Chiều ngày 10/1/2019, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng thế giới (World Bank), Tổ chức Jica tổ chức Hội thảo Đánh giá truyền thông nguy cơ về y tế giai đoạn 2016-2018 và định hướng giai đoạn 2020-2025. Tham dự Hội thảo có đại diện các Vụ, Cục, Trung tâm thuộc Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ThS.BS. Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng cho biết, thời gian qua, ngành Y tế Việt Nam được các nhà tài trợ hỗ trợ cả về kinh phí và chuyên môn, trong đó có công tác truyền thông giúp hoạt động truyền thông y tế  đạt kết quả tốt. ThS.BS. Nguyễn Đình Anh hy vọng tại Hội thảo, các chuyên gia đưa ra những đánh giá khách quan, chính xác và định hướng cho hoạt động truyền thông nguy cơ trong thời gian tới; đồng thời mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam trong công tác truyền thông, xử lý khủng hoảng, ứng phó khẩn cấp nhằm giảm nguy cơ có thể xảy ra và sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương để công tác truyền thông nguy cơ ngày càng hiệu quả.

Theo ThS.BS. Nguyễn Đình Anh, mục tiêu của truyền thông nguy cơ trong giai đoạn 2020-2025 là cần nâng cao nhận thức của người dân, các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý y tế và ban ngành về các nguy cơ đe dọa đến sức khỏe của người dân, cộng đồng; tăng cường phối hợp hành động để sẵn sàng ứng phó trước mọi đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Trong đó, truyền thông nguy cơ cần tập trung vào bệnh dịch/bệnh dịch mới nổi, bệnh không lây nhiễm, an toàn thực phẩm, tình huống khẩn cấp y tế công cộng thông qua các giải pháp truyền thông vận động chính sách, phối hợp liên ngành, nâng cao kiến thức kỹ năng cho người dân, nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông, xử lý thông tin và ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra, tăng cường hợp tác quốc tế.

Theo bà Nguyễn Minh Hương, Nghiên cứu viên cao cấp về Truyền thông nguy cơ thì công tác đào tạo và tập huấn về truyền thông nguy cơ cho cán bộ truyền thông, nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các cơ quan liên quan là hoạt động thiết yếu; Truyền thông nguy cơ cần đi trước một bước, trong đó cần đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng, chứ không chỉ là những khuyến cáo chung về cách phòng chống dịch bệnh, đồng thời tránh đưa ra các thông điệp mang tính “đổ lỗi”, ví dụ như “do tâm lý chủ quan của người dân”. Bên cạnh đó, có cơ chế hoặc hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho các đơn vị y tế cơ sở trong việc vận động nguồn lực kỹ thuật và tài chính từ khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước; sử dụng hiệu quả mạng xã hội và áp dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với công chúng.

Theo http://t5g.org.vn/hoi-thao-danh-gia-truyen-thong-nguy-co-ve-y-te-giai-doan-2016-2018-va-dinh-huong-giai-doan-2020-2025

Chia sẻ ngay