Bệnh nhân nam, 74 tuổi vào viện vì sưng đau nóng chân phải 2 ngày nay. Bệnh nhân có tiền sử Tăng huyết áp duy trì thuốc thường xuyên.

Khi vào viện được bác sỹ thăm khám trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được; không khó thở, không đau ngực; sưng, nóng, đau chân phải; Tim nhịp đều, tần số: 80 ck/ph, huyết áp: 120/80 mmHg; Phổi thông khí rõ; Mạch bẹn, khoeo, chày trước, chày sau bên phải rõ.

Bệnh nhân được chỉ định siêu âm doppler động, tĩnh mạch chi dưới thấy: hình ảnh huyết khối lấp đầy lòng tĩnh mạch đùi chung, ấn không xẹp. Không thấy dòng chảy màu và không thấy sóng tĩnh mạch ở phổ doppler tĩnh mạch đùi chung.

Hình ảnh Tĩnh mạch chân phải của bệnh nhân

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là bệnh gì?

Trong cơ thể người, tĩnh mạch là hệ thống mạch máu thực hiện chức năng đưa máu từ các cơ quan về tim để tiếp tục chu kỳ tuần hoàn tiếp. Có 3 loại tĩnh mạch là tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch xuyên. Mỗi tĩnh mạch sẽ có các van một chiều để ngăn máu di chuyển ngược.

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là hiện tượng hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch chi dưới. Tĩnh mạch sâu vận chuyển khoảng 90% lưu lượng máu từ hai chân quay về tim, bao gồm tĩnh mạch chày, kheo và tĩnh mạch đùi.

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là sự hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn tĩnh mạch sâu chi dưới

Triệu chứng bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch chi dưới giai đoạn sớm đều không có triệu chứng. Khi khối máu đông to hơn, sẽ gây ra các triệu chứng sau:

  • Đau vùng chân bị tổn thương do huyết khối tĩnh mạch sâu, có thể đau nặng hoặc nhẹ, đau tăng lên khi đi lại, vận động
  • Vùng da bị huyết khối tĩnh mạch thay đổi màu sắc, có thể chuyển thành màu xanh đen hoặc màu bất thường khác
  • Hiện tượng sưng tấy, có cảm giác nặng nề
  • Có thể bị sốt do viêm
  • Có thể quan sát bằng mắt thường tình trạng giãn tĩnh mạch nông
  • Có cảm giác nóng da ở vùng da bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
  • Có thể có các biến chứng khác như: khó thở, ho nhiều đôi khi ra máu, đau tức ngực do bệnh biến chứng thành thuyên tắc phổi. Khi xuất hiện những triệu chứng này cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Trong đó, phải kể đến các nguyên nhân phổ biến sau:

Phẫu thuật

Các phẫu thuật chỉnh xương, phẫu thuật bụng, ngực… có thể gây tổn thương tĩnh mạch chi dưới, làm rối loạn luôn thông máu và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Chấn thương

Các chấn thương như gãy xương đùi, gãy đốt sống có thể gây ra các cục máu đông ở tĩnh mạch chi dưới.

Bệnh ác tính

Ung thư phổi, tụy, buồng trứng, dạ dày, tiết niệu… làm tăng nguy cơ đông máu, hình thành các huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.

Rối loạn đông máu

Bệnh lý này có thể là bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mắc phải do rối loạn của hệ thống mạch máu, làm tăng đông máu thành các cục huyết khối.

Rối loạn đông máu là nguyên nhân hình thành các cục máu đông ở tĩnh mạch

Bất động kéo dài

Việc nằm một chỗ quá lâu như sau phẫu thuật, sau chấn thương dẫn đến ứ trệ tuần hoàn, hình thành nên các huyết khối gây tắc tĩnh mạch.

Suy tĩnh mạch

Các van tĩnh mạch bất thường, không hoạt động theo nguyên lý có thể khiến máu không lưu thông về tim được mà ứ đọng tại chân dẫn đến hình thành các cục máu đông.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Ai cũng có thể mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Tuy nhiên, nếu có các yếu tố dưới đây thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.

  • Mang thai: Khi mang thai, cân nặng tăng, cơ thể nặng nề hơn, tăng áp lực lên vùng chi dưới, cản trở lưu lượng máu về tim dẫn đến nguy cơ đông máu tĩnh mạch chi dưới.
  • Tiền sử bệnh:Người có tiền sử bị nhồi máu cơ tim, huyết khối tĩnh mạch, suy tim ứ huyết… có nguy cơ bị bệnh cao hơn những người khác.
  • Dùng thuốc: Thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai, điều trị bằng liệu pháp hormone… là nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch chi dưới thường gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh sản.
  • Béo phì:Béo phì có liên quan trực tiếp đến xơ vữa động mạch nên cũng tác động đến bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.
  • Ít vận động: Người có thói quen ít vận động, thường xuyên ngồi một chỗ trong thời gian dài khiến hệ tuần hoàn trì trệ, khả năng lưu thông máu kém nên tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
  • Hút thuốc lá: Thường xuyên hút thuốc lá có thể phá hủy thành mạch, tăng nguy cơ hình thành xơ vữa và các cục máu đông.
  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi. Người lớn tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả.

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có nguy hiểm không? Gây biến chứng gì?

Ngoài việc gây đau đớn, có thể gây sốt, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày thì huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có thể dẫn đến biến chứng là thuyên tắc phổi. Các cục máu đông có thể di chuyển theo dòng máu đổ về tâm nhĩ phải, xuống tâm thất phải rồi tâm thất co bóp và đẩy cục máu đông lên phổi, gây tắc mạch phổi.

Thuyên tắc phổi là một biến chứng nguy hiểm của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Thuyên tắc phổi gây các triệu chứng như khó thở, đau tức ngực, có thể ho ra máu… nếu không điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, bệnh lý này có thể gây các vết loét trên da, phù nề chân kéo dài… đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

Chẩn đoán và điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có thể được chẩn đoán bằng các kỹ thuật sau:

  • Siêu âm Dopplermạch giúp phát hiện các cục máu đông và bất thường ở tĩnh mạch sâu chi dưới.
  • Xét nghiệmcông thức máu, đường máu, xét nghiệm chức năng thận, chức năng gan, xét nghiệm đông máu toàn bộ…

Để điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp sau:

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc như thuốc chống đông, thuốc kiểm soát đái tháo đường… để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

Phẫu thuật

Với những trường hợp có huyết khối lớn, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông, giảm nguy cơ hoại tử chi và khơi thông dòng chảy của máu trong tĩnh mạch.

Vận động sớm

Bác sĩ khuyến khích người bệnh nên vận động sớm, thường xuyên sau khi điều trị phẫu thuật hoặc chấn thương để giúp máu lưu thông dễ dàng, ngăn chặn hình thành cục máu đông.

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới không chỉ gây đau nhức, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày mà nó còn tiềm ẩn nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm như thuyên tắc phổi có thể đe dọa tính mạng người bệnh nếu không xử trí sớm. Vì vậy, cần thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh từ giai đoạn đầu để tránh biến chứng nghiêm trọng.

Trung tâm Tim Mạch – BVĐK tỉnh Lào Cai

 

Chia sẻ ngay