Ca bệnh nhiễm nhiều ký sinh trùng phức tạp, nguy hiểm

Bệnh nhân là nam giới, 29 tuổi, trú tại xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng thường xuyên thấy mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng và đi ngoài phân lỏng, điều trị nhiều lần không đỡ. Qua thăm khám, khai thác các tiền sử và yếu tố dịch tễ, xét nghiệm của bệnh nhân chúng tôi nhận thấy rằng đây là 1 ca bệnh khó, nghĩ đến nhiễm một loại kí sinh trùng nào đó. Bệnh nhân đã được làm các xét nghiệm chuyên sâu cho kết quả đồng thời nhiễm nhiều loại kí sinh trùng cùng một lúc: Giun đũa chó mèo, giun lươn, sán lá gan nhỏ. Bệnh do ký sinh trùng là một bệnh thường gặp, nếu như không được chữa kịp thời sẽ dẫn tới một số bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy việc chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ bảo vệ sức khỏe và giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Do điều kiện khí hậu Việt Nam rất thích hợp cho các loại ký sinh trùng phát triển, trong khi đó một số thói quen ăn uống chưa đảm bảo ăn chín uống sôi, không nấu chín thức ăn như thịt bò, cá, cua, thịt ếch hay rau sống hoặc ăn các loại rau, quả, củ chưa được rửa. Theo quan niệm của nhiều người thì đó là những thức ăn bổ dưỡng, nhưng thực ra nó chứa mầm bệnh giun sán rất cao. Qua ca bệnh chúng ta cũng cần có những hiểu biết nhất định để có cuộc sống khỏe mạnh:

Người bệnh mắc sán chó mèo

1. Bệnh sán chó là bệnh lây lan khi ăn phải thực phẩm hoặc uống nước bị nhiễm trứng của trứng sán chó. Chúng thường gặp trong phân, hậu môn của chó, trứng sán sẽ phát tán khắp mọi nơi. Một nguồn lây bệnh sán chó phổ biến khác là do bạn tiếp xúc với nguồn đất hoặc nước có ấu trùng giun, sán. Điều này thường xảy ra khi chó, mèo hoặc các vật nuôi khác bị nhiễm giun đi đại tiện, phân của chúng sẽ làm vùng đất hoặc nguồn nước đó bị ô nhiễm. Bệnh sán chó thường xảy ra nhiều ở trẻ em vì đây là đối tượng hay ngậm tay hoặc dùng tay để bốc thức ăn, đồ vật đưa vào miệng.. Khi vào cơ thể người, trứng sán nở ra trong ruột non và ấu trùng có thể di chuyển trong máu đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm gan, tim, phổi, não, cơ hoặc mắt,… Biểu hiện triệu chứng của bệnh tùy thuộc vào vị trí và kích thước của nang. Thể nang sán ở gan có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn phổi hoặc não. Khi gan bị tổn thương người bệnh có thể bị ăn uống kém, đau bụng, sụt cân và vàng da. Bệnh tổn thương ở phổi có thể gây đau ngực, khó thở và ho. Dù nguyên nhân bệnh sán chó xuất phát từ các loại vật nuôi thông thường như chó, mèo nhưng không phải tất cả ca mắc bệnh sán chó mèo đều do chúng gây ra. Nếu chó, mèo được người nuôi kiểm soát tốt vấn đề giun, sán ở chúng thì bạn cũng không cần phải lo ngại đến căn bệnh này khi gần gũi với thú cưng

2. Bệnh do nhiễm giun lươn  là loại giun ký sinh ở người, gây bệnh không liên quan gì đến thú nuôi. Con người có thể bị nhiễm nhiều loại giun ký sinh nhưng giun lươn cần được quan tâm đặc biệt vì các lý do sau:

– Giun lươn có chu trình tự nhiễm, tức là ấu trùng giun được sinh ra trong ruột người, một số không theo phân ra ngoài, còn ở lại trong ruột, xuyên qua thành ruột, chu du trong cơ thể rồi trưởng thành ở ruột non. Đợt nọ nối tiếp đợt kia nên người có giun nếu không điều trị sẽ bị nhiễm suốt đời, vì lúc nào cũng có giun thế hệ mới được sinh ra và trưởng thành ngay trong cơ thể một người.

– Số lượng ấu trùng giun theo phân ra ngoài không nhiều, khó tìm.

– Giun lươn gây bệnh cơ hội : Khi nhiễm bệnh, giun lươn tồn tại rất lâu trong cơ thể, đến một lúc nào đó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có khi đe dọa tính mạng người bệnh, bình thường thì bệnh âm thầm, đôi khi đau bụng, tiêu chảy … nhưng nếu tình trạng miễn dịch của cơ thể giảm đi, giun lươn sẽ bộc phát, tăng sinh nhiều, xâm lấn các cơ quan nội tạng của người, dễ gây tử vong.

3. Sán lá gan nhỏ trưởng thành ký sinh ở đường mật trong gan, dài 10 – 20 mm và rộng 2 – 4 mm, kích thước này nhỏ hơn nhiều so với kích thước của loài sán lá gan lớn. 

Sán trưởng thành, đẻ trứng → theo phân ra ngoài môi trường nước → ốc nuốt nở ra ấu trùng → cá nước ngọt → người ăn phải cá có ấu trùng sán vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành rồi ký sinh và gây bệnh ở đường mật. Biểu hiện của bệnh sán lá gan nhỏ trong một số trường hợp không có triệu chứng gì đặc biệt. Giai đoạn khởi phát người bệnh thường bắt đầu với các biểu hiện chán ăn, ăn không tiêu, đau âm ỉ vùng gan, tiêu chảy hoặc táo bón thất thường. Giai đoạn sau người bệnh thường đau vùng gan nhiều hơn, có thể thấy toàn thân phát ban, nổi mẩn, vàng da, biểu hiện thiếu máu và cổ trướng có thể xuất hiện ở giai đoạn muộn.

Biện pháp phòng, tránh bệnh sán lá gan nhỏ tốt nhất là không ăn gỏi cá và các loại thực phẩm chế biến từ cua cá nấu chưa chín. Bệnh sán lá gan nhỏ nếu được chẩn đoán sớm, các biện pháp điều trị thường mang lại hiệu quả cao và hạn chế được nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bs Trần Thị Hoài Thanh

Chia sẻ ngay