Những điều cần biết về thuốc cản quang trong chụp cắt lớp vi tính.

Chụp cắt lớp (hay chụp CT) chia làm hai cách chụp, là chụp có dùng thuốc cản quang và không dùng thuốc cản quang. Tùy thuộc tình trạng bệnh lý và sức khỏe người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định có sử dụng thuốc cản quang hay không.

Thuốc cản quang là những dung dịch có chứa Iod, được bác sĩ chỉ định đưa vào cơ thể khi chụp CT. Loại thuốc này làm tăng cường mức độ tương phản giữa tổn thương và mô lành xung quanh khi tiến hành chụp cắt lớp. Vì thế, chụp CT có thuốc cản quang sẽ làm rõ hơn một mô hoặc tổn thương, từ đó nâng cao tính chính xác trong chụp cắt lớp. Việc sử dụng thuốc cản quang trong chụp cắt lớp cũng có một số nhược điểm, vì sau khi thuốc đưa vào cơ thể bệnh nhân có thể gây ra một số phản ứng phụ. Tuy nhiên, các tác dụng phụ xảy ra do sử dụng thuốc cản quang thường chỉ gây ra một số triệu chứng như buồn nôn, sốt nhẹ, mẩn ngứa… Biến chứng nặng như sốc phản vệ do thuốc cản quang là rất hiếm gặp.

Chỉ định dùng thuốc cản quang khi chụp CT.

Để chẩn đoán chính xác hơn cho các bệnh nhân bị viêm nhiễm hoặc áp xe thì bác sĩ sẽ tiến hành đưa thuốc cản quang vào cơ thể người bệnh.

Một số bệnh lý liên quan đến mạch máu như phình mạch, dị dạng mạch máu hoặc bóc tách mạch máu đều cần được chẩn đoán kỹ càng thông qua phương pháp chụp CT có dùng thuốc cản quang.

Đối với những bệnh nhân đang nghi ngờ có khối u thì bác sĩ sẽ phải đánh giá một cách rõ ràng hơn về cấu trúc và tính chất của khối u, vậy nên tiêm thuốc cản quang là điều cần thiết.

Vì khoang bụng rộng và khó để quan sát nên bệnh nhân cần chụp cắt lớp bộ phận này sẽ được yêu cầu sử dụng thêm thuốc cản quang để bác sĩ dễ dàng quan sát được vùng tổn thương hơn.

Chống chỉ định dùng thuốc cản quang trong chụp CT.

Thuốc cản quang sẽ được chống chỉ định sử dụng khi chụp CT trong các trường hợp sau:

Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai.

Bệnh nhân dị ứng với thuốc cản quang hoặc cơ địa dị ứng. Trong trường hợp bắt buộc  phải dùng thuốc cản quang thì bệnh nhân cần dùng thuốc kháng Histamin hoặc steroid trước khi chụp, cũng như chuẩn bị sẵn phương tiện hồi sức.

Bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như cường giáp, đái tháo đường, hồng cầu hình liềm, hen suyễn…

Bệnh nhân bị đa u tủy.

Bệnh nhân bị suy tim mất bù hoặc suy gan.

Bệnh nhân bị suy thận nặng cấp độ 3, 4. Trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc cản quang thì ngay sau khi tiêm thuốc bệnh nhân cần được chạy thận nhân tạo.

Những lưu ý khi chụp cắt lớp có tiêm thuốc cản quang.

Trước khi chụp cắt lớp tiêm thuốc cản quang cần lưu ý điều gì?

Trước khi thực hiện chụp cắt lớp tiêm thuốc cản quang, bác sĩ và người bệnh cần trao đổi về các nguy cơ gặp phải, khai thác tiền sử bệnh, khám lâm sàng. Đồng thời bệnh nhân cần chủ động báo với bác sĩ về tình trạng của mình nếu ở trong các trường hợp dưới đây:

Tiền sử bệnh: Bệnh thận, hen suyễn, bệnh tiểu đường, suy tim, tăng huyết áp, tuyến giáp…

Có tiền sử dị ứng thuốc.

Nếu bệnh nhân là phụ nữ phải đảm bảo rằng mình không đang trong thời kỳ mang thai.

Cho bác sĩ biết bản thân đã từng chụp cắt lớp tiêm thuốc cản quang lần nào chưa, nếu có thì có biểu hiện gì bất thường không.

Sau quá trình trao đổi trên, người nhà bệnh nhân sẽ đọc và ký vào mẫu cam kết tự nguyện sử dụng thuốc cản quang.

Trong khi chụp cắt lớp tiêm thuốc cản quang cần lưu ý gì?

Chụp cắt lớp có thuốc cản quang không đau nên lưu ý quan trọng nhất đó là bệnh nhân phải giữ tư thế nằm yên tuyệt đối trong suốt quá trình chụp cắt lớp. Bệnh nhân thoải mái, thả lỏng và tập trung làm theo các hướng dẫn của nhân viên y tế.

Nếu xuất hiện cảm giác nóng bừng toàn thân hoặc có cảm giác khó chịu nhẹ sau khi tiêm thuốc cản quang thì đây là điều hoàn toàn bình thường.

Sau khi chụp cắt lớp tiêm thuốc cản quang cần lưu ý gì?

Bệnh nhân được theo dõi sau khi chụp khoảng 30 phút để xem có phản ứng bất thường gì không.

Nếu không có bất thường gì, bệnh nhân được hướng dẫn quay lại phòng khám gặp bác sỹ điều trị.

Nếu bệnh nhân ngoại trú, không có các yếu tố nguy cơ thì có thể về nhà. Uống nhiều nước, theo dõi lượng nước tiểu trong vòng 24 giờ. Nếu thấy lượng nước tiểu ít đi so với bình thường thì đến lại bệnh viện kiểm tra chức năng thận.

Báo cho bác sỹ và quay lại bệnh viện khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Lý do người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm khi chụp CT có tiêm thuốc cản quang tại khoa Chẩn đoán hình ảnh bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.

Bệnh nhân được các bác sỹ và kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm đánh giá sức khỏe, quá trình bệnh lý, tiền sử bản thân và gia đình để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trước khi tiến hành chụp CT.

Đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên nghiệp tại khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai và hệ thống máy móc y tế hiện đại sẽ giúp bệnh nhân  tin tưởng về chuyên môn, yên tâm và hài lòng trước, trong và sau khi chụp.

Bs. Lê Thị Hoàng Liên – Khoa Chẩn đoán hình ảnh

 

 

 

 

Chia sẻ ngay