1. Nhiễm toan ceton là gì?
Nhiễm toan ceton do đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường, xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh quá nhiều axit trong máu (được gọi là ceton). Nó phát triển khi mức insulin không đủ để đáp ứng các yêu cầu trao đổi chất cơ bản của cơ thể.
DKA là biểu hiện đầu tiên ở một số ít bệnh nhân đái tháo đường type 1. Sự thiếu hụt insulin có thể là tuyệt đối (ví dụ, trong quá trình sử dụng insulin ngoại sinh mất hiệu lực) hoặc tương đối (ví dụ, khi liều lượng insulin thông thường không đáp ứng nhu cầu trao đổi chất khi căng thẳng sinh lý).


Nhiễm toan ceton do đái tháo đường bao gồm 2 rối loạn sinh hóa nguy hiểm là: Tăng glucose máu, nhiễm ceton, nhiễm toan kèm theo các rối loạn điện giải. Đây là một cấp cứu nội khoa cần được theo dõi tại khoa điều trị tích cực vì có nguy cơ biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não và thậm chí là tử vong. Nhiễm toan ceton do đái tháo đường (DKA) xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 và ít phổ biến hơn ở những bệnh nhân đái tháo đường type 2.

2. Triệu chứng nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường
 Mệt mỏi, nhìn mờ, ý thức mơ màng;  Buồn nôn, nôn ói, đau bụng;  Khát nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều;  Sụt cân;  Glucose máu > 13,9 mmol/L (> 250 mg/dL) khi đo bằng máy đo đường huyết cá nhân;  Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp;  Có dấu hiệu mất nước: Môi khô, lưỡi khô, da khô nặng;  Nhịp thở có 4 thì: Hít vào – ngừng thở – thở ra – ngừng thở, hơi thở có mùi ceton (mùi táo chín). Mùi ceton xuất hiện do tình trạng thải bỏ sản phẩm aceton có nguồn gốc từ acetoacetat qua phổi;  Thân nhiệt thường giảm nhẹ do tình trạng giãn tĩnh mạch ngoài da. Đây là một biểu hiện của tiên lượng xấu.

Bệnh nhân nên gọi cấp cứu ngay lập tức nếu có các biểu hiện sau:  Lượng đường trong máu thường xuyên cao hơn 300 mg/dL hoặc 16.7 mmol/L;  Có ceton trong nước tiểu, không thể giảm xuống mức giới hạn cho phép;  Có trên 1 triệu chứng của nhiễm toan ceton do đái tháo đường.

3. Nguyên nhân nhiễm toan ceton đái tháo đường
 Thiếu hụt insulin: Do bệnh đái tháo đường, ngừng điều trị insulin, kỹ thuật tiêm insulin không đúng;  Bệnh lý cấp tính, nhiễm trùng (viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng đường tiêu hoá, nhiễm trùng tiết niệu, viêm tụy cấp, cảm cúm), chấn thương hay phẫu thuật,… kích thích cơ thể sản xuất một số hormone như: Catecholamine, Cortisol và Glucagon, ảnh hưởng đến hoạt động của insulin và gây biến chứng nhiễm toan ceton;  Rối loạn thể chất và tâm thần;  Đau tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ;  Sử dụng thuốc hạ đường huyết không đúng chỉ định;  Ảnh hưởng của việc sử dụng rượu hoặc lạm dụng ma túy;  Tác dụng phụ của việc dùng thuốc như corticoid và một số thuốc lợi tiểu;  Ảnh hưởng của các bệnh nội tiết: cường giáp, cường năng tuyến thượng thận, u tủy thượng thận;  Stress.

4. Chẩn đoán nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường
 Khám lâm sàng;  Xét nghiệm máu để đo mức ceton, nồng độ glucose, và axit trong máu; Điện giải đồ;  Tổng phân tích nước tiểu;  Chụp X-quang;  Điện tâm đồ: Đo hoạt động điện của tim.
Lưu ý: Cần chẩn đoán phân biệt các triệu chứng tụt huyết áp, rối loạn tâm thần và đau bụng dữ dội của bệnh nhân nhiễm toan ceton đái tháo đường với các bệnh lý khác.

BS. Phạm Hồng Khánh – Khoa Nội Hô hấp – Nội tiết

Chia sẻ ngay