Sốt do thuốc là yếu tố kinh điển cần cân nhắc để chẩn đoán phân biệt các trường hợp có sốt. Tuy nhiên đây là một tác dụng bất lợi của thuốc ít được biết đến. Việc chẩn đoán sớm rất quan trọng vì sẽ giúp tránh khỏi những xét nghiệm, thăm khám không cần thiết.

Hiện không có tiêu chuẩn chẩn đoán rõ ràng cho sốt do thuốc và không có dấu hiệu lâm sàng hay xét nghiệm nào đặc hiệu cho tình trạng sốt thứ phát do thuốc. Kiểm tra tái phơi nhiễm dương tính (sốt lặp lại khi tái sử dụng thuốc nghi ngờ) là cách duy nhất khẳng định chắc chắn chẩn đoán. Do đó, trong trường hợp nghi ngờ, nên dừng thuốc ngay lập tức.

Các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ (Rev Med Suise. 2019; 15:1516) đã rà soát các thuốc có thể gây sốt trong số 70 loại thuốc được kê đơn ngoại trú nhiều nhất tại Thụy Sĩ từ năm 2008 đến năm 2016 và ghi nhận các thuốc nghi ngờ bao gồm amoxicillin, atorvastatin, rosuvastatin, omeprazol, pantoprazol, rivaroxaban, salbutamol và trazodon. Tác dụng bất lợi gây sốt này không phải lúc nào cũng được đề cập trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

Dựa vào nhóm dược lý, có thể bổ sung vào danh sách này các thuốc kháng khuẩn dùng đường toàn thân (penicilin, cephalosporin, aminoglycosid, fluoroquinolon, thuốc  kháng lao, thuốc chống ký sinh trùng, v.v.), thuốc chống ung thư và điều hòa miễn dịch và một số loại thuốc hướng tâm thần (thuốc chống động kinh, thuốc an thần kinh, thuốc chống trầm cảm…).

Nhiều cơ chế rất khác nhau (quá mẫn, thay đổi điều hòa thân nhiệt, tác dụng dược lý trực tiếp, đặc ứng) có thể liên quan đến sốt do thuốc nhưng đa số trường hợp đều còn chưa rõ ràng.

Trong trường hợp nghi ngờ, nên báo cáo và xin tư vấn thông tin từ các trung tâm Cảnh giác Dược để được cung cấp thông tin và hỗ trợ chẩn đoán, xử trí cho bệnh nhân.

Tác giả: Giáo sư Jean-Louis Montastruc – Toulouse

Nguồn: Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc.

DS.Nguyễn Thị Thúy An Khoa Dược

Chia sẻ ngay