Các yếu tố khởi phát cơn hen và cách phòng tránh

Suckhoedoisong.vn – Mùa lạnh, thời tiết thay đổi, nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm khá cao là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát của nhiều loại bệnh mạn tính.

Đặc biệt là người có bệnh hen phế quảndo nhạy cảm với môi trường, mà việc dự phòng không tốt có thể dẫn đến khởi phát cơn hen cấp sẽ rất nguy hiểm.

Các yếu tố khởi phát cơn hen cấp là những chất có trong tự nhiên, tình trạng bệnh tật… làm các triệu chứng bệnh hen tệ hơn và gây bùng phát cơn hen. Trong một số trường hợp, việc phòng ngừa tất cả các yếu tố khởi phát cơn hen cấp có thể rất khó. Tuy nhiên, người bệnh nên tránh các tác nhân này tối đa để kiểm soát các cơn hen cấp, không làm bệnh hen nặng thêm.

Dấu hiệu nhận biết cơn hen phế quản cấp tính

Bệnh hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng tình trạng co thắt, phù nề, tăng tiết đờm… gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở. Cơn hen suyễn có thể khởi phát một cách rầm rộ, đột ngột hoặc cũng có thể diễn tiến từ từ và sau sẽ nặng dần. Những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân hen phế quản cấp tính là:

Khó thở: người bệnh thường bị ngộp, không thở được, không đủ hơi để thở. Khi khó thở nhiều, người bệnh còn có triệu chứng hốt hoảng, nói câu ngắn hoặc từng từ, toát vã mồ hôi..

Khò khè: là tiếng rít đi kèm với nhịp thở, thường nghe thấy khi bệnh nhân hen suyễn thở ra. Đây là biểu hiện thường gặp nhất của cơn hen suyễn cấp tính.

Ho: thường đi kèm với triệu chứng khó thở, chủ yếu xảy ra vào thời điểm nửa đêm về sáng hoặc khi người bệnh làm việc gắng sức. Cũng có trường hợp người bệnh hen phế quản chỉ có triệu chứng ho nên việc chẩn đoán bệnh vì thế mà gặp nhiều khó khăn.

Nặng ngực: người bệnh có cảm giác như có vật nặng đè lên ngực. Đây cũng là một biểu hiện khác của tình trạng khó thở.

Viêm tiểu phế quản cấp: kèm theo sốt, ho khạc đờm.

Trẻ bị ho được test hen suyễn

Tác nhân từ môi trường tự nhiên

Các tác nhân trong không khí: Tiếp xúc với phấn hoa, không khí ô nhiễm, khói thuốc lá, khói từ cây cỏ bị đốt cháy có thể làm khởi phát cơn hen của bạn. Phấn hoa là tác nhân phổ biến nhất trong mùa xuân và mùa thu mặc dù các loại hoa, cỏ nở hoa quanh năm. Vì vậy, bạn nên tránh ra ngoài trong thời gian các loại hoa cỏ nở rộ và phấn hoa dày đặc.

Hãy sử dụng điều hòa không khí và thiết bị làm sạch không khí trong gian phòng của bạn nếu có thể. Nó giúp giảm các tác nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà (ví dụ như phấn hoa) và giúp làm giảm độ ẩm trong nhà. Điều đó sẽ làm giảm nguy cơ tiếp xúc với các nguy cơ bùng phát cơn hen của bạn.

Bụi: là một tác nhân phổ biến, xuất hiện khắp nơi trong môi trường sống của chúng ta, ẩn nấp cả trong những gian phòng kín gắn liền với sinh hoạt của bạn như phòng ngủ, phòng khách và văn phòng. Hãy sử dụng các loại đệm, ghế sofa, gối chống bụi. Thảm và ga trải giường cũng hút rất nhiều bụi. Vì vậy, cần làm sạch thảm trải nhà thường xuyên nhé.

Nấm mốc: là tác nhân lớn gây khởi phát hen. Độ ẩm cao làm tăng khả năng phát triển nấm mốc. Nấm mốc xuất hiện hiều ở những nơi dễ ẩm ướt như: nhà bếp, phòng tắm, tầng hầm hoặc xung quanh sân.

Lông vật nuôi: Các con thú cưng đáng yêu cũng có thể gây khởi phát cơn hen ở những người dị ứng với chúng. Lông động vật chính là một tác nhân. Bên cạnh đó, các protein được tìm thấy trong nước bọt, da, phân và nước tiểu của chúng cũng gây khởi phát cơn hen. Cách tốt nhất là bạn nên tránh tiếp xúc với chúng. Nếu bạn chưa sẵn sàng để cách xa hoàn toàn con thú cưng của mình thì nên giữ chúng ở ngoài phần lớn thời gian, tránh cho chúng vào phòng ngủ. Những thú cưng trong nhà cũng nên được tắm rửa thường xuyên.

Gián: không chỉ đáng sợ mà chúng còn có thể làm bạn bị ốm. Côn trùng và phân của chúng có thể là tác nhân gây hen. Nếu bạn nhận thấy mình gặp vấn đề với gián, hãy thực hiện các bước sau để hạn chế chúng. Che đậy, bảo quản hoặc loại bỏ các đồ chứa thức ăn và nước uống đã sử dụng. Hút bụi, lau và quét dọn bất kì khu vực nào bạn nhìn thấy gián. Sử dụng thuốc diệt gián. Đừng quên kiểm tra những nơi chúng có thể ẩn nấp bên ngoài ngôi nhà của bạn.

Các bệnh lý có thể làm khởi phát cơn hen

Nhiễm khuẩn, nhiễm virus và các bệnh ảnh hưởng đến phổi đều có thể kích hoạt hen. Ví dụ như cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi và cảm cúm. Nhiễm trùng xoang và trào ngược axit có thể dẫn đến cơn hen suyễn bùng phát. Nước hoa và các vật dụng có mùi thơm nồng nặc có thể khiến đường hô hấp của bạn trở nên trầm trọng. Căng thẳng, lo lắng và các cảm xúc mạnh mẽ khác cũng có thể gây thở nhanh. Tình trạng trầm trọng của đường hô hấp hay thở nhanh có thể dẫn đến sự bùng phát cơn hen. Ngoài ra, dị ứng thức ăn có thể gây nên cơn hen, đặc biệt nếu bạn đang gặp phải phản ứng phản vệ với chất gây dị ứng thức ăn. Việc dùng một số loại thuốc có tác dụng phụ gây ho cũng là yếu tố kích phát cơn hen.

Lưu ý: Nếu bạn nghi ngờ mình bị hen dị ứng với một tác nhân nào đó, hãy hỏi bác sĩ về việc xét nghiệm các tác nhân gây dị ứng. Bằng cách này, bạn có thể khám phá những tác nhân dị ứng làm bạn bùng phát cơn hen. Mặc dù bạn không thể chữa khỏi bệnh hen nhưng bạn có thể kiểm soát nó. Bằng cách tránh các tác nhân kích thích bất cứ khi nào có thể, bạn sẽ tránh được triệu chứng cơn hen cấp.

BS. Trung Hưng

Chia sẻ ngay