U tuyến giáp là căn bệnh phổ biến mà bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc phải.
Tuyến giáp là tuyến nội tiết tố nằm ở cổ họng, với chức năng sản xuất, lưu trữ sau đó giải phóng 2 chất là thyroxine và hormone triiodothyronine vào trong máu, giúp các quá trình trao đổi chất ở các cơ quan và sự chuyển hóa chất diễn ra một cách bình thường.
U tuyến giáp là tổn thương dạng khối khu trú nằm trong tuyến giáp có thể xấm lấn hoặc không xấm lấn ra phần mềm xung quanh tùy theo giai đoạn..
Phát hiện nhờ cảm nhận của chính bản thân bệnh nhân hay khi bệnh nhân được bác sĩ thăm khám lâm sàng hoặc là khi làm siêu âm tuyến giáp cho bệnh nhân.
Các khối u này là nguyên nhân gây ra sự thay đổi chức năng và cơ chế hoạt động của tuyến giáp. Đồng thời gây mất thẩm mỹ cho người mắc phải. Thông thường, tỷ lệ mắc u tuyến giáp ở phụ nữ là cao hơn so với nam giới.
Phân loại và cách nhận biết u tuyến giáp là gì?
Các khối u ở tuyến giáp có thể là đơn nhân hoặc đa nhân, rất khó có thể sờ tay và phát hiện ra được do chúng có kích thước đường kính nhỏ hơn 1cm (ở giai đoạn đầu). Đa dạng về hình thái, cấu trúc và kích thước.
U tuyến giáp được phân loại thành hai dạng gồm có:
- Khối u lành tính, còn được gọi là Adenoma tuyến giáp: là sự hình thành và lớn lên về kích thước và hình dạng của tuyến giáp. Thông thường nhất là có hình dạng thành nôt, khối bờ đều, ranh giới rõ, không có vôi hóa hoặc vi vôi hóa. Các u này thường lành tính nên không quá nguy hiểm, nhưng có khả năng khiến tuyến giáp sản sinh một lượng lớn bất thường hormone tuyến giáp, lâu dài gây cường giáp.
- Khối u ác tính gây ung thư tuyến giáp: Đây là loại bệnh gây nguy hiểm, chiếm khoảng 4 – 7 % tổng số trường hợp mắc phải u tuyến giáp. Bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp vẫn có khả năng sống cao lên tới 90 – 95% khi được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Sinh thiết tuyến giáp là một kĩ thuật xâm lấn với người bệnh, được thực hiện để lấy mẫu mô tại vị trí bất thường của tuyến giáp và đánh giá bất thường của các bác sĩ giải phẫu bệnh dưới kính hiển vi. Sinh thiết tại tuyến giáp là kỹ thuật đòi hỏi tính chuyên môn và độ chính xác cao khi thực hiện. Phương pháp giúp chẩn đoán chính xác ung thư tuyến giáp và phân biệt một số bệnh lý liên quan.
Thông thường, người bệnh sẽ thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm máu trước để xác định được tình trạng, chức năng của tuyến giáp cũng như các xét nghiệm cần thiết trước khi thực hiện sinh thiết.
Chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ
Chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ (gọi tắt là FNA) là kĩ thuật sinh thiết tuyến giáp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. FNA được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm. Kĩ thuật được đánh giá là khá đơn giản và mang lại độ chính xác cao.
Khi thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng kim nhỏ để lấy mẫu, chọc hút tại vị trí nghi ngờ bất thường. Quá trình sinh thiết có thể lấy mẫu ở nhiều vị trí khác nhau tại tuyến giáp để đảm bảo độ chính xác của kết quả.
Chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ có thời gian thực hiện là nhanh chóng, thường trong khoảng 30 phút. Bệnh nhân không cần gây mê, có thể về ra về sau khi thực hiện sinh thiết và nghỉ ngơi trong thời gian ngắn.
Khi nào cần sinh thiết?
Sinh thiết tuyến giáp không phải là một xét nghiệm thường quy với người bệnh. Thông thường, thủ thuật sẽ được chỉ định thực hiện trong một vài trường hợp nhất định như sau:
- Người bệnh xuất hiện u tuyến giáp với kích thước lớn hơn 1 cm. Thông qua hình ảnh siêu âm nhận thấy có sự tắc sinh mạch máu hoặc không xác định được giới hạn của khối u.
- Không thể đưa các các kết luận chẩn đoán ung thư tuyến giáp thông qua siêu âm hay các xét nghiệm (FT3, FT4, TSH,…).
- Lấy trong quá trình phẫu thuật để giải phẫu và đánh giá tình trạng di căn của hạch, khối u.
Biến chứng:
Là một kĩ thuật xét nghiệm xâm lấn nên sinh thiết tại tuyến giáp cũng có thể xảy ra các rủi ro nhất định trong và sau quá trình thực hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ xuất hiện biến chứng là không cao và không gây quá nhiều nguy hiểm.
Trong đó, các biến chứng mà người bệnh có thể gặp phải khi thực hiện sinh thiết tuyến giáp là:
- Vị trí sinh thiết bị chảy máu.
- Nhiễm trùng do quá trình sinh thiết không đảm bảo quy trình.
- Tổn thương các cấu trúc xung quanh do chọn nhầm vị trí. Tuy nhiên, hiện nay sinh thiết tại tuyến giáp được thực hiện dưới chỉ dẫn của siêu âm nên khả năng gây ra các tổn thương là gần như rất thấp.
Ngoài ra, khi thực hiện sinh thiết, người bệnh có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu nhẹ khi chọc kim lấy mẫu. Vị trí sinh thiết thường bầm và đau nhẹ sau vài ngày và sẽ biến mất.
Sinh thiết tại tuyến giáp là an toàn và ít gây ra biến chứng
Tuy nhiên, nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường sau đây, bệnh nhân nên thông báo ngay tới bác sĩ. Gồm có:
- Chảy máu nhiều.
- Đau, sưng tấy, sưng đỏ kéo dài xung quanh vị trí sinh thiết.
- Có mủ từ vị trí lấy mẫu sinh thiết.
- Sốt cao.
- Khó nuốt trong nhiều ngày.
- Xuất hiện hạch huyết tại cổ.
Lưu ý sau khi làm sinh thiết.
Trước khi thực hiện thủ thuật sinh thiết tuyến giáp, người bệnh nên:
- Thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình, các loại thuốc đang dùng và tiền sử dị ứng với thuốc.
- Trong trường hợp thực hiện sinh thiết phẫu thuật, người bệnh nên tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ trước đó.
- Nếu kết sinh thiết là không rõ ràng, người bệnh có thể phải thực hiện thêm các kĩ thuật sinh thiết tiếp sau đó.
- Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn quan tâm về bất cứ vấn đề gì có thể diễn ra trong quá trình sinh thiết như các rủi ro có thể xảy ra, quy trình thực hiện, chăm sóc sau sinh thiết,…
- Nếu không phải gây mê khi sinh thiết, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi trong thời gian ngắn và quay trở về nhà.
- Có thể sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ nếu cảm thấy đau tại vị trí sinh thiết.
- Khi thực hiện sinh thiết, người bệnh nên mặc đồ rộng rãi, thoải mái, không đeo trang sức đắt giá hoặc bằng kim loại.
Sinh thiết tuyến giáp là phương pháp cần được thực hiện để chẩn đoán chính xác bệnh lý ung thư tuyến giáp ở người bệnh.
Các đội ngũ bác sĩ khoa CĐHA – Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai với kinh nghiệm lâu năm đã triển khai và thực hiện chọc hút tuyến giáp thành công.
Giàng Thu Hà – CĐHA