Người hiến tạng đi khám chữa bệnh đúng tuyển thì được miễn bao nhiêu phần trăm chi phí khám chữa bệnh?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, chế độ hưởng BHYT cho người hiến tạng được xác định theo quy định như sau:

Mức hưởng bảo hiểm y tế

1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:

a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm;

b) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã;

c) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến;

d) 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 2, điểm k khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 12 của Luật này;

đ) 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.

Đồng thời, người hiến tạng thuộc đối tượng tại điểm m khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm xã hội 2008 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014.

Do vậy, mức hưởng BHYT đối với người hiến tạng là 80% nếu đi khám chữa bệnh đúng tuyến.

100% chi phí đối với đối tượng có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã.

Trường hợp người hiến tạng thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Chế độ hưởng bảo hiểm y tế của người hiến tạng (Hình từ Internet)

Bảo hiểm y tế có được cấp miễn phí cho người đã hiến tạng không?

Căn cứ quy định tại Điều 17 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 về quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người như sau:

Quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người

1. Người đã hiến mô được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế.

2. Người đã hiến bộ phận cơ thể người có các quyền lợi sau đây:

a) Được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí;

b) Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí;

c) Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế;

d) Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể chế độ tài chính về khám sức khỏe định kỳ và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người đã hiến bộ phận cơ thể người.

Như vậy, người hiến tạng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí – đây là một trong những quyền lợi của người hiến tặng theo quy định.

Hồ sơ xin cấp BHYT cho người đã hiến tạng bao gồm những gì?

Căn cứ quy định Điều 25 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 sửa đổi bổ sung bởi khoản 30 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH 2020:

Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT

1. Thành phần hồ sơ

1.1. Người tham gia

a) Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

b) Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật: Giấy ra viện có ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể”.

c) Trường hợp người tham gia được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03.

1.2. Đơn vị; UBND xã; Cơ sở trợ giúp xã hội, Cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh và người có công; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội; Đại lý thu/Nhà trường; Phòng/Tổ chế độ BHXH: Danh sách người chỉ tham gia BHYT (Mẫu D03-TS); Danh sách đối tượng tham gia BHYT (Mẫu số 2 ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ) đối với đối tượng do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

Như vậy, hồ sơ để xin cấp thẻ BHYT cho người đã hiến tạng bao gồm:

– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT (Mẫu TK1-TS).

– Giấy ra viện có ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể”.

– Giấy tờ chứng minh được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn (nếu có)

Sau đó, nộp hồ sơ đến cơ quan BHXH nơi cư trú.

Theo: Thuvienphapluat

Chia sẻ ngay