1. Bạo lực gia đình là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

2. Có những cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình nào?

Cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình bao gồm:

2.1. Địa chỉ tin cậy

Địa chỉ tin cậy được quy định tại Điều 36 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 như sau:

(i) Địa chỉ tin cậy là tổ chức, cá nhân có uy tín, khả năng và tự nguyện giúp đỡ người bị bạo lực gia đình.

(ii) Tổ chức, cá nhân quy định tại (i) thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã về việc nhận làm địa chỉ tin cậy.

Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách và công bố địa chỉ tin cậy trong địa bàn quản lý; hướng dẫn, tổ chức việc tập huấn cho địa chỉ tin cậy về phòng, chống bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, khi tiếp nhận người bị bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ kinh phí cho địa chỉ tin cậy theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội có trách nhiệm tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân tham gia làm địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư.

2.2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc chăm sóc, điều trị cho người bệnh là người bị bạo lực gia đình theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022.

Ngoài ra, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, tùy theo điều kiện thực tế bố trí nơi tạm lánh cho người bệnh là người bị bạo lực gia đình trong thời gian không quá 01 ngày theo yêu cầu của người bị bạo lực gia đình.

(Điều 37 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022)

2.3. Cơ sở trợ giúp xã hội

Khoản 1 Điều 38 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 quy định cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện việc chăm sóc và hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác cho người bị bạo lực gia đình trong thời gian người bị bạo lực gia đình lưu trú tại cơ sở theo quy định của pháp luật.

2.4. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý

Khoản 2 Điều 38 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 quy định trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

2.5. Cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình

Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình đăng ký về nội dung, phạm vi hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(Điều 39 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022)

2.6. Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình

Theo khoản 1 Điều 40 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để cung cấp một hoặc một số dịch vụ, hoạt động sau đây:

– Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình;

– Nơi tạm lánh và nhu cầu thiết yếu khác cho người bị bạo lực gia đình;

– Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình;

– Chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh lý về tâm thần cho người bị bạo lực gia đình;

– Hoạt động khác liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

Cơ sở quy định nêu trên đăng ký nội dung, phạm vi hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện dịch vụ, hoạt động trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình được ưu đãi thuế, phí, tín dụng và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

3. Nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình 

Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện nhiệm vụ như sau:

+ Chăm sóc, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình và trẻ em mà người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; + Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình: là quá trình cung cấp kiến thức, kỹ năng ứng xử, kiềm chế cảm xúc tiêu cực, kiểm soát hành vi, giải quyết mâu thuẫn giúp người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt bạo lực gia đình. (Khoản 4 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022)

(Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022)

Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Nghiêm Giang – Tổ CTXH BV

Chia sẻ ngay