Chế độ ăn cho người suy tim cần được điều chỉnh tùy theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh với nguyên tắc chung là giảm Natri (muối) trong khẩu phần ăn để cơ thể không bị tích nước và làm giảm nhẹ gánh nặng cho tim. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen trong ăn uống, nhất là phải ăn giảm muối, chắc hẳn không dễ dàng. Hãy cùng chúng tôi xây dựng một thực đơn khoa học cho người bệnh suy tim qua những thông tin hữu ích dưới đây được chia sẻ bởi các bác sỹ, điều dưỡng – Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.

Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn lành mạnh cho người bệnh suy tim

Chế độ ăn cho người suy tim sẽ thay đổi tùy theo mức độ suy tim nhằm làm giảm các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đau ngực, ho, phù…. và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Theo đó, bạn cần chú ý các nguyên tắc sau:

Hạn chế tối đa muối và các thực phẩm giàu Natri

Natri là một khoáng chất có mặt nhiều trong muối và các loại thực phẩm như sò, trứng, sữa… Ăn quá nhiều muối và các thực phẩm giàu Natri sẽ khiến cơ thể tăng giữ nước, làm ảnh hưởng xấu đến tình trạng suy tim.

Một chế độ ăn ít muối sẽ giúp bạn kiểm soát được huyết áp, tránh phù nề và cải thiện tình trạng khó thở. Lượng Natri được khuyến cáo là không quá 2.000 mg (2 gam) mỗi ngày và ít hơn 1.500 mg là lý tưởng. Nếu bạn bị suy tim nặng (suy tim giai đoạn cuối, cần phải ăn nhạt hoàn toàn.

Description: Bệnh suy tim kiêng ăn gì? Các loại thực phẩm cấm kị với người bị suy tim
Người bệnh suy tim nên hạn chế tối đa muối ăn

Người bệnh suy tim tăng cường thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ có trong các loại rau, đậu, ngũ cốc, trái cây tươi… giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, góp phần kiểm soát tốt lượng đường cũng như cholesterol trong máu. Thực phẩm giàu chất xơ cũng bao gồm chất chống oxy hóa tự nhiên vì thế rất có lợi cho sức khỏe tim mạch. Mục tiêu chất xơ trong khẩu phần ăn là 25-35g mỗi ngày. Tuy nhiên, không dùng các loại rau sống gây chướng bụng như rau cải, đậu đỗ, các thức ăn lên men. (Khi trướng bụng sẽ đẩy cơ hoành lên và ảnh hưởng tới tim).

Nếu bạn hay người thân đang phải chung sống với bệnh suy tim, bạn có thể tham khảo sử dụng thêm các giải pháp hỗ trợ từ thiên nhiên để giúp làm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuối thọ cho người bệnh.

Bổ sung các loại ngũ cốc nguyên hạt

Các loại ngũ cốc nguyên hạt được xem là những loại thực phẩm vàng cho hệ tim mạch. Bởi chúng chứa lượng chất xơ dồi dào và nhiều chất dinh dưỡng khác có lợi cho việc điều hòa huyết áp nói riêng và sức khỏe tim mạch nói chung. Đồng thời chúng cũng có tác dụng làm giảm lượng mỡ có trong máu.

Bạn có thể tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt trong thực đơn cho người bệnh tim bằng cách dùng chúng để thay thế cho ngũ cốc đã qua tinh chế. Với các loại ngũ cốc nên lựa chọn là bột mì nguyên cám, bánh mì nguyên hạt, gạo lứt, lúa mạch và kiều mạch, bột yến mạch… 

Ngũ cốc nguyên hạt nên được bổ sung trong chế độ ăn cho người suy tim

Giảm thiểu chất béo xấu trong chế độ ăn của người suy tim

Chất béo là thủ phạm chính gây xơ vữa động mạch và gia tăng các biến cố về tim. Vì vậy bạn cần giảm thiểu lượng chất béo trong chế độ ăn hàng ngày, cụ thể hạn chế các loại thịt mỡ, thịt đỏ, nên ăn thịt nạc, cá; ưu tiên các món ăn chế biến bằng cách hấp, luộc, thay vì chiên, xào, rán…

Uống lượng nước vừa đủ mỗi ngày sẽ tốt cho người bệnh suy tim

Khi suy tim, sức bơm của tim bị yếu đi nước sẽ bị giữ lại trong cơ thể và dễ gây phù. Nếu bạn gặp các triệu chứng như phù hay khó thở, nên giảm bớt lượng nước đang uống. Các bác sĩ đưa ra lời khuyên cho người bệnh suy tim đó là không nên uống quá 2 lít nước mỗi ngày (kể cả lượng nước có trong thực phẩm) và tối đa 1 lít/ ngày với bệnh nhân suy tim nặng. Tốt nhất chỉ uống nước khi bạn cảm thấy khát. Tuy nhiên, nếu thấy nước tiểu sẫm màu, bạn cần bổ sung thêm nước đến khi nước tiểu trong trở lại.

Một số lời khuyên cho bạn khi khát do bị hạn chế lượng nước uống trong ngày. 

– Nhấp 1 ngụm nước và ngậm trong miệng, sau đó nhổ ra và không nuốt.

– Nhai một miếng kẹo cao su có đường hoặc không đường nếu bạn bị tiểu đường để hạn chế cảm giác khát

– Ăn một lát chanh mỏng hoặc ăn vài múi cam, quýt, hoặc bưởi, nho tươi.

