Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 tháng năm 2017, cả nước đã ghi nhận gần 59.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 17 trường hợp tử vong. Thời gian qua, lượng khách du lịch tới Lào Cai tăng cao, gây khó khăn cho việc kiểm soát nguồn bệnh. Trước tình hình đó, ngành y tế tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.


Các gia đình cần chú trọng bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát.

Chúng tôi có mặt tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tìm hiểu về hoạt động khám, chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Anh Nguyễn Đình Chiểu, 48 tuổi, trú tại phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) nhập viện tối 30/7 trong tình trạng sốt cao, ho và đi tiểu ra máu. Sau khi chẩn đoán và lấy máu xét nghiệm dịch tễ, các bác sỹ kết luận anh Chiểu mắc sốt xuất huyết. Ngay sau đó, anh Chiểu được chuyển sang khu cách ly để điều trị và theo dõi diễn biến sức khỏe. Anh Chiểu cho biết: Vài ngày trước, tôi có việc phải đi xuống Hà Nội, sau đó vào nhà người quen ở Vĩnh Phúc. Tại đây, tôi bị sốt cao, cơ thể mệt mỏi. Vì biết đang có dịch sốt xuất huyết, nên tôi nhanh chóng trở về Lào Cai và tới bệnh viện khám.
Chỉ tính riêng trong tháng 7/2017, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận khám và điều trị 3 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trong đó, 2 trường hợp đã khỏi bệnh và được ra viện. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, cả 3 ca mắc sốt xuất huyết đều là những người sinh sống và làm việc trước đó tại thành phố Hà Nội. Để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, sẵn sàng phục vụ công tác điều trị khi có bệnh nhân mắc bệnh. Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Thương, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo: Trước những diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, trong thời gian này, người dân nên hạn chế di chuyển tới những vùng có dịch, vì nguy cơ lây nhiễm sốt xuất huyết rất cao. Khi có dấu hiệu sốt, người dân không nên tự ý mua thuốc hạ sốt để uống, mà cần đến các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời, tránh trường hợp điều trị không đúng cách sẽ dẫn tới xuất huyết, sốc và có thể tử vong.
Bên cạnh tiếp nhận điều trị các bệnh nhân bị mắc sốt xuất huyết, ngành y tế tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thành phố, cùng với các trạm y tế xã, phường tích cực tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, như dọn dẹp nhà ở ngăn nắp, thoáng mát; loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng; đậy kín chum, vại, dụng cụ chứa nước sinh hoạt… Ngoài ra, người dân có thể dùng các biện pháp diệt muỗi như đốt hương, phun thuốc diệt muỗi; cần mắc màn khi đi ngủ, mặc quần áo dài, xoa thuốc chống muỗi…
Ông Nguyễn Đình Cư, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận sự xuất hiện của loại muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, nhưng không vì thế mà ngành y tế chủ quan. Việc cập nhật thông tin bệnh nhân tại các cơ sở y tế được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai chặt chẽ, nắm tình hình kịp thời. Đối với những người đi làm, công tác ngoại tỉnh trở về địa phương, đặc biệt là từ vùng có ổ dịch, sẽ được tăng cường giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe, đề phòng nguy cơ mang mầm bệnh lây lan ra cộng đồng.
Với sự quyết tâm và chủ động từ phía các cơ quan chức năng, việc phòng, chống và hạn chế nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết đang đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức tự bảo vệ, phòng, chống dịch, tránh tình trạng xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. 


   Theo Báo Lào Cai    

Chia sẻ ngay