Từ khi có vaccine các triệu chứng nhiễm Covid nhẹ hơn rất nhiều so với trước đây. Tại Hà nội có đến 90% F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ như cảm cúm được điều trị tại nhà nên khi âm tính trở lại thường chủ quan. Bài viết này nhằm giúp mọi người có thể cảnh giác hơn với SARs-COV-2.

Không nhiều người biết rằng âm tính Covid chưa hẳn là đã yên tâm bởi các triệu chứng bệnh Covid chỉ có vài chục triệu chứng nhưng hậu Covid cũng lại có hơn 200 triệu chứng tiềm ẩn với nhiều rủi ro đặc biệt là với những F0 có bệnh lý nền.

Cho đến bây giờ các nhà nghiên cứu về virus học cũng chưa biết hết những hệ lụy do virus SARs – COV-2 gây ra. Mặc dù phổi là điểm dừng chân đầu tiên của virus nhưng các biến chứng hay triệu chứng Covid trở nặng lại là do tình trạng VIÊM & HUYẾT KHỐI, VI HUYẾT KHỐI ở tim và mạch máu.

1. TẠI PHỔI

Virus xâm nhập vào phổi làm tổn thương phế nang và gây huyết khối ở các tiểu động mạch, tĩnh mạch, mao mạch phổi. Và đó là một trong các lý do khiến cho người bệnh nhiễm Covid diễn tiến khó thở nhanh chóng. Điều này giải thích cho việc F0 nhập viện buộc phải dùng thuốc chống đông.

2. MẠCH MÁU

Virus gây tổn thương nội mạc mạch máu (lớp lót trong lòng mạch có chức năng điều tiết các quá trình đông máu, co giãn mạch, quá trình viêm – chống viêm) và kích hoạt quá trình viêm, tăng đông máu, hình thành huyết khối.

-Đặc điểm đông máu do SAR-COV-2 là đông máu lan tỏa ở mạch máu nhỏ/vi mạch. Các mạch máu nhỏ này dễ bít tắc bởi vi huyết khối. Sự nguy hiểm của rối loạn đông máu ở bệnh nhân Covid không chỉ là tăng đông bình thường mà còn có sự tác động của phản ứng miễn dịch gây tăng đông tạo huyết khối, vi huyết khối ở tim, gan, não, thận, phổi. Ở phổi, vi huyết khối gây suy hô hấp nhanh (SpO2 giảm).

3. TẠI TIM

Tổn thương cơ tim trực tiếp do SARS-CoV-2 và gián tiếp do giảm oxy máu, kết hợp với bão cytokine gây viêm cơ tim, xơ hóa mô kẽ cơ tim.

Các triệu chứng tổn thương cơ tim có thể từ nhẹ như mệt, khó thở, thở hụt hơi, tim đập nhanh, đau tức ngực cho đến rất nặng như thiếu máu tim, nhồi máu cơ tim, suy tim

Xơ hóa mô kẽ cơ tim thường gặp ở người nhiễm Covid nặng nhưng cũng có thể gặp cả những F0 không triệu chứng.

Tình trạng viêm và tăng đông máu vẫn tiếp tục được kích hoạt gây ra rủi ro tim mạch không chỉ tại thời điểm bị nhiễm bệnh và còn kéo dài thêm nhiều tuần, nhiều tháng hoặc lâu hơn nữa, kể từ sau khi khỏi bệnh.

CẢNH GIÁC VỚI TRIỆU CHỨNG HẬU COVID-19

Khi thấy triệu chứng hồi hộp đi kèm với đau ngực không điển hình trong 3 tháng sau khi mắc Covid-19 hoặc khó thở trong 6 tuần kể từ sau khởi phát triệu chứng Covid-19, càng nghĩ đến hội chứng hậu Covid.

NHẬN DIỆN TRIỆU CHỨNG HẬU COVID-19

  • Khó thở: cảm giác hụt hụt hơi, không được khỏe “ như trước kia”, cảm thấy khó thở khi gắng sức hoặc khi nằm nghỉ .
  • Đau ngực: ở bên trái hoặc giữa lồng ngực, đau lan ra sau lưng, vai trái và cằm, đặc biệt triệu chứng sẽ giảm khi chuyển từ trạng thái hoạt động sang nghỉ ngơi.
  • Hồi hộp đánh trống ngực hoặc nhịp tim không đều.
  • Ngất, choáng váng – chóng mặt.

NHỮNG NGƯỜI CẦN ĐI KHÁM HẬU COVID-19 SAU ÂM TÍNH 30 NGÀY

  • Người có bệnh nền (như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá…);
  • Người từ 60 tuổi trở lên do có nguy cơ có nhiều bệnh đồng mắc chưa khởi phát nhưng sau khi mắc COVID-19 có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn;
  • Người phải nhập viện khi mắc COVID-19 (bị suy hô hấp, phải can thiệp thở oxy trở lên, sốt cao phải nhập viện…).

LÀM GÌ ĐỂ GIẢM THIỂU TỔN THƯƠNG TIM MẠCH

  • Không nên gắng sức ngay sau khi khỏi Covid
  • Tập thở theo các bài tập phục hồi đường thở hàng ngày
  • Tăng thời gian nghỉ ngơi, tránh căng thẳng
  • Hạn chế rượu bia, chất kích thích, không hút thuốc lá
  • Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: tăng cường rau xanh, trái cây tươi và thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Thạc sỹ. Trần Hồng Chuyên – Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK tỉnh

Chia sẻ ngay