Chú ý lượng Kali trong khẩu phần ăn

Kali là khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của tim. Bệnh nhân suy tim thường phải sử dụng các thuốc lợi tiểu có thể khiến lượng kali giảm đáng kể, vì thế bạn nên chú ý và bổ sung các thực phẩm giàu kali như bông cải xanh, chuối, bơ… Nếu bạn gặp phải các dấu hiệu của hạ Kali máu như mệt mỏi, khát nước nặng, đi tiểu nhiều hay thay đổi nhịp tim, hãy gọi cho bác sĩ ngay để có hướng điều trị thích hợp.

Giảm số lượng protein (chất đạm) trong mỗi bữa ăn

Mặc dù việc cung cấp chất đam cho cơ thể thông qua chế độ ăn rất quan trọng với người ốm bệnh, để nuôi dưỡng cơ thể và giúp cơ thể tự chữa lành bệnh tật, nhưng với người bị suy tim, ăn quá nhiều chất đạm trong mỗi bữa ăn hoặc lựa chọn chất đạm không phù hợp sẽ làm tăng gánh cho tim và hệ tiêu hóa, khiến người bệnh bị mệt hơn. Đó là do suy tim làm giảm lưu lượng máu đến ruột non hấp thu dinh dưỡng, khiến người bệnh bị đầy trướng bụng, khó tiêu, chậm tiêu. Đó là chưa kể đến tim phải làm việc nhiều hơn để máu có thể đến được ruột non đúng tiến độ.

Vì vậy, khi bị suy tim, người bệnh cần lựa chọn các loại chất đạm dễ hấp thu như cá, thịt trắng như thịt gà, thịt vịt (cần bỏ da). Không nên ăn quá nhiều chất đạm có nguồn gốc từ thịt đỏ, nội tạng động vật, thịt muối…

 Các cách để bổ sung chất đạm khoa học, phù hợp

 – Chia nhỏ các bữa ăn. Có thể là 5 – 6 bữa nhỏ/ngày, thay vì ba bữa ăn lớn mỗi ngày.

 – Nên ăn chế độ ăn mềm, lỏng như cháo, súp để giảm thiểu mất năng lượng khi nhai.

 – Sau khi ăn cần nghỉ ngơi để việc hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn

 – Các bữa ăn phụ có thể uống sữa và nước trái cây.

 – Trong khẩu phần ăn nên bổ sung thêm sữa không béo hoặc nước sốt thịt và khoai tây nghiền (để tăng khẩu phần protein).

Ba cách làm giảm muối trong khẩu phần ăn hằng ngày

Chế độ ăn cho người suy tim cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc ăn giảm muối. Tuy nhiên, rất khó để đong đếm lượng muối tiêu thụ hàng ngày và cũng không hề dễ dàng đặc biệt là với những người đang quen ăn mặn. 3 cách dưới đây sẽ giúp bạn giảm lượng muối ăn hàng ngày dễ dàng hơn:

Hạn chế muối khi nấu ăn

Nếu bạn có thói quen ăn mặn, thay đổi khẩu vị là điều tất yếu phải làm. Hãy giảm dần lượng muối đưa vào trong mỗi bữa ăn và hạn chế các đồ ăn chế biến sẵn chứa nhiều muối (như cá khô, dưa, cà muối, mắm tôm, pate…). Hạn chế ăn đồ ăn hộp bởi những thức ăn này sẽ chứa nhiều muối, tốt nhất người bệnh nên ăn những đồ tươi sống. Có thể thay thế muối bằng các loại gia vị từ thảo mộc như bột quế.

Kiểm tra nhãn thực phẩm

Đây là cách để bạn ước tính được lượng Natri trong thực đơn mỗi ngày. Hãy chú ý những thông tin trên nhãn như: Thực phẩm này có chứa Natri hay không? (“Low sodium” tương đương với lượng Natri không quá 140mg trên một đơn vị khối lượng, “no sodium” tương đương với không quá 5mg Natri trên một đơn vị khối lượng) và lượng Natri cụ thể trong mỗi đơn vị thực phẩm là bao nhiêu?

Tránh ăn các loại thức ăn vặt có muối nhìn thấy được, ví dụ như bánh quy nghiền muối, bánh Pretzels, khoai tây chiên và các loại hạt ướp muối.

Lựa chọn đồ ăn hợp lý khi đi xa nhà

Khi đi xa nhà, lượng thức ăn bạn được lựa chọn có thể sẽ kém phong phú hơn hoặc không quen thuộc, vì vậy bạn nên tìm hiểu về các loại thực phẩm ít Natri để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Hy vọng với hướng dẫn trên đây, bạn có thể xây dựng được một chế độ ăn cho người suy tim giúp giảm nhẹ các triệu chứng gặp phải. Nhờ đó, giúp nâng cao chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Để được hỗ trợ tư vấn miễn phí, vui lòng liên hệ:

TRUNG TÂM TIM MẠCH – BVĐK TỈNH LÀO CAI

Tầng 3 toà nhà 7 tầng hoặc Phòng khám ngoại trú Tim mạch, tầng 2 khoa Khám bệnh – BVĐK tỉnh Lào Cai

Tổng đài đặt lịch hẹn: 0214 3758 993 hoặc 081 420 1993

Ths. Bs Trần Hồng Chuyên – Trung tâm Tim mạch

Chia sẻ ngay