Trước việc ghi nhận hai ca phơi nhiễm Covid-19 tại Khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phóng viên Báo Lào Cai đã có cuộc phỏng vấn bà Phạm Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa bà, ngành y tế Lào Cai đã có giải pháp như thế nào để giảm thiểu lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19?
Bà Phạm Bích Vân: Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang thu dung và điều trị 53 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Đây hầu hết là những công nhân trở về từ Bình Dương đã được đưa vào cách ly ngay tại Khoa Truyền nhiễm là khu điều trị biệt lập với các khoa khác của Bệnh viện. Trước đó, để chủ động trong công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân F0, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi xây dựng các quy trình nghiêm ngặt trong kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế. Đảm bảo trang bị đầy đủ, đồ bảo hộ đúng quy định cho cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ như: khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ, kính bảo vệ, găng tay, ủng, bao giầy… Đội ngũ cán bộ y tế làm việc và sinh hoạt, cách ly hoàn toàn với cộng đồng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Tuy nhiên, cường độ làm việc của những cán bộ y tế làm việc ở khu cách ly rất cao; trong khi đó, chủng virus đợt dịch lần thứ tư này là Delta, Lambda có tốc độ lây lan nhanh. Vì vậy, không tránh khỏi việc nhân viên y tế có thể nhiễm Covid-19 trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Mặc dù những cán bộ làm việc trong khu cách ly điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 đều đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhưng không có vắc xin nào bảo đảm được 100% sau tiêm không bị nhiễm bệnh. Các vắc xin phòng Covid-19 hiện nay giúp ngăn chặn bệnh một phần, nếu không may bị nhiễm thì kháng thể trung hòa sẽ ngăn chặn virus xâm nhập vào trong các tế bào, cơ quan trong cơ thể; giúp giảm tổn thương các tế bào, các cơ quan như phổi, tim, thận, gan… Những người được tiêm vắc xin, có kháng thể trung hòa, đa phần khi mắc có xét nghiệm dương tính nhưng không triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ và ít biến chứng nặng.
Phóng viên: Thưa bà, cơ chế đối với cán bộ y tế làm nhiệm vụ tại khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 như thế nào để đảm bảo an toàn khi kết thúc công việc nhằm hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng?
Bà Phạm Bích Vân: Những cán bộ y tế trên tinh thần tình nguyện, xung kích làm việc tại các khu điều trị cách ly bệnh nhân mắc Covid-19 vẫn đang nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ y tế đã được tập huấn, hướng dẫn nguyên tắc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân đảm bảo việc thực hiện thành thạo, đúng quy định, an toàn, hiệu quả. Mặt khác, các cán bộ y tế được lựa chọn tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 đều đã được tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin phòng Covid-19; là những cán bộ đã có kinh nghiệm tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại tỉnh Bắc Giang. Cán bộ y tế sẽ thực hiện chỉ định lấy mẫu xét nghiệm định kỳ 2 tuần/lần hoặc khi có các biểu hiện ho, sốt, khó thở sẽ được lấy mẫu xét nghiệm ngay.
Cán bộ y tế tình nguyện làm nhiệm vụ cách ly, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. |
Để hạn chế tối thiểu việc cán bộ y tế tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, chúng tôi đã thiết lập trung tâm điều hành để triển khai khám, chữa bệnh từ xa, sử dụng hệ thống camera, phân ca kíp hợp lý trong quá trình làm việc.
Cán bộ y tế tham gia nhiệm vụ cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 14 đến 21 ngày, sau đó sẽ được ra khu cách ly tập trung cách ly theo quy định của Bộ Y tế và được xét nghiệm 2 lần, có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần sẽ trở về với gia đình và tiếp tục công việc thường xuyên tại đơn vị, bởi vậy chúng ta hoàn toàn yên tâm không có trường hợp cán bộ y tế làm việc tại khu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn.
Theo Báo Lào Cai