Sai sót trong sử dụng thuốc là những sai sót có thể phòng tránh được thông qua hệ thống kiểm soát hiệu quả liên quan đến Dược sĩ, Bác sĩ, Điều dưỡng, nhân viên y tế, người bệnh, và những người khác trong các thiết lập tổ chức cũng như các cơ quan quản lý và các ngành công nghiệp dược phẩm. Những sai sót này có thể gây ra thất bại trong điều trị và phản ứng có hại của thuốc hoặc gây ra lãng phí các nguồn lực.

Theo ước tính của viện nghiên cứu dược phẩm Mỹ, mỗi năm có khoảng từ 44.000 đến 98.000 người Mỹ chết do sai sót liên quan đến thuốc và rất nhiều ca tử vong đó có nguyên nhân do dùng sai thuốc hoặc liên quan đến các sự cố bất lợi của thuốc  

Tại Việt Nam, Báo cáo ADR 2 tháng đầu năm 2014: có 763 báo cáo có đủ thông tin để đánh giá đã phát hiện được 152 báo cáo nghi ngờ có ME, chiếm 19,9%, kết quả từ một số nghiên cứu bước đầu cho thấy tỷ lệ sai sót trong dùng thuốc liên quan đến thực hiện y lệnh của điều dưỡng dao động từ 37,7% đến 68,6% liều/lượt thuốc

Sai sót trong dùng thuốc có thể xảy ra tại bất cứ bệnh viện nào, cho dù bạn là một điều dưỡng viên ở khoa lâm sàng hoặc điều dưỡng tiếp nhận người bệnh ở phòng khám, điều quan trọng là phải hiểu được 10 đúng khi dùng thuốc. Kiến thức này luôn luôn cần thiết cho chính bạn hoặc thân nhân trong gia đình bạn. Có nhiều nguy cơ sẽ xảy ra gây hại cho người bệnh thậm chí gây chết người nếu người bệnh uống sai thuốc, sai liều, ….. trước đây chúng ta thường quen với quy định 5 đúng của Bộ Y Tế:  Đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng đường dùng, đúng thời gian, đúng liều. 

Tuy nhiên hiện nay thực hành y tế đã thay đổi cần thêm những biện pháp để ngăn ngừa sai sót khi dùng thuốc cho người bệnh và một trong những cách đó là sự hiểu biết 10 “đúng” khi dùng thuốc:

1. Đúng người bệnh

Trước khi kê đơn hoặc sử dụng thuốc cho bệnh nhân cần xác nhận lại thông tin của người bệnh bao gồm: tên, tuổi, ngày sinh, cân nặng, dị ứng, chẩn đoán, kết quả xét nghiệm hiện tại và dấu hiệu sinh tồn. Đảm bảo các chẩn đoán phù hợp với bệnh nhân và bệnh cảnh vì vậy cần kiểm tra lại đơn thuốc sau khi kê đơn.

2. Đúng thuốc.

Kiểm tra và xác nhận đúng tên thuốc, dạng thuốc (siro, viên nén, viên đặt, viên nhộng,…). Kiểm tra trong danh sách các thuốc có tên gần giống nhau và âm gọi giống nhau.

Khi lấy thuốc cần kiểm tra: tên thuốc, hàm lượng, đường dùng, hạn sử dụng, sự nguyên vẹn, chất lượng cảm quan của thuốc.

Không được dùng thuốc không có nhãn. Không nên dùng thuốc đã được chuẩn bị cho bệnh nhân khác. Không nên quản lý thuốc vào lọ mà không dán nhãn hoặc dán nhãn thuốc khác.

3. Đúng liều.

Kiểm tra phiếu sao thuốc và y lệnh của bác sĩ trong bệnh án trước khi thực hiện thuốc. Hãy lưu ý liều dùng khác nhau giữa người lớn và trẻ em. Nếu chưa chắc chắn về bất kỳ thông tin nào (thuốc, hàm lượng, liều dùng,..) cần tham vấn lại bác sĩ, dược sĩ.

Sự tính toán liều cần phải được chính xác do vậy để tránh nhầm lẫn người điều dưỡng cần phải lấy thuốc trong môi trường hoàn toàn yên tĩnh, phải chú tâm cao độ, không làm việc gì khác; nên đối chiếu kiểm tra lại sự tính toán của mình bằng cách so với các điều dưỡng khác. Sau khi tính toán liều thuốc chính xác, người điều dưỡng phải biết dùng dụng cụ đo lường chính xác từng ml hay từng giọt một, việc bẻ đôi một viên thuốc nên dùng dụng cụ cắt thuốc cho cân xứng. Với số lượng thuốc quá nhỏ vài giọt ta có thể cho trực tiếp vào miệng người bệnh hoặc cho một ít nước vào ly trước khi cho thuốc vào để tránh thuốc dính vào ly.

4. Đúng đường dùng

Kiểm tra chỉ định về đường dùng thuốc: uống, tiêm bắp, tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch, tiêm trong da, đặt, xông,…bằng từ điển thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc, trên lọ thuốc,…

5. Đúng thời gian và tốc độ 

Thực hiện thuốc cho người bệnh đúng thời gian và lưu ý số lần dùng thuốc trong 24 giờ, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc, thời điểm dùng thuốc, thời gian đào thải của thuốc. Đảm bảo đúng tốc độ khi tiêm, truyền cho người bệnh. 

Điều dưỡng phải biết vì sao một số thuốc được cho y lệnh vào một số giờ nhất định trong ngày. 

Kiểm tra lại về trình tự của các thuốc sẽ dùng cho người bệnh trước khi tiến hành, điều này rất quan trọng nhất là những toa thuốc hóa trị. 

