30% dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000- 40.000 người. Số lượng người mắc bệnh này đang có chiều hướng gia tăng.

30% dân số có rối loạn tâm thần, nhiều người trẻ

Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai cho thấy tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 – 40.000 người.

Đa số các vụ tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng được sống. Phần lớn các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mãn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.

Theo bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, nếu trước đây chỉ có khoảng 20-30 bệnh nhân đến khám/ngày thì những năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân đến khám ngày càng tăng. Có ngày viện tiếp nhận khoảng 300 lượt bệnh nhân đến khám về các vấn đề tâm lý, tâm thần, trong đó có rất nhiều bệnh nhân ở lứa tuổi thanh – thiếu niên.

Ngày nay với rất nhiều yếu tố nguy cơ như áp lực cuộc sống tăng lên, sự phổ biến của các trò chơi trên mạng internet, của các chất ma túy, nhất là các chất ma túy tổng hợp… thì mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm cũng như các rối loạn tâm thần khác.

Ở lứa tuổi trẻ em thanh thiếu niên khi nhân cách chưa phát triển toàn diện dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động bên ngoài. Vì vậy khi học tập đạt kết quả không như mong muốn hoặc bị bạn bè tẩy chay… cũng dễ xuất hiện các rối loạn tâm thần. Nhóm tuổi già với sự lão hóa do tuổi tác, sự cô đơn, nhiều bệnh cơ thể… là những yếu tố nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm ở người già, sa sút trí tuệ.

Cán bộ y tế điều trị cho bệnh nhân tâm thần.

Trm cmstress là mt trong nhng nguyên nhân gây ri loi tâm thn

Các rối loạn tâm thần liên quan đến stress rất đáng báo động với nhiều biểu hiện lâm sàng như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn sự thích ứng.

Các rối loạn tâm thần này gây tác động sâu sắc không chỉ cho bản thân người bệnh với nhiều mức độ ảnh hưởng khác nhau từ giảm hiệu suất làm việc, học tập, giảm cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, mất việc, nguy cơ tan vỡ hôn nhân, bị kỳ thị, giảm chất lượng cuộc sống…

Nặng nề nhất là người bệnh có thể xuất hiện ý định và hành vi tự sát. Người nhà người bệnh, xã hội và cộng đồng cũng bị ảnh hưởng nặng nề liên quan tới việc chăm sóc và điều trị cho người bệnh, chi phí điều trị trực tiếp, gián tiếp cho các rối loạn tâm thần ngày càng tăng.

Các rối loạn tâm thần có thể gặp ở mọi nhóm tuổi từ khi sinh ra đến khi trở về với thế giới bên kia, đặc biệt là nhóm tuổi trẻ, nhóm tuổi lao động và do vậy cũng làm giảm sản xuất của cải vật chất cho gia đình và xã hội.

Khi nào cần đi khám tâm thần?

Các triệu chứng của các rối loạn tâm thần rất đa dạng. Nhiều rối loạn tâm thần được biểu hiện bằng các triệu chứng cơ thể giống với các bệnh lý tổn thương thực thể. Điều này làm cho bệnh nhân khám bệnh ở các chuyên khoa thực thể trước sau đó mới được khám chuyên khoa tâm thần.

Đây là nguyên nhân làm cho người bệnh tâm thần chậm trễ được khám đúng chuyên khoa, làm giảm hiệu quả điều trị. Việc được khám và điều trị sớm các rối loạn tâm thần rất quan trọng.

Đối với người bình thường, khi có những dấu hiệu như rối loạn giấc ngủ, ngủ ít, ngủ nhiều, buồn chán, dễ mệt mỏi, ăn kém, giảm ham muốn tình dục, hay giận dỗi, cáu gắt vô cớ, giảm hiệu suất làm việc, kém tập trung, hay quên, lo lắng nhiều vấn đề, đau mỏi cơ thể kéo dài,… thì nên đi khám chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn và điều trị.

Vũ Hải Bình – Khoa Tâm thần

Chia sẻ ngay