Bệnh tim mạch là bệnh lý xuất hiện âm thầm, nhưng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ngày càng tăng, tuy nhiên, dấu hiệu bệnh tim mạch khá mơ hồ và thường nhầm lẫn với một số bệnh khác. Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã có những trao đổi để giúp bạn đọc nhận biết về bệnh này.
Xin bác sĩ cho biết các dấu hiệu cơ bản nhận biết bệnh tim mạch?
Bệnh tim mạch là các tình trạng liên quan đến sức khỏe của trái tim, làm suy yếu khả năng làm việc của tim. Bệnh gây hẹp, xơ cứng và tắc nghẽn mạch máu, làm gián đoạn hoặc không cung cấp đủ oxy đến não và các bộ phận khác trong cơ thể. Từ đó khiến các cơ quan bị ngừng trệ hoạt động, phá hủy từng bộ phận dẫn đến tử vong. Biểu hiện của căn bệnh này thường là các bệnh như bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh lý van tim, loạn nhịp tim và suy tim…
Người bệnh có thể dựa vào một số triệu chứng sau đây để có thể nhận biết mình mắc bệnh tim mạch:
Khó chịu ở ngực hoặc đau thắt ngực: Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến mà người mắc bệnh tim mạch thường mắc phải. Bệnh gây nên cảm giác tim bị đè nén, bóp nghẹt, nặng ngực, khó thở… Cơn đau thường lan ra hàm, vai, tay và còn có thể kèm theo hiện tượng nôn, ói, vã mồ hôi, chóng mặt.
Khó thở: Một số vấn đề liên quan tới tim mạch sẽ có thể khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác khó thở, mệt mỏi khi di chuyển hoặc khi chạy, tập thể dục… Hiện tượng khó thở có nhiều nguy cơ là dấu hiệu của căn bệnh suy tim, thường xảy ra khi trái tim giảm khả năng cung cấp máu theo nhu cầu của cơ thể. Khó thở xuất hiện từ từ, tăng lên khi người bệnh gắng sức, có thể khó thở cả khi nằm nghỉ. Cùng với đó, bệnh nhân có thể bị phù; triệu chứng phù do bệnh tim mạch thường là phù tím, phù mềm, dấu hiệu bắt đầu từ hai bàn chân kèm theo tình trạng gan to, tĩnh mạch cổ nổi, đi tiểu ít.
Đánh trống ngực hoặc nhịp tim nhanh, chậm bất thường. Cảm thấy hoa mắt chóng mặt, choáng váng thường gặp ở bệnh nhân tim mạch lớn tuổi.
Bệnh nhân còn có triệu chứng thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí kiệt sức ngay cả khi thực hiện các hoạt động thường ngày. Hay bệnh nhân bị ho dai dẳng, khò khè do tim bơm máu không đủ để cung cấp cho cơ thể khiến máu bị ứ lại. Dịch ứ ở phổi lâu ngày gây tình trạng ho mạn tính, thở khò khè.
Người bệnh mắc bệnh lý tim mạch có thể hay xuất hiện ngất xỉu (sự mất tạm thời hoặc đột ngột của ý thức). Đây là dấu hiệu nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Một số bệnh lý tim mạch khiến cho bệnh nhân có thể ngất xỉu, bao gồm: Ngất do nhịp tim chậm, hội chứng nhịp nhanh – nhịp chậm, hạ huyết áp tư thế, hẹp van động mạch chủ, hẹp động mạch phổi…
Ngay khi có những dấu hiệu trên, cần đi khám sớm để được chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.
Vậy nguyên nhân nào gây bệnh tim mạch, thưa bác sĩ?
Có rất nhiều nguyên nhân gây mắc bệnh tim mạch. Đầu tiên phải nói đến đó là hoạt động quá tải của quả tim bao gồm các bệnh lý về van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim, tăng huyết áp; các rối loạn nhịp tim do rối loạn hệ thống dẫn truyền trong tim bẩm sinh hoặc mắc phải.
Thói quen ăn uống sinh hoạt như: Hút thuốc lá, chế độ ăn uống nhiều muối, chất béo và cholesterol; ít vận động, ít hoạt động thể dục thể thao; thừa cân, béo phì hoặc do căng thẳng kéo dài… cũng làm gia tăng mắc bệnh tim mạch.
Bên cạnh đó, một số bệnh lý khác cũng có thể gây nên bệnh tim mạch, như: Tăng huyết áp có thể dẫn đến xơ cứng và dày thành các động mạch, thu hẹp các mạch máu; tăng cholesterol máu gây hình thành các mảng xơ vữa động mạch; đái tháo đường; tuổi tác cao dẫn đến tăng nguy cơ hẹp động mạch, suy yếu hoặc phì đại động mạch; hay do yếu tố gia đình (trong gia đình đã có người mắc bệnh tim).
Để chẩn đoán bệnh cần thực hiện những xét nghiệm gì, thưa bác sĩ?
Để chẩn đoán bệnh tim mạch, bác sĩ sẽ dựa trên tiền sử bệnh của bệnh nhân và gia đình; các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tiểu đường, béo phì, căng thẳng…; xét nghiệm thể chất, xét nghiệm máu, chụp X-quang. Ngoài ra còn một số xét nghiệm khác để chẩn đoán như: điện tâm đồ (ECG), máy theo dõi Holter, siêu âm Doppler tim, chụp cắt lớp vi tính đa dãy hệ mạch tim (MSCT), xạ hình tưới máu cơ tim…
Để có thể phát hiện ra bệnh tim mạch sớm nhất, bạn nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1-2 lần/1 năm. Khi phát hiện mắc bệnh tim mạch, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Các phương pháp điều trị bao gồm: Điều trị nội khoa (dùng thuốc), can thiệp tim mạch hoặc phẫu thuật tim mạch.
Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý vô cùng nguy hiểm vì vậy chúng ta cần có những kế hoạch chủ động trong việc phòng ngừa. Bạn cần phải xây dựng được một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý bằng cách ăn nhiều rau xanh, các loại thực phẩm có chứa chất xơ. Đặc biệt, nên hạn chế sử dụng những chất béo bão hòa, hạn chế các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá… Đặc biệt, nên thường xuyên rèn luyện thể thao ít nhất 20 phút mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng, cơ thể luôn khỏe mạnh.
Xin cám ơn bác sĩ!
Bài viết của ThS. Trần Hồng Chuyên