NỘI SOI ỐNG TIÊU HOÁ CẮT POLYP LỚN TRỰC TRÀNG Ở TRẺ EM

Ngày 01/12/2021 Khoa Nhi – Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận một bệnh nhi nữ 05 tuổi vào viện với các triệu chứng: Đi ngoài ra máu tươi trên 01 tháng nay, kèm theo các triệu chứng như: Sút cân, da xanh xao, chậm lớn…

Sau khi khám lâm sàng, xét nghiệm, trẻ được chỉ định nội soi trực tràng bằng ống mềm tại Phòng Nội soi tiêu hóa khoa Thăm dò chức năng. Tiến hành soi trực tràng phát hiện trong trực tràng có hai polyp kích thước khoảng 0.5 – 2cm, cuống ngắn, bề mặt polyp sung huyết, rỉ máu. Xác định đây là trường hợp polyp lớn trực tràng, kíp Nội soi đã tiến hành cắt polyp qua nội soi có dùng  thuốc gây mê. Thủ thuật thuận lợi. Sau cắt polyp sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, xuất viện sau 2 ngày theo dõi và điều trị tại khoa Nhi.

Polyp đường tiêu hóa là một hoặc nhiều khối u xuất hiện bất thường trên bề mặt, trong lòng hoặc thành ống tiêu hóa, ở trẻ em tỷ lệ mắc bệnh là 1 – 5%, khu trú chủ yếu ở trực tràng và đại tràng sigma (87,6%). Tuy nhiên, nếu để polyp tiếp tục tiến triển, chúng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu tiêu hóa, tắc ruột hoặc thậm chí dẫn đến ung thư.

 Nhiều người cho rằng polyp đường tiêu hóa là bệnh thường gặp ở người lớn nên ở trẻ em chưa được chú ý nhiều, trẻ chỉ được phát hiện polyp khi đã xuất hiện triệu chứng đi ngòai ra máu kéo dài. Vì vậy, bố mẹ nên chú ý đến các dấu hiệu của con em mình và cần cho con đến ngay cơ sở y tế để khám và được chữa bệnh kịp thời.

Hiện nay, việc cắt bỏ polyp ống tiêu hoá đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nhờ có kỹ thuật y học tiến bộ. Nội soi có giá trị chẩn đoán và điều trị chính xác, ít xâm lấn, giúp người bệnh nhanh chóng phục hổi sức khỏe. Đây là một kỹ thuật khó đòi hỏi các y Bác sỹ phải có trình độ kỹ thuật cao, tuy nhiên đây là thủ thuật khá an toàn. 

Một số lưu ý với Bố mẹ bệnh nhi

Đối với trẻ đi ngoài ra máu tươi nên nội soi đường tiêu hóa để phát hiện tổn thương và điều trị qua nội soi. Đối với trẻ đã được cắt bỏ polyp trực tràng nên Soi kiểm tra định kỳ đường tiêu hóa một năm/một lần để tầm soát sự xuất hiện trở lại của polyp.

Bố mẹ của trẻ có polyp cần đi soi đại tràng và dạ dày để phát hiện xem có polyp đường tiêu hóa hay không vì polyp có tính chất di truyền. Cách tốt nhất để chủ động phát hiện polyp là nên định kỳ kiểm tra sức khỏe định kỳ đường tiêu hóa (khoảng 6 tháng/ lần), thay vì đợi đến khi nào có triệu chứng mới đi khám.

Dương Minh Lý – TDCN

Chia sẻ ngay