Viêm nhiễm vùng miệng – hàm mặt là loại bệnh thường gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Bệnh cảnh lâm sàng có thể nhẹ, nên việc chẩn đoán và điều trị đơn giản, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp chẩn đoán khó và điều trị phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến những biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng nếu không chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời.

Mặc dù trong những năm gần đây với đà phát triển của nền kinh tế – xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao về vật chất lẫn tinh thần, cùng với sự tiến bộ lớn về phòng bệnh và chữa bệnh răng miệng, song viêm nhiễm cấp và mãn tính do răng vẫn còn là vấn đề quan tâm lớn của các thầy thuốc chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt và của toàn xã hội.

Các nguyên nhân gây nên viêm vùng hàm mặt đó là:

  • Nguyên nhân do răng: đây là nguyên nhân chính gây nên viêm nhiễm vùng hàm mặt (do mọc răng khôn mọc lệch, ổ áp xe viêm quanh răng viêm lan tràn sang các tổ chức quanh hàm, viêm tủy răng,…).
  • Nguyên nhân không do răng: do chấn thương, do nhiễm trùng nang lông, viêm hạch bạch huyết áp xe hóa, viêm tai, viêm mủ amidal vỡ vào thành họng bên.
  • Tất cả các nguyên nhân này đều gây nhiễm trùng vùng hàm mặt, sưng và đau vùng hàm mặt.

Triệu chứng của viêm nhiễm vùng hàm mặt

 – Mệt mỏi, hốc hác, đôi khi thần kinh ở trạng thái li bì. 

– Sưng nóng đỏ đau vùng mặt.

– Sốt cao, sưng đỏ đau lan tỏa vùng mặt.  Tùy sức đề kháng và phản ứng của cơ thể mà có thể sốt cao lên đến 40oC. Trường hợp sốt có kèm theo rét run cần đề phòng có thể bị nhiễm trùng huyết.

– Lưỡi bẩn,hơi thở hôi, rối loạn chức năng nhai, thấy đau khi nhai, nuốt. 

– Há miệng hạn chế, nuốt đau, đôi khi khó thở.

– Sờ nắn thấy có điểm đau, ấn thấy lõm, vùng da quanh điểm đau sưng, đỏ.

Điều trị viêm nhiễm vùng hàm mặt:

Điều trị toàn thân

– Chống nhiễm trùng: sử dụng kháng sinh thích hợp (Clindamycin 150mg, Cefotaxim,…tùy thuộc vào mức độ viêm và loại vi khuẩn gây viêm). Nếu có điều kiện, cần làm kháng sinh đồ để sử dụng kháng sinh phù hợp và có hiệu quả.

– Tăng sức đề kháng của cơ thể.

– Thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm, truyền dịch nuôi dưỡng, các loại vitamin.

– Tìm nguyên nhân gây viêm. 

– Nâng cao thể trạng – bù điện giải – nước trong trường hợp bệnh nhân không ăn uống được.

Điều trị tại chỗ

– Cần đánh giá mức độ nhiễm trùng tại chỗ, giai đoạn viêm, vị trí ổ mủ,… Đặc biệt chú ý ổ mủ sâu vùng sàn miệng, dưới gốc hàm, thành họng bên,…

– Trích rạch tháo mủ: giúp loại bỏ ổ mủ, giảm nguy cơ viêm lan rộng. Cần chú ý dẫn lưu triệt để những ổ mủ ở sâu.

– Những trường hợp viêm xương tủy hàm, cần theo dõi qua phim chụp X-quang. Tiến hành phẫu thuật lấy tổ chức xương chết tùy theo tổn thương thực tế. 

Cách đơn giản để phòng bệnh hiệu quả.

Trên thực tế có rất nhiều bệnh nhân bị viêm nhiễm vùng hàm mặt đều đến bệnh viện điều trị muộn do chủ quan cứ nghĩ bệnh thông thường, tự ý mua thuốc uống. Đã có trường hợp do đến bệnh viện muộn bệnh nhân bị biến chứng nhiễm khuẩn máu. Để phòng bệnh hiệu quả mọi người nên vệ sinh răng miệng hàng ngày. Đối với trẻ em đang thay răng và người già bị rụng răng thì việc vệ sinh răng miệng càng phải được chú ý. Nên đi khám răng và lấy cao răng định kỳ 6 tháng 1 lần và đến các cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt uy tín để khám và điều trị triệt để các viêm nhiễm vùng miệng họng do răng và các nguyên nhân khác. Không tự điều trị để tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.

CNĐD Cao Thúy Ngọc – Khoa Răng Hàm Mặt

Chia sẻ ngay