ẢNH HƯỞNG CỦA THAI NGHÉN ĐẾN SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG

Suốt quá trình mang thai cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi bao gồm cả tình trạng sức khỏe răng miệng. Nguyên nhân chủ yếu của những thay đổi là do sự gia tăng nồng độ hormone progesterone trong cơ thể cao gấp 10 lần so với bình thường. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai, hệ thống miễn dịch của phụ nữ có thể hoạt động khác so với bình thường dẫn đến phản ứng của cơ thể với các vi khuẩn cũng khác đi.

I.Các vấn đề răng miệng thường gặp:

Viêm lợi: Viêm lợi do thai nghén thường xuất hiện từ tháng thứ 2 của thai kỳ và nặng nhất vào tháng thứ 8,  viêm ở vùng răng phía trước thường nặng hơn vùng răng hàm. Thai phụ mắc viêm quang răng thường tăng chiều sâu túi lợi, tăng mức chảy máu, răng lung lay.

  – U hạt thai nghén: Đây là một bệnh lý đặc biệt xuất hiện trong thời gian mang thai, còn có tên gọi khác là u nhú nướu. Bệnh xuất hiện trong khoảng từ tháng thứ ba đến tháng thứ sáu trong thai kỳ với biểu hiện với hình ảnh những khối u ở trên nướu, có màu đỏ hoặc hồng giống như quả dâu tây bị sưng tấy, có thể dễ chảy máu. Một số trường hợp còn có đặc điểm tăng sản, nướu có màu xỉn, màu hồng nhạt và bề mặt thô ráp. Những khối u hạt này không phải là một khối u thực sự và cũng không phải là bệnh ung thư. Thậm chí rằng nó không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh mà chỉ gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến vệ sinh răng miệng.

 U hạt thai nghén thường không cần điều trị mà sẽ tự biến mất sau khi sinh em bé. Nếu như sau khi sinh bệnh vẫn không chấm dứt thì có thể thực hiện phẫu thuật cắt nướu để tái tạo lại thẩm mỹ cho bệnh nhân.

– Mòn răng: Những phụ nữ ốm nghén nặng với tình trạng nôn mửa thường xuyên có thể dẫn đến mòn men răng ở mặt trong răng cửa. Sau khi nôn xong không nên chải răng ngay vì lượng acid còn trong miệng sẽ làm cho men răng bị mài mòn. Do đó, trước khi chải răng cần súc miệng bằng hỗn hợp bột baking soda và nước, hoặc bằng nước súc miệng thông thường có công thức dành riêng để trung hòa nồng độ acid trong miệng.

– Sâu răng: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng sâu răng tăng lên trong thời kỳ mang thai. Nguyên nhân có thể do sự thay đổi trong chế độ ăn uống như thường xuyên ăn vặt nhưng hạn chế vệ sinh răng miệng, tăng acid trong khoang miệng do nôn, khô miệng hoặc vệ sinh răng miệng kém do buồn nôn và nôn.

II. Lưu ý chăm sóc sức khỏe răng miệng thời kỳ mang thai:

1, Chế độ dinh dưỡng:

Cần lưu ý tăng cường sử dụng những nguồn thực phẩm giàu canxi như cua đồng, tôm đồng, tép nhỏ, hải sản không có thủy ngân, sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai, sữa tiệt trùng…), vừng đen, trắng; một số loại rau quả (chuối, kiwi, cam, rau súp lơ xanh, rau cải chíp, rau mùng tơi, muống, đậu, rau cần, cà rốt…).

2, Chăm sóc răng miệng:

  • Chải răng 2 lần/ngày (sáng, tối) bằng bàn chải lông mềm
  • Làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa 1 lần/ngày
  • Súc miệng sạch sau khi ăn
  • Lấy cao răng và kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ

3, Lưu ý khi can thiệp nha khoa:

  • Thời điểm 3 tháng đầu là lúc thai nhi đang hình thành các cơ quan nên cần tránh can thiệp nha khoa trong giai đoạn này vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé.
  • Thời điểm 3 tháng cuối là lúc thai đã phát triển lớn, dẫn đến khó khăn cho mẹ khi thực hiện các tư thế cần thiết cho điều trị răng miệng, khi nằm quá lâu trên ghế nha khoa có thể dẫn đến hạ huyết áp khi nằm ngửa quá lâu. Do đó, trong hai thời điểm này nên hạn chế tối đa các can thiệp, ngoại trừ những trường hợp cần điều trị khẩn cấp thì bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ để thực hiện.
  • 3 tháng giữa là lúc thích hợp để thực hiện các phương pháp điều trị đối với những trường hợp nếu trì hoãn đến sau sinh sẽ gây nguy hiểm, chẳng hạn như nhổ răng, điều trị tủy.
  • Một số điều trị nha khoa vẫn có thể thực hiện an toàn trong thai kỳ như nhổ răng, gây tê tại chỗ, điều trị tủy, lấy cao răng.
  • Kháng sinh và thuốc tê: Các thuốc gây tê tại chỗ (có Epinephrine hoặc không) vẫn an toàn đối với phụ nữ mang thai. Các loại thuốc kháng sinh như: Penicillin, Amoxicillin, Cephalosporins, Clindamycin, Metronidazole an toàn đối với thai kỳ. Cần lưu ý một số loại kháng sinh có thể để lại di chứng cho bé như tetracycline (tạo màu trên răng), vancomycin (độc với tai / thận), streptomycin (độc với tai) nên không thích hợp sử dụng trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra, theo ADA, nên tránh tuyệt đối ciprofloxacin, benzodiazepine và barbiturat.
  • Thuốc giảm đau: Cơn đau bắt nguồn từ răng có thể gây đau ở những vị trí khác như đau đầu làm cho bệnh nhân thấy căng thẳng. Do đó, khi kê đơn thuốc giảm đau cần có sự tư vấn của bác sĩ. Thuốc giảm đau gây nghiện như có thể làm suy nhược hệ thần kinh trung ương và thuốc chống viêm không steroid có thể gây ra bệnh lý ống động mạch, do đó nên tránh sử dụng chúng trong thời kỳ mang thai. Theo khuyến nghị của FDA, Acetaminophen (Paracetamol) có thể được ưu tiên sử dụng trong thai kỳ.
  • Kiểm tra răng định kỳ: Số lần khám răng lý tưởng trong 3 tháng đầu là 2 lần, 3 tháng sau và 3 tháng giữa là mỗi kỳ một lần. Sau khi lần kiểm tra đầu tiên có sức khỏe răng miệng tốt, cần kiểm tra xem có vệ sinh răng miệng trong 3 tháng giữa hay không và nên thực hiện điều trị theo kế hoạch trong giai đoạn này (ví dụ như nhổ răng, trám răng).

Nguồn: Bài giảng Bệnh học quanh răng – Viện đào tạo Răng hàm mặt trường Đại học Y Hà Nội.

Bế Thị Thanh Hiền – Khoa RHM

Chia sẻ ngay