CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM COVID- 19

Những yếu tố sau đây ảnh hưởng đến độ nhạy của xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 gồm vị trí lấy mẫu, điều kiện bảo quản mẫu bệnh phẩm, thời gian từ lúc bệnh khởi phát đến khi lấy mẫu, người bệnh có triệu chứng hay không triệu chứng và nồng độ vi rút trong mẫu bệnh phẩm.

Vị trí lấy mẫu đúng sẽ có khả năng phát hiện tác nhân gây bệnh cao hơn các vị trí khác. Nếu lấy ở vị trí không đúng thì tỷ lệ dương tính sẽ thấp hơn. Đối với yếu tố vị trí lấy mẫu, khi đưa que lấu mẫu vô trùng vào thẳng phía sau một bên mũi (không hướng lên trên), dọc theo sàn mũi tới khoang mũi hầu sẽ có khả năng phát hiện tác nhân gây bệnh cao hơn các vị trí khác. Thao tác lấy mẫu là một trong những nguyên nhân có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả xét nghiệm.

Mẫu sau khi lấy xong, nếu chưa thực hiện xét nghiệm ngay tại hiện trường trong vòng 30 phút, nên được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 2-8 độ C trước khi đưa về phòng xét nghiệm.

Thời gian từ lúc khởi phát đến khi lấy mẫu có ảnh hưởng lớn đến kết quả xét nghiệm. Thời gian lấy mẫu dưới hoặc bằng 7 ngày thì độ nhạy là 86,2% (81,8-89,7) trong khi trên 7 ngày là 70,8% (60,7-79,2). Ngoài ra, nếu vào thời điểm lấy mẫu người bệnh có triệu chứng thì khả năng test dương tính cũng cao hơn so với không triệu chứng (80,1% vs 54,8%).

Nồng độ vi rút trong bệnh phẩm cũng là yếu tố quyết định khả năng dương tính của xét nghiệm. Cụ thể nếu Ct<=25 thì độ nhạy là 96,4% (94,3-97,7) trong khi Ct<=30 độ nhạy là 89,5% (85,3-92,5). Tuy nhiên, nếu Ct>30 thì độ nhạy giảm còn 18,7% (12,9-26,3).

Độ chính xác của kỹ thuật xét nghiệm bị ảnh hưởng bởi khá nhiều yếu tố khác nhau như khi lấy bệnh phẩm có đúng vị trí không, đủ lượng dịch, lượng vi rút trong dịch không, bệnh phẩm có được vận chuyển, bảo quản đảm bảo các điều kiện tối ưu không, việc xử lý bệnh phẩm có đúng quy định, RNA của vi rút có bị phá huỷ không, các khâu của quá trình xét nghiệm có được đảm bảo theo yêu cầu của Hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở y tế hay không.

Kỹ thuật Realtime RT- PCR là kỹ thuật có độ nhạy, độ đặc hiệu rất cao. Đây là xét nghiệm khẳng định và là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán COVID-19. Khi thực hiện kỹ thuật này, chúng ta cần nhân lực được đào tạo, thiết bị xét nghiệm chuyên dụng và cơ sở hạ tầng phù hợp. Ngoài ra các loại sinh phẩm, hoá chất cho việc thực hiện xét nghiệm, cũng cần có những vật tư tiêu hao, sinh phẩm, hoá chất cho quá trình lấy bệnh phẩm, vận chuyển, bảo quản, xử lý bệnh phẩm cũng như tách chiết vật liệu di truyền phải đảm bảo chất lượng.

Do vậy cần tối ưu các điều kiện từ khâu lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản, xử lý mẫu và thực hiện xét nghiệm. Toàn bộ các khâu này phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật lấy mẫu, vật tư tiêu hao đảm bảo việc lấy mẫu đạt chất lượng. Mẫu cung cần được bảo quản và vận chuyển theo hướng dẫn phù hợp. Việc xử lý mẫu tại thực địa cũng như trong phòng xét nghiệm và quá trình xét nghiệm có vai trò quan trọng. Chất lượng của xét nghiệm ngoài phụ thuộc vào nhân lực, trang thiết bị, còn phụ thuộc vào sinh phẩm, hoá chất, vật tư tiêu hao sử dụng trong các quá trình này.

Ngoài các yếu tố trên, nếu khoảng cách giữa hai lần lấy mẫu gần nhau và cùng lấy một vị trí (một bên mũi) thì khả năng xét nghiệm dương tính cũng giảm do lượng mẫu bệnh phẩm lần 2 đã giảm. Hoặc khi lấy BP làm XN PCR đi găng có bột, bột tan ở găng rơi, bay dính vào mẫu BP sẽ gây hỏng mẫu, ảnh hưởng tới KQXN PCR

Khả năng cũng như tỷ lệ phát hiện SARS-CoV-2 ở từng loại bệnh phẩm, từng lần lấy bệnh phẩm sẽ khác nhau ngay cả ở cùng một người và khác nhau giữa người này với người khác. Đặc biệt, khả năng phát hiện được vi rút cũng thay đổi qua các giai đoạn của bệnh. Một số người bệnh bị viêm phổi có thể có kết quả phát hiện vi rút ở dịch họng mũi, họng miệng Âm tính nhưng có thể có kết quả Dương tính với xét nghiệm dịch ở đường hô hấp dưới hoặc bệnh phẩm khác như phân chẳng hạn.

Lưu ý:

– Kỹ thuật xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2: Mẫu bệnh phẩm là dịch tiết từ tế bào niêm mạc tỵ hầu

– Kỹ thuật xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PR- PCR: Mẫu bệnh phẩm là dịch dịch tiết từ tế bào niêm mạc tỵ hầu và dịch tiết từ tế bào niêm mạc họng

Ngoài ra một số loại dịch tiết ở đường hô hấp dưới như đờm, dịch rửa phế quản… cũng có thể được dùng để xét nghiệm.

– Kỹ thuật xét nghiệm tìm kháng thể: Bệnh phẩm là máu

Dù kết quả xét nghiệm là âm hay dương cũng cần lắng nghe cơ thể, lắng nghe sức khỏe của bản thân, cần tiêm vaccine phòng COVID-19, tuân thủ thực hiện 5K kể cả kết quả xét nghiệm âm tính hay dương tính để bảo vệ những người xung quanh./.

 BSCKI. Hồ Thị Phi Nga  

 

 

Chia sẻ ngay