BỆNH BÉO PHÌ CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG?

Béo phì có phải là bệnh hay không?

Xin khẳng định béo phì là bệnh, mã bệnh theo ICD 10 (Phân loại quốc tế về bệnh tật) là E66.8

Chẩn đoán béo phì:

Chủ yếu dựa vào chỉ số BMI: BMI = Cân nặng / (Chiều cao)2 (cân nặng tính bằng kg, chiều cao tính bằng mét) đối với người châu Á tình trạng dinh dưỡng được phân loại như sau:

Tình trạng dinh dưỡng

Chỉ số BMI
Thiếu năng lượng trường diễn (suy dinh dưỡng, gầy)

<18,5

Bình thường

18,5-22,9

Thừa cân

23-24,9

Béo phì

Độ 1

25-29,9

Độ 2

≥30

Tình trạng béo phì hiện nay:

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%

Nguyên nhân gây béo phì:

Yếu tố môi trường (ăn uống, vận động), di truyền, béo phì thứ phát do một số bệnh lý nội tiết … Tất cả các yếu tố trên đều dẫn đến một tình trạng năng lượng (calo) dư thừa được chuyển hóa và tích lũy dưới dạng mỡ dẫn đến thừa cân béo phì. Nói dễ hiểu hơn, nguyên nhân gây tăng cân là năng lượng cung cấp (ăn vào) lớn hơn năng lượng tiêu hao (vận động) hoặc cung lớn hơn cầu dẫn đến dư thừa calo và được tích lũy dưới dạng mỡ gây thừa cân/béo phì.

Biết ăn bao nhiêu là đủ?

Để có chế độ dinh dưỡng hợp lý cần phải xác định được chuyển hóa cơ bản của cơ thể và mức độ vận động thể lực đã được hướng dẫn tại cuốn tài liệu “Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam” xuất bản năm 2016.

Trường hợp không tìm được tài liệu hoặc có tài liệu nhưng rất khó để áp dụng theo thì chúng ta có thể đơn giản là căn cứ vào chỉ số BMI hiện tại để điều chỉnh chế độ ăn và mức độ vận động thể lực theo kiểu “dò liều”.

Bệnh béo phì có chữa được không?

Xin khẳng định là hoàn toàn có thể chữa được. Về lý thuyết thì chúng ta chỉ cần điều chỉnh lại mức năng lượng (calo) về cân bằng là được, nghĩa là điều chỉnh mức calo ăn vào từ thực phẩm ăn uống hàng ngày và mức calo tiêu thụ thông qua vận động thể lực bảo đảm không bị dư thừa là sẽ giữ được ổn định về cân nặng. Còn muốn giảm cân thì phải giảm ăn và tăng cường vận đông thể lực, ngược lại muốn tăng cân thì cần tăng cường ăn uống và giảm bớt vận động thể lực.

Khi không thể xác định được lượng calo ta tiêu thụ hàng ngày thì có thể “dò liều” như sau: Nếu BMI ở mức béo phì thì hãy giảm lượng thực phẩm ăn uống hàng ngày khoảng 10% đồng thời với tăng cường vận động thể lực nhiều hơn so với ngày thường. Sau khoảng 2-3 tháng đánh giá lại chỉ số BMI, nếu có kết quả (chỉ số BMI giảm) thì tiếp tục duy trì chế đôn ăn uống và vận động đó, nếu không có kết quả hoặc kết quả không được như ý thì tiếp tục giảm thêm 10% lượng thực phẩm ăn vào và tăng cường thêm vận động thể lực.

Không nên áp dụng phương pháp giảm cân bằng dùng thuốc hoặc phẫu thuật, bởi thuốc có tất nhiều tác dụng phụ độc hại cho các nội tạng trong cơ thể. Và nếu nguyên nhân gây béo phì vẫn còn đó thì khi chúng ta dừng thuốc thì béo phì lại quay trở lại. Liệu chúng ta có thể dùng thuốc trọn đời được không?

Tại sao có nhiều người đã rất cố gắng để giảm cân nhưng vẫn “thất bại”?

Xin khẳng định là không có khái niệm “thất bại” trong việc giảm cân nặng bởi vì một khi mức calo ăn vào mà ít hơn lượng calo tiêu thụ trong thời gian dài thì đương nhiên là phải giảm cân. Nếu đã cố gắng giảm cân mà vẫn không giảm được có nghĩa là mức cung-cầu calo vẫn chưa hợp lý do đó phải gọi là “chưa thành công” mới đúng. Về lý thuyết, để giảm cân là giảm calo ăn vào và tăng vận động thể lực, nhưng áp dụng vào thực tế có thành công hay không phụ thuộc vào quyết tâm và sự kiên trì của bạn.

Có cách nào dễ hơn để thực hiện giảm cân không?

Câu hỏi này rất khó trả lời, nó phụ thuộc vào từng cá nhân. Hãy nhìn lại những năm tháng chiến tranh hay thời bao cấp, cả làng đều “dáng chuẩn”. Chúng ta không thể quay lại sống như thời chiến tranh hay thời bao cấp được, nhưng xin có một số gợi ý như sau để các bạn tham khảo:

– Trước tiên, bạn cần phải xác định quyết tâm, đây là điều kiện cần.

– Khi đã có quyết tâm thì cần phải có kế hoạch để thực hiện quyết tâm. Do béo phì là một bệnh phát sinh do lối sống, do đó kế hoạch đôi khi cần phải thay đổi cả lối sống. Ví dụ:

+ Không ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn hay thức ăn nhanh, bởi các thực phẩm này thường có mức năng lượng rất cao, rất nhiều dầu/mỡ nên tạo cảm giác rất ngon, rất hấp dẫn.

+ Hạn chế ăn các món đặc sản, các món khoái khẩu/hợp gu bởi các món này thường có mức năng lượng cao và bạn thường ăn rất nhiều. Hãy chấp nhận ăn những món do người khác “đi chợ” mặc dù không phải món khoái khẩu của mình để giảm lượng thực phẩm ăn vào.

+ Hãy ăn các món luộc thay vì các món sào/rán để giảm lượng dầu/mỡ ăn vào.

+ Tăng cường ăn rau quả để tạo cảm giác no, từ đó giảm ăn các món giầu năng lượng khác.

+ Hạn chế các sinh hoạt thường ngày có thể kích thích đến đến khoái khẩu của bạn như đi siêu thị, đi ăn đêm, tham gia những buổi liên hoan … Hãy tạo cho mình thói quen không ăn vặt, chỉ ăn trong các bữa chính, giảm ăn các loại bánh kẹo đồ uống có nhiều đường, chỉ ăn các loại hoa quả có độ ngọt thấp.

+ Tăng cường vận động thể lực, ví dụ: đi xe đạp thay vì đi ô tô/xe máy với khoảng cách dưới 10 km hoặc đi bộ với khoảng cách 1-2 km, tham gia các môn thể thao khi có điều kiện.

+ Những lúc rỗi rãi, thay vì nằm/ngồi xem ti vi/điện thoại hãy đứng và đi lại vận động nhẹ nhàng trong nhà, bởi vận cơ cũng giúp bạn tiêu hao năng lượng dư thừa.

– Khi đã có quyết tâm và kế hoạch rồi thì việc sau cùng là kiên trì thực hiện, đây là điều kiện đủ. Thời gian để thực hiện giảm cân có thể kéo dài tới vài tháng thậm trí hàng năm, nếu chưa thành công cần kiên trì, tiếp tục cho đến khi thành công.

Lê Huy Lực

 

Chia sẻ ngay