6. Ghi chép đúng

Không được ghi chép vào hồ sơ trước khi dùng thuốc cho người bệnh. Nội dung ghi chép: tên thuốc, hàm lượng, liều dùng, đường dùng, ngày – giờ, chữ ký của điều dưỡng thực hiện vị trí tiêm (nếu cần theo dõi tác dụng phụ tại chỗ của thuốc hoặc theo dõi vị trí tiêm). 

Phải chắc chắn ghi chép vào hồ sơ đúng thời gian dùng thuốc cho người bệnh và bất kỳ diễn biến gì xảy ra cho người bệnh trong quá trình dùng thuốc cũng phải được ghi nhận trong hồ sơ bệnh án. Điều này hiện nay chúng ta thiếu sót nhiều nhất, nhìn vào phiếu ghi chép điều dưỡng chúng ta thường ghi thực hiện thuốc theo y lệnh mà không ghi thời gian cho người bệnh uống thuốc, hoặc có ghi nhưng thời gian chưa chính xác, điều dưỡng chưa có thói quen theo dõi tác dụng phụ của thuốc, chỉ ghi chép khi có những dấu hiệu dị ứng.  

7. Đúng tiền sử bệnh và đánh giá

Điều dưỡng cần biết chắc chắn về tiền sử dị ứng thuốc, tương tác thuốc của người bệnh khi cho người bệnh dùng thuốc. Nên trực tiếp chứng kiến người bệnh dùng thuốc và theo dõi phát hiện kịp thời các bất thường của người bệnh trong khi dùng thuốc.

8. Đúng tương tác thuốc – thuốc và lượng giá.

Phải có một bản sao về tiền sử sử dụng thuốc của người bệnh. Xem xét sự tương tác của thuốc sẽ dùng với các thuốc người bệnh (NB) đã và đang dùng hoặc các chế độ ăn uống của người mà có thể mang lại một sự tương tác xấu với thuốc được đưa ra. Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi dùng cho NB. Đánh giá hiệu quả của thuốc trên cơ thể người bệnh bằng cách hỏi, khám, theo dõi các kết quả xét nghiệm, so sánh tình trạng lâm sàng của người bệnh trước – sau khi dùng thuốc, xác định thuốc an toàn và phù hợp với NB. Nếu thuốc không an toàn và phù hợp với NB cần thông báo ngay cho bác sĩ đã ra y lệnh và ghi chép điều này vào hồ sơ bệnh án, ghi chép về phản ứng của NB với thuốc, đồng thời cũng ghi chép về việc ngừng sử dụng thuốc đã ra y lệnh để quản lý và trả lại thuốc.

Ví dụ: Kiểm tra lại huyết áp sau ki NB dùng thuốc 30 phút để đánh giá tác dụng của thuốc, đếm lại mạch cho NB sau khi dùng các thuốc tác dụng về mạch, hỏi người bệnh đỡ đau như thế nào sau khi dùng thuốc giảm đau,….

9. Thăm dò ý kiến và thực hiện đúng sự từ chối dùng thuốc của người bệnh.

Cần thông báo cho các bên chịu trách nhiệm về mặt pháp lý (người bệnh, thân nhân của người bệnh, người giám hộ,…) có quyền từ chối bất cứ loại thuốc nào sau khi NVYT đã giải thích hết sức cặn kẽ cho người bệnh về tác động của thuốc lên cơ thể họ. Thông báo cho người bệnh, thân nhân của người bệnh, người giám hộ, …. về hậu quả của việc từ chối uống thuốc. Xác minh rằng người bệnh, thân nhân của người bệnh, người giám hộ, …. hiểu tất cả những hậu quả nếu không dùng thuốc. 

Điều dưỡng cần báo cáo cho bác sĩ người bệnh từ chối dùng thuốc và ngừng dùng thuốc cho người bệnh nếu bác sĩ quyết định thuốc đó không thực sự cần thiết. 

Có ghi chép cụ thể về bác sĩ đã ra y lệnh thuốc và sự từ chối dùng thuốc. Đồng thời cũng phải có giấy xác minh sự  từ chối dùng thuốc và các bên chịu trách nhiệm ký xác nhận. 

10. Cung cấp đúng thông tin và giáo dục đúng kiến thức cho người bệnh 

Cung cấp cho người bệnh biết những lọai thuốc đang dùng, lợi ích và các tác dụng không mong muốn. Yêu cầu người bệnh thông báo cho NVYT biết bất kỳ dấu hiệu dị ứng với thuốc. Chế độ ăn uống nghỉ ngơi phù hợp với bệnh cảnh.

Với mỗi sai sót xảy ra, cần thu thập các thông tin và báo cáo đầy đủ bằng văn bản các nội dung, bao gồm: vấn đề xảy ra, nơi xảy ra, tại sao và như thế nào, các đối tượng có liên quan. Thu thập và giữ lại các bằng chứng có liên quan đến sự việc (vỏ thuốc, xy lanh) để tìm nguyên nhân và cách phòng tránh.

Nên thông tin rộng rãi về nguyên nhân và cách giải quyết các sai sót đã xảy ra. Các sai sót thường mang tính hệ thống, không nên xử lý bằng biện pháp kỷ luật mà khuyến khích báo cáo để có biện pháp phòng ngừa.

Tài liệu tham khảo:

– Tài liệu đào tạo liên tục an toàn người bệnh – Bộ Y Tế

– http://qpsolutions.vn/newsdetail.asp?newsID=210&cat1id=7&cat2id=18&title=10-dung-trong-dung-thuoc

DSĐH Hoàng Anh Ninh – Khoa Dược

Chia sẻ ngay