Mùa hè nắng nóng là mùa thực phẩm rất dễ bị ôi, thiu nếu không bảo quản đúng cách, do đó rất dễ gây ngộ độc thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày. Ngày nay, đa số các gia đình đều đã có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm, do đó tác giả xin chia xẻ một số lưu ý cách sử dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm như sau:
– Một số vi khuẩn vẫn phát triển được trong môi trường tủ lạnh, do đó tủ lạnh phải được định kỳ tổng vệ sinh, lau chùi sạch sẽ
– Với các thực phẩm bảo quản lâu dài cần phải để ngăn đá, đóng túi/hộp riêng đủ cho mỗi bữa một túi/hộp.
– Các thực phẩm để ngăn mát cần được đóng hộp hoặc túi riêng để mùi của các thực phẩm không lẫn vào nhau.
– Thực phẩm sống, chín cần phải được bảo quản trong các ngăn riêng, tránh quá trình lây nhiễm chéo các vi khuẩn từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín trong quá trình bảo quản, thực phẩm chín được để ngăn cao hơn trong tủ lạnh.
– Đối với rau, chỉ sơ bộ nhặt sạch và cho vào túi hoặc hộp bảo quản, không nên rửa rau trước khi bảo quản vì khi rau ướt có thể bị ủng trong quá trình bảo quản.
– Một số thực phẩm như cà chua, khoai tây, chuối không cần thiết phải bảo quản trong tủ lạnh, có thể để ở nhiệt độ tự nhiên trong phòng mà vẫn tươi trong thời gian dài.
– Nhiệt độ tủ lạnh: Đa số các nhà sản xuất đã đặt nhiệt độ mặc định cho tủ lạnh là ngăn đá -18 0 C ngăn lạnh là 3 0 C. Đây là nhiệt độ lý tưởng cho bảo quản thực phẩm.
– Thời gian bảo quản thực phẩm: Mỗi hãng sản suất tủ lạnh có một khuyến cáo riêng, không có một quy định cụ thể nào. Nhưng tổng hợp chung thì thời gian bảo quản khuyến cáo nên áp dụng là; thực phẩm bảo quản ngăn đá là 1-12 tháng; thực phẩm bảo quản ngăn lạnh là 4-7 ngày với các thực phẩm dạng khô và 1-2 ngày với các thực phẩm dạng lỏng như sữa, sữa chua, các loại canh/súp …
Lê Huy Lực – K Dinh dưỡng