Khái niệm: Đau là triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư, và là nỗi ám ảnh của bệnh nhân ung thư. Hiện nay đã có nhiều biện pháp giảm đau, có thể kiểm soát được trên 90% đau đớn do ung thư. Tuy nhiên, theo khảo sát ở Mỹ mới chỉ có 40% đau đớn do ung thư được điều trị đúng mức. Ở những nước đang phát triển và ở nước ta việc điều trị giảm đau ung thư chưa được quan tâm đúng mức.

Đặc điểm đau: – Rất khác nhau tùy thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh cũng như thể trạng của bệnh nhân.
– Đau sớm như u thần kinh, ung thư xương, u não.
– Đau ở giai đoạn muộn như ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày. Đa số bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị đau đớn, 60 – 80% bị đau nặng.

Nguyên tắc điều trị

1. Bước đầu tiên là nắm bắt được bệnh sử chi tiết, khám xét bệnh nhân cẩn thận để xác định nguồn gốc của đau:
– Do ung thư gây ra hoặc có liên quan đến ung thư, do điều trị ung thư hay do các rối loạn khác.
– Do bộ phận nhận cảm đau, do bệnh thần kinh hoặc do cả hai.
2. Điều trị bắt đầu bằng giải thích tỉ mỉ và thực hiện các phương pháp kết hợp thể chất với tâm lý người bệnh. Các phương pháp điều trị có dùng thuốc và không dùng thuốc như phối hợp vật lý trị liệu, tâm lý liệu pháp…
3. Dùng thuốc có tác dụng giảm đau do ung thư phải được dùng đúng liều, đúng khoảng thời gian và dùng đúng cách:
– Đường uống là đường được ưa chuộng hơn cả khi dùng thuốc giảm đau
– Đối với đau kéo dài thuốc nên được dùng đều đặn theo từng khoảng thời gian và không phải nhất thiết chỉ dùng khi đau mà có thể dùng kể cả khi không đau để dự phòng cơn đau.

4. Điều trị chống đau theo bậc thang: trừ khi bệnh nhân đau nặng, điều trị ban đầu thường dùng những thuốc giảm đau không gây nghiện và điều chỉnh liều, nếu cần thiết có thể tăng liều dần để đạt được liều có hiệu quả giảm đau trong giới hạn cho phép của thuốc. Khi tăng liều tối đa mà không đạt được hiệu quả giảm đau phải tăng bậc điều trị đau bằng cách từng bước sử dụng các thuốc giảm đau gây nghiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
5. Điều trị đau phải cụ thể trên từng bệnh nhân khác nhau: Liều đúng là liều có tác dụng giảm đau cho bệnh nhân. Không có công thức điều trị nào để dùng chung cho tất cả các bệnh nhân. Nên phát hiện sớm đau và điều trị sớm cho bệnh nhân khi đau ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
6. Các thuốc dùng cho điều trị hỗ trợ nên được dùng đúng quy định. Đối với đau do bệnh nhân thần kinh nên dùng thuốc giảm đau thần kinh sẽ cho hiệu quả.
7. Quan tâm đến từng chi tiết: Cần theo dõi đáp ứng của bệnh nhân với điều trị để đảm bảo thu được hiệu quả cao nhất mà tác dụng phụ lại hạn chế ở mức thấp nhất nếu có thể.
8. Đánh giá và điều trị đau do ung thư có kết quả nhất khi phối hợp tất cả các phương pháp: tâm lí liệu pháp, vật lí trị liệu, dùng thuốc giảm đau, kháng sinh chống viêm, hóa chất, xạ trị, phẫu thuật để giảm kích thước u giúp giảm đau…
Kiểm soát đau kém có tác động rất xấu đến bệnh nhân và gia đình, cho nên việc xử lý thích hợp chống đau được xem là ưu tiên hàng đầu đối với những ai chăm sóc bệnh nhân ung thư. Sự đau đớn quá mức có thể là lý do đầu tiên để người bệnh và gia đình quyết định ngừng mọi điều trị tích cực.
Hiện nay tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai đã triển khai phòng khám cấp thuốc ngoại trú cho người bệnh Ung thư giúp kiểm soát đau hiệu quả, để đau không còn là nỗi ám ảnh của mỗi bệnh nhân ung thư, mang lại chất lượng sống thoải mái hơn cho người bệnh ung thư giai đoạn muộn.

BSCKI. Nguyễn Thúy Nương – TT Ung bướu & Y học hạt nhân

Chia sẻ ngay