Bướu cổ được hay còn được gọi là bướu tuyến giáp, xếp làm 3 nhóm: dạng lành tính, ung thư và rối loạn chức năng nội tiết tuyến giáp (tăng hoặc giảm hormon giáp trạng).

1. Bướu cổ có nguy hiểm không?

Bướu tuyến giáp lành tính nếu có kích thước to sẽ gây nuốt vướng hoặc khó nuốt, khó thở (do chèn vào khí quản, thực quản) hoặc lồi ra trước cổ gây mất thẩm mỹ.

Bướu tuyến giáp ác tính là loại ung thư gây xâm lấn các cơ quan xung quanh, nhất là dây thần kinh hồi thanh quản sẽ gây khàn tiếng hoặc khi bướu di căn sẽ gây tổn thương gan, phổi, xương, não…

Bướu tuyến giáp có rối loạn chức năng nội tiết như: Suy giáp hoặc cường giáp sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như: Gây kiệt sức, sụt hoặc tăng cân, hồi hộp ở ngực, mất ngủ, rụng tóc, run tay, đổ mồ hôi. Tuy nhiên, nhiều bệnh khác cũng gây ra các bất thường này, cần thăm khám bác sĩ để xác định bệnh.

Ảnh minh họa

2. Triệu chứng bướu cổ ác tính

Hầu hết các khối u tuyến giáp là lành tính, nhưng có khoảng 5% là ác tính (ung thư tuyến giáp). Bác sĩ sẽ thăm khám, siêu âm, xét nghiệm máu, chọc hút tế bào… để xác định loại bướu cổ. Đặc biệt, khi bướu cổ ác tính mới bắt đầu sẽ chưa gây ra bất cứ bất thường nào mà chỉ phát hiện được qua siêu âm kiểm tra hoặc tình cờ khi chụp CT, MRI, PET vùng cổ vì bệnh khác. Triệu chứng sẽ xuất hiện khi bướu tiến triển:

  • Xuất hiện khối u ở cổ: Cần theo dõi tình trạng của khối u, chúng ta có thể nhận biết khối u lành tính khi nuốt sẽ di chuyển lên xuống, còn khối u ác tính sẽ không di chuyển khi nuốt.
  • Bị khàn giọng ( Dấu hiệu muộn ): Giọng nói chuyển khàn bởi các dây thần kinh thanh quản bị kiểm soát các cơ mở, đóng dây thanh quản, nằm ở phía sau tuyến giáp. Khi tình trạng nặng hơn, các khối u tuyến giáp có thể lan rộng và làm tổn thương nặng nề đến hộp âm thanh.
  • Kiểm tra các u giáp trạng có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt gồ ghề hoặc nhẵn, di động theo nhịp nuốt. Có hạch vùng cổ, hạch nhỏ, mềm, di động, xuất hiện cùng bên với khối u ( Dấu hiệu muộn )

Các triệu chứng của ung thư tuyến giáp muộn:

  • Khối u to, cứng rắn, cố định trước cổ.
  • Khàn tiếng nặng, khó thở.
  • Khó nuốt, nuốt vướng, đau do u chèn ép.
  • Da ở vùng cổ bị sậm màu, thâm, thậm chí là sùi loét, chảy máu.
  • Khi siêu âm thấy rõ các khối u tuyến giáp, phát hiện ung thư tuyến giáp rõ ràng.

3. Cách chữa bệnh bướu cổ

Có rất nhiều phương pháp điều trị bướu cổ, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định một trong ba phương pháp sau:

  • Phóng xạ iốt

Bệnh nhân sẽ uống iốt phóng xạ, sau đó iốt sẽ theo máu đến tuyến giáp để phá hủy tế bào. Phương pháp này có hiệu quả cho khoảng 90% trường hợp điều trị, trong đó 50 – 60% người bệnh giảm kích thước bướu sau 12 – 18 tháng. Phương pháp này có thể dẫn đến suy tuyến giáp và không được chỉ định rộng rãi.

