Nấm phổi Aspergillus là tình trạng viêm phổi do nhiếm nấm Aspergillus. Bệnh có thể diễn biến cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính, u nấm phổi. Trong đó nấm phổi Aspergillus xâm lấn là tình trạng nhiễm nấm cấp tính.  Loài nấm Aspergillus gây bệnh thường gặp nhất là Aspergillus fumigatus. Các bào tử nấm tồn tại khắp nơi trong khí quyển và môi trường sống của con người. Khi có yếu tố thuận lợi, các bào tử xâm
nhập vào phổi của bệnh nhân và gây bệnh.
Nấm Aspergillus gây bệnh ở phổi có 3 thể: U nấm phổi, nấm phổi phế quản dị ứng và nấm phổi xâm nhập.

1.Chẩn đoán xác định u nấm (Aspergilloma):
Lâm sàng: Triệu chứng cơ năng và toàn thân: Có thể có một hoặc nhiều dấu hiệu lâm sàng sau:
– Sút cân, mệt mỏi, đau ngực, sốt cao 39-40 độ C.
– Ho ra máu (50-80%): Dây máu, thường tái phát nhiều lần, đôi khi ho ra máu nặng. Xảy ra ở bệnh nhân tiền sử có: Lao phổi, điều trị hóa chất chống ung  thư, bệnh nhân sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch dài ngày: Corticoid, thuốc chống thải ghép, bệnh nhân HIV.- Đôi khi tình cờ phát hiện thấy u nấm trên phim X-quang phổi.
Cận lâm sàng, X-quang phổi:
– U nấm điển hình: tổn thương hình lục lạc gồm một hốc rỗng trong có chứa khối nấm đặc và một liềm khí ở phía trên của khối nấm.
– Chụp cắt lớp vi tính ngực: cho phép phát hiện rõ hơn tổn thương hang nấm hình lục lạc với liềm hơi ở phía trên có thể có kèm theo hoặc không các tổn thương khác: xơ co kéo, thoái hóa dạng kén, dày màng phổi nếu tổn thương sát màng phổi, đôi khi có hình ảnh calci hóa trong khối nấm.

– Vi sinh: soi trực tiếp và/hoặc cấy đờm, dịch rửa phế quản phế nang tìm thấy nấm Aspergillus.

Chẩn đoán phân biệt u nấm Aspergillus:
–  Áp xe phổi: Có dấu hiệu ộc mủ, có hình ảnh mức nước, hơi trên Xquang, đáp ứng tốt với điều trị kháng sinh.
– Ung thư phổi áp xe hóa: Sinh thiết tổn thương thấy tổn thương ung thư.

Nấm phổi Aspergillus xâm lấn là bệnh lý có tỷ lệ tử vong rất cao. Tiên lượng bệnh thường nặng, dễ dẫn đến suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn. Bệnh thường mắc ở bệnh nhân có suy giảm miễn dịch, mắc bệnh mạn tính, chính vì vậy điều trị càng khó khăn. Một nguyên nhân khác làm tăng tỷ lệ tử vong là do chẩn đoán thường khó khăn, mất thời gian xét nghiệm vì vậy điều trị thường muộn. Các nghiên cứu cho thấy điều trị
càng muộn thì tỷ lệ tử vong càng cao. Dù được chẩn đoán thì các thuốc kháng nấm có nhiều tác dụng phụ trên gan thận cũng gây khó khăn cho điều trị.

BS. Phạm Hồng Khánh – Khoa Nội Hô hấp – Nội tiết

Chia sẻ ngay