Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì bị xử lý như thế nào theo Luật Phòng chống tác hại rượu bia?
Nghiêm cấm uống rượu bia tại những địa điểm nào?
Theo Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định về địa điểm không uống rượu, bia bao gồm những địa điểm sau đây:
– Cơ sở y tế.
– Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc.
– Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.
– Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.
– Cơ sở bảo trợ xã hội.
– Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.
– Các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.
Cá nhân, tổ chức có những quyền và nghĩa vụ gì trong hoạt động phòng, chống tác hại của rượu bia?
Căn cứ theo Điều 4 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau:
– Được sống trong môi trường không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.
– Được cung cấp thông tin phù hợp, chính xác, khách quan, khoa học, đầy đủ về rượu, bia, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và tác hại của rượu, bia.
– Phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tố cáo việc cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
– Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Cơ sở kinh doanh rượu bia có trách nhiệm như thế nào trong hoạt động phòng, chống tác hại của rượu bia?
Theo Điều 32 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia cụ thể như sau:
“Điều 32. Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia
1. Tuân thủ quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh rượu, bia; về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ghi nhãn hàng hóa đối với rượu, bia. Thông tin về sản phẩm rượu, bia phải bảo đảm chính xác, khoa học.
2. Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hoạt động kinh doanh của cơ sở theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3. Không sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh, quảng cáo rượu, bia.
4. Thu hồi và xử lý rượu, bia không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm do cơ sở mình sản xuất, mua bán theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
5. Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh.
6. Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia.
7. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.”
Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu bia có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Căn cứ theo Điều 28 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau:
“Điều 28. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
3. Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.”
Như vậy, theo quy định nêu trên thì tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nghiêm Giang – Tổ Công tác xã hội