Căn cứ Nghị quyết 104/2023/QH15, từ ngày 01/7/2024 sẽ bắt đầu thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
1. Bỏ lương cơ sở, lương hưu được tính như thế nào từ 01/7/2024?
Hiện nay, công thức tính lương hưu được nêu tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính như sau:
Lao động nam |
Lao động nữ |
– Đóng đủ 20 năm BHXH thì được hưởng 45%.
– Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. – Mức hưởng tối đa là 75%. |
– Đóng đủ 15 năm BHXH thì được hưởng 45%.
– Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. – Mức hưởng tối đa là 75%. |
Nếu nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm lao động sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng: Mỗi năm nghỉ hưu sẽ bị trừ 2% vào tổng tỷ lệ hưởng (có thời gian lẻ dưới 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, thời gian lẻ từ 06 tháng trở lên thì tính mức giảm là 1%). |
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo mức lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Khi cải cách tiền lương sẽ thực hiện bãi bỏ mức lương cơ sở trong cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và thay thế bằng cách tính tiền lương mới đảm bảo không thấp hơn mức lương hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức.
Riêng với người lao động thì mức lương vẫn dựa theo thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động.
Do đó, khi bỏ mức lương cơ sở thì chỉ thay đổi cách tính tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức do đó sẽ thay đổi mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Bởi vậy, công thức tính lương hưu vẫn áp dụng theo công thức ở trên nên về cơ bản cách tính lương hưu khi cải cách tiền lương sẽ không thay đổi mà chỉ ảnh hưởng đến mức hưởng lương hưu do mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH thay đổi.
Theo đó, Chính phủ sẽ có văn bản quy định cụ thể hoặc hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu trong thời gian sắp tới.
2. Dự kiến 3 mức điều chỉnh lương hưu từ 1/7/2024
Tại phiên họp thứ 31 vào chiều ngày 15/3/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ có 03 mức điều chỉnh lương hưu từ 1/7/2024 cho 03 nhóm đối tượng khi cải cách tiền lương, cụ thể như sau:
– Nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường. Mức tăng lương hưu của nhóm này sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 01/7/2024.
Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.
– Nhóm thứ hai là những người nghỉ hưu trước ngày 01/7/2024, nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương theo ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.
– Nhóm thứ ba là những người nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ trưởng cho biết, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa.
(Theo: Cổng thông tin Chính phủ)
3. Những yếu tố để xây dựng bảng lương mới khi cải cách tiền lương?
Căn cứ tại tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 thì bảng lương mới khi cải cách tiền lương sẽ được xây dựng dựa trên 05 yếu tố sau:
– Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
– Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ, không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.
– Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
– Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
– Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức phù hợp với quy định của bảng lương mới.