Theo chương trình “Vì lá phổi khỏe Việt Nam” – Bộ Y tế, hút thuốc là nguyên nhân quan trọng nhất gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: 80%-90% người mắc Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nghiện thuốc lá. Nếu người bệnh COPD tiếp tục hút thuốc, bệnh càng ngày càng trầm trọng hơn.

Người hút thuốc có tỷ lệ tử vong do COPD cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Không chỉ người hút thuốc lá chủ động mà người hít phải khói thuốc do người khác hút cũng có thể tăng nguy cơ COPD.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng bệnh mạn tính ở phổi, làm nghẽn tắc một phần ở đường dẫn khí lưu thông từ ngoài vào phổi và không hồi phục hoàn toàn. COPD là nguyên nhân gây tử vong thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Người mắc bệnh COPD dễ dẫn đến nguy cơ tử vong cao nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng.
Triệu chứng COPD: Hay gặp là ho, khó thở và khạc đàm, với đặc trưng khạc đàm vào mỗi sáng. Ho và khạc đàm dai dẳng thường là trên một tháng, khó thở khi gắng sức. Người bệnh có cảm giác nặng ngực, thở yếu, cảm thấy hụt hơi, hoặc thở hổn hển khi gắng sức nhẹ, khó thở ngày càng nhiều và ngày càng nặng hơn. Người bệnh có cảm giác lo lắng, mệt mỏi, dần dần suy hô hấp và tử vong trong một đợt kịch phát của bệnh.

Nguyên nhân COPD: Có khoảng 80 – 90% số bệnh nhân bệnh COPD xảy ra trên người đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá, một số bệnh nhân đang sống, làm việc ở môi trường khói bụi, hóa chất, khói bếp, không khí ô nhiễm và một ít có thể xảy ra ở người có bệnh lý nhiễm trùng hô hấp không được điều trị đúng cách và hợp lý.
Thuốc lá và COPD
Hút thuốc không những gây COPD, mà còn gây ra nhiều bệnh phổi khác nữa. Khói thuốc lá gây phá hủy phế nang, làm giảm tính đàn hồi của phổi và làm giảm khả năng trao đổi oxy. Phổi của những người hút thuốc lá bị giảm diện tích bề mặt và giảm mạng mao mạch. Điều này làm cho dòng máu lưu thông qua phổi bị giảm, dẫn đến giảm cung cấp chất dinh dưỡng và ôxy cần thiết cho cả nhu mô phổi và các tổ chức khác trong cơ thể. Do ảnh huởng của các chất độc hại trong khói thuốc, đường thở bị co thắt dẫn đến khó thở. Những người sống trong môi trường có khói thuốc dễ bị viêm họng, viêm mũi, viêm phổi, hen phế quản, cúm v.v…hơn những người khác.
COPD thường gặp ở nam giới từ 40 tuổi trở lên và có tiền sử hút thuốc lá hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói, bụi, khói bếp than; có tiền sử nhiễm khuẩn hô hấp. Triệu chứng của giai đoạn đầu thường mơ hồ như: ho, khạc đờm kéo dài, mệt, khó thở khi gắng sức. Khi hút thuốc vào, khói thuốc lá kích thích niêm mạc đường thở. Chính những chất độc trong thuốc lá làm giảm sức đề kháng tại chỗ trong đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ phổi dễ bị nhiễm trùng. Ngoài ra còn có những chất làm suy yếu và hư hại các sợi đàn hồi của phế quản và phế nang nên phổi dễ mất tính đàn hồi, dễ bị ứ khí. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, những người hút thuốc lá càng trẻ bao nhiêu thì mắc COPD càng sớm.

Người hút thuốc có tỷ lệ tử vong do COPD cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Không chỉ người hút thuốc lá chủ động mà người hít phải khói thuốc do người khác hút cũng có thể tăng nguy cơ COPD. COPD làm suy giảm khả năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh tiến triển kéo dài nhiều năm và cuối cùng dẫn đến tâm phế mạn và tử vong.


Cách xử trí
– Cần ngưng ngay thuốc lá và tránh môi trường có khói thuốc lá.
– Cần đi khám khi có các dấu hiệu nghi ngờ như ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng.
– Giữ không khí trong nhà thật sạch, thoáng, tránh khói và các loại khí gây khó thở, tránh tiếp xúc với khói bếp than.
– Thường xuyên luyện tập thể dục; Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, sống lạc quan và hoạt động trong điều kiện sức khoẻ cho phép.
– Đến ngay cơ sở y tế nếu tình trạng xấu đi như: nói chuyện, đi lại khó khăn; môi hay móng tay tím tái; nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều; thuốc điều trị thường dùng không còn tác dụng; thở gấp hoặc khó thở.

BS. Phạm Hồng Khánh – Khoa Nội HH-NT

Chia sẻ ngay