vận động bằng một xung điện, dây thần kinh sẽ bị khử cực tại điểm kích thích, tạo thành một xung thần kinh. Xung này di chuyển dọc theo dây thần kinh, vượt qua synap, thông qua chất trung gian hóa học gây khử cực màng sau synap. Khử cực sẽ từ màng sau synap lan tỏa dọc sợi cơ và gây co cơ. Điện cực ghi ( được đặt ở da ngay trên bắp cơ đó) sẽ ghi được một sóng điện thế do co cơ gây ra. Điện thế này được gọi là điện thế hoạt động toàn phần của một bắp cơ CMAP ( Compound muscle action potentia).
Khi kích thích một dây thần kinh cảm giác bằng một xung điện, dây thần kinh sẽ bị khử cực tại điểm kích thích, tạo thành một xung thần kinh. Xung này di chuyển dọc theo dây thần kinh đến vùng da mà nó chi phối. Điện cực được đặt ở vùng da đó sẽ ghi được sóng điện thế đáp ứng cảm giác. Điện thế này được gọi là điện thế hoạt động của dây thần kinh cảm giác SNAP (Sensory Nerve Action Potential). Có thể kích thích và ghi được sóng đáp ứng cảm giác trên các dây thần kinh thuần túy cảm giác hoặc các dây thần kinh hỗn hợp (bao gồm cả các sợi cảm giác và sợi vận động).
Có hai phương pháp đo dẫn truyền cảm giác: (1) phương pháp thuận chiều: kích thích điện vào cảm giác thụ thể ngoài da và ghi đáp ứng trên dây thần kinh, xung động sẽ đi xuôi chiều sinh lý của dẫn truyền cảm giác và (2) phương pháp ngược chiều: kích thích điện vào thân dây thần kinh và ghi đáp ứng tại vùng chi phối cảm giác da của nó, xung động sẽ đi ngược chiều sinh lý của dẫn truyền cảm giác. Khoảng cách giữa điện cực ghi và điện cực kích thích là 14cm. Thông thường kỹ thuật đo ngược chiều được nhiều tác giả sử dụng hơn.
Kỹ thuật đo dẫn truyền thần kinh:
Đo dẫn truyền vận động: cách đặt điện cực khi khảo sát vận động dây thần kinh giữa: điện cực ghi đặt ở ô mô cái, gần gốc chi. Điện cực đối chiếu đặt ở ô mô cái xa gốc chi. Điện cực kích thích dây thần kinh vận động ở hai vị trí trên đường đi của dây thần kinh: tại cổ tay kích thích tại vị trí điện cực ghi đo lên 7cm, tại khuỷu tay trên đường đi của dây thần kinh, cách vị trí kích thích tại cổ tay 20- 27 cm tùy theo chiều dài tay của bệnh nhân.
Đo dẫn truyền cảm giác: khác với các sợi vận động, không có các khớp thần kinh ngăn cách giữa các cơ quan thụ cảm và sợi cảm giác nên thời gian tiềm cảm giác chính là thời gian dẫn truyền cảm giác của chính dây thàn kinh đó. Cách đặt điện cực khi khảo sát dẫn truyền cảm giác dây thần kinh giữa: điện cực ghi đặt ở ngón tay II, gần gốc chi. Điện cực đối chiếu đặt ở ngón tay II xa gốc chi. Điện cực kích thích dây thần kinh cảm giác được đặt trên đường đi của dây thần kinh giữa ở cổ tay ( cách vị trị đặt điện cực ghi 14 cm).
Phân độ hội chứng ống cổ tay ( HCOCT) trên điện cơ:
có nhiều loại phân độ HCOCT, trong đó phân độ theo tác giả Padua được áp dụng phổ biến trên lâm sàng và được sử dụng trong nhiều nghiên cứu. Phân độ này chia HCOCT thành 6 mực độ:
- Rất nặng: Không ghi được sóng đáp ứng cảm giác lẫn vận động của thần kinh giữa
- Nặng: Không ghi được sóng đáp ứng cảm giác nhưng vẫn còn sóng đáp ứng vận động, giảm dẫn truyền vận động của thần kinh giữa đoạn qua ống cổ tay.
- Trung bình: Giảm dẫn truyền cả về cảm giác lẫn vận động của thần kinh giữa đoạn qua ống cổ tay.
- Nhẹ: Giảm dẫn truyền cảm giác thần kinh giữa đoạn qua ống cổ tay hoặc tăng hiệu thời gian tiềm của thần kinh giữa và thần kinh trụ cùng bên. Dẫn truyền vận động bình thường.
- Rất nhẹ: Tăng hiệu thời gian tiềm của thần kinh giữa với thần kinh trụ khi ghi đáp ứng tại ngón IV hoặc thần kinh giữa với thần kinh quay khi ghi đáp ứng tại ngón I.
- Bình thường: tất cả các chỉ số về điện sinh lý thần kinh đều trong giới hạn bình thường.
Tài liệu tham khảo: Phẫu thuật nội soi điều trị hội chứng ống cổ tay – PGS.TS. Trần Trung Dũng- NXB y học 2020.
Tác giả: BSCKI. Nguyễn Văn Thắng- Phụ trách bộ phận Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Lào Cai./