U cơ tuyến túi mật (Adenomyomatosis) là một bệnh lành tính hiếm gặp chiếm tỉ lệ khoảng dưới 5% các trường hợp phẫu thuật cắt túi mật. Thường gặp nhất ở nhóm tuổi 50, nam nhiều hơn nữ. Bệnh thường được phát hiện ngẫu nhiên, không cần điều trị.
Bệnh u cơ tuyến túi mật là tình trạng tăng sản và dày lên của lớp niêm mạc và lớp cơ cùng với các túi thừa trong thành túi mật (xoang Rokitansky-Aschoff). Lớp niêm mạc thoát vị vào trong lớp cơ túi mật, các túi thừa này có thể thông với lòng túi mật và chứa tinh thể cholesterolbùn, nhiều sỏi nhỏ bên trong.
U cơ tuyến túi mật có thể thăm khám bằng phương pháp siêu âm,chụp cắt lớp vi tính hặc cộng hưởng từ ổ bụng.
- Siêu âm:
Tuy kết quả chẩn đoán chính xác qua siêu âm không cao nhưng lại được xem là bước đầu tiên giúp bác sỹ sơ bộ nhận định về hình dạng u cơ.
+ Thành dày khu trú (có thể thấy khối u từ vùng đáy lồi vào lòng túi mật) hay lan tỏa phân đoạn nhưng không phù nề
+ Có cấu trúc dạng nang (xoang Rokitansky – Aschoff) trong thành túi mật có hoặc không kèm xảo ảnh đuôi sao chổi (sỏi hay tinh thể cholesterol).
+ Niêm mạc và thành ngoài trơn láng (không do viêm).
Hình ảnh siêu âm u cơ tuyến túi mật
- Cắt lớp vi tính: Cho hình ảnh u cơ tuyến rõ ràng và tỷ lệ chính xác cao hơn siêu âm.
+ Thành túi mật dày (khu trú, lan tỏa hoặc phân đoạn), không thấy phù nề hay thâm nhiễm.
+ Nhiều cấu trúc dạng nang (xoang Rokitansky – Aschoff) kích thước khác nhau trong thành, bề mặt biểu mô ngấm thuốc thuốc mạnh nằm trong lớp cơ phì đại ngấm thuốc kém giống như chuỗi hạt “rosary sign”.
+ Có thể kèm bùn hay sỏi túi mật.
Hình ảnh Cắt lớp vi tính u cơ tuyến túi mật
3. Cộng hưởng từ: là lựa chọn tốt nhất do tỷ lệ chính xác cao, xác định được rõ ràng hình dạng và vị trí u cơ tuyến túi mật.
+ Dày thành túi mật.
+ Nang trong thành túi mật => Dấu hiệu vòng ngọc trai nhiều nang hình tròn trong thành tăng tín hiệu trên T2W và MRCP, giảm tín hiệu trên T1W, thành nang không ngấm thuốc đối quang từ sau tiêm.
U cơ tuyến túi mật trên cộng hưởng từ
Mặc dù chẩn đoán hình ảnh giúp nhận diện chính xác được u cơ tuyến túi mật, nhưng trong một số trường hợp làm sinh thiết là cần thiết để chẩn đoán phân biệt với ung thư túi mật.
U cơ tuyến túi mật là bệnh lành tính, và theo y văn mới thì bệnh này không liên quan với ung thư túi mật. Do đó không nhất thiết chúng ta phải cắt túi mật để điều trị, và có thể theo dõi định kỳ. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là ung thư túi mật cũng có thể có biểu hiện dày thành túi mật, đặc biệt là sẽ khó khăn nếu ung thư phát triển ngay đúng vị trí đã dày lên của u cơ tuyến, nên cần theo dõi sát định kỳ bởi bác sĩ siêu âm có tay nghề tốt. Bệnh nhân có thể đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai khám, đánh giá tình trạng cụ thể để có tư vấn phù hợp.