  • Uống thuốc

Nếu bệnh nhân suy giáp, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc thay thế hormone tuyến giáp. Các loại thuốc này sẽ làm chậm việc giải phóng hormone kích thích tuyến giáp từ tuyến yên nên giúp bướu nhỏ lại.

Nếu nguyên nhân là do viêm tuyến giáp, bác sĩ sẽ chỉ định uống aspirin hoặc thuốc corticosteroid để điều trị.

Lưu ý các loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau ngực, đổ mồ hôi, nhức đầu, tim đập nhanh…

  • Phẫu thuật

Nếu bướu có kích thước lớn, gây khó chịu, khó thở hoặc khó nuốt hoặc điều trị nội khoa không đỡ thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Bác sĩ sẽ lựa chọn một trong các các phương pháp cắt thùy, cắt giáp gần trọn, cắt giáp toàn phần, cắt eo giáp.

4. Bướu cổ lành tính có nên mổ không?

Các trường hợp bướu lành cần phải mổ gồm:

  • Bướu lành gây chèn ép khó thở, khó nuốt hoặc gây mất thẩm mỹ;
  • Nghi ngờ ung thư;
  • Rối loạn chức năng tuyến giáp loại cường giáp.

Không cần mổ trong trường hợp bướu lành kích thước nhỏ và không bắt buộc mổ khi bướu lành to nhưng không gây khó thở, khó nuốt. Khi bướu lành, nhỏ, không gây khó chịu, thường không cần điều trị gì và theo dõi bằng cách tái khám định kỳ mỗi năm một lần. Cần đi khám ngay nếu có thay đổi vùng cổ hoặc bất thường trong cơ thể.

5. Bắt buộc mổ bướu giáp khi nào?

  • Bướu nhân tuyến giáp ác tính (ung thư): chẩn đoán nhân ác tính bằng sinh thiết.
  • Bướu giáp nhân có kết quả sinh thiết không ác tính nhưng nghi ngờ ác tính (tế bào học hay trên siêu âm).
  • Bướu giáp nhân có tiền sử gia đình trực hệ có người bị ung thư (K) giáp.
  • Bướu giáp đủ lớn gây chèn ép, gây triệu chứng cho bệnh nhân. Triệu chứng gây ra do bướu giáp chứ không phải bệnh nhân bị viêm họng, đau cột sống cổ, bị trào ngược…

6. Các biến chứng có thể xảy ra khi mổ bướu giáp

  • Chảy máu vùng cổ
  • Nhiễm trùng
  • Thay đổi giọng nói (khàn tiếng) do tổn thương thần kinh quặt ngược thanh quản, tổn thương này có thể do viêm, do mô giáp chèn, do thiếu máu nuôi, có thể phục hồi trong vòng 6 tháng. Nếu trên 6 tháng vẫn chưa phục hồi rất có thể tổn thương vĩnh viễn.
  • Suy tuyến cận giáp gây ra các triệu chứng của hạ canxi máu (tê mặt, miệng, tứ chi, co cơ…). Đặc biệt, hạ canxi máu là do tổn thương 4 tuyến cận giáp (chức năng điều hòa canxi máu) có thể tạm thời do thiếu máu nuôi hay vĩnh viễn do cắt mất 4 tuyến cận giáp. Khi hạ canxi máu, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện ngay để bác sĩ xử trí kịp thời.
  • Suy giáp: là biến chứng hay gặp nhất, nếu bị cắt hoàn toàn hay gần hoàn toàn tuyến giáp thì việc bị suy giáp vĩnh viễn là điều khó tránh khỏi (vì đã mất hết mô giáp).    

Hiện nay, khoa Ngoại tổng hợp BVĐK tỉnh Lào Cai đang nhận điều trị , phẫu thuật cho các bệnh nhân bị Bướu giáp có chỉ định mổ, với các phương pháp như Phẫu thuật nội soi hoặc mổ cắt Bướu giáp bằng công nghệ dao siêu âm nên đảm bảo tính an toàn và thẩm mỹ cao cho người bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân có thể đăng ký mổ theo yêu cầu với chuyên gia từ Khoa điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện nội tiết trung ương.

ThS. Lê Quyết Thắng – Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp

Chia sẻ ngay