CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN TẠI CỘNG ĐỒNG

1. Sức khỏe tâm thần là gì?

Sức khỏe tâm thần là trạng thái không chỉ không có rối loạn hay dị tật mà còn là một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái, cần phải có chất lượng nuôi sống tốt, có được sự cân bằng và hòa hợp giữa cá nhân, người xung quanh và môi trường.

  1. Thế nào là bệnh tâm thần?

Bệnh tâm thần là những bệnh do hoạt động của bộ não bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm,…

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO): các rối loạn tâm thần (RLTT) rất thường gặp trong mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ). Các rối loạn này không dễ tự khỏi hay tự hạn chế lại nếu không được điều trị. Nhiều RLTT như trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn hoảng sợ… có thể điều trị một cách có hiệu quả hơn so với điều trị các bệnh tăng huyết áp hay bệnh mạch vành.

Phát hiện kịp thời và có can thiệp ngay từ đầu giúp ngăn chặn không chỉ sự tiến triển bệnh trên người bệnh mà còn ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của cộng đồng.

  1. Những nguyên nhân nào gây nên bệnh tâm thần?

3.1. Nguyên nhân thực tổn: do tổn thương não hoặc ngoài não gây ảnh hưởng đến hoạt động của não.

– Chấn thương não

– Nhiễm trùng thần kinh: viêm não, giang mai thần kinh,…

– Nhiễm độc thần kinh: do rượu, ma túy, nhiễm độc hóa chất,…

– Các bệnh mạch máu, các tổn thương não khác: u não, teo não, tai biến mạch máu não,…

– Do các bệnh cơ thể ảnh hưởng đến hoạt động của bộ não: các bệnh nội khoa, bệnh nội tiết, bệnh chuyển hóa,…

3.2. Nguyên nhân tâm lý:

– Do căng thảng tâm lý dẫn đến bệnh tâm căn, rối loạn dạng cơ thể,..

– Bệnh loạn thần phản ứng: rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn thích ứng,..

– Rối loạn hành vi thanh thiếu niên do giáo dục không tốt, môi trường giáo dục không thuận lợi,…

– Rối loạn ám ảnh, lo âu,…

3.3. Do cấu tạo bất thường của cơ thể

– Các dị tật bẩm sinh.

– Thiếu sót về hình thành nhân cách.

3.4. Các nguyên nhân chưa rõ ràng: Do có sự kết hợp phức tạp của nhiều nguyên nhân khác nhau (di truyền, chuyển hóa, miễn dịch,…) nên khó xác định nguyên nhân chủ yếu. Các RLTT nội sinh thường gặp

– Bệnh tâm thần phân liệt.

– Rối loạn cảm xúc.

– Động kinh nguyên phát.

  1. Ý nghĩa của việc phát hiện sớm một số bệnh tâm thần.

Phát hiện sớm bệnh tâm thần đóng góp trên 50% đến kết quả điều trị của người thầy thuốc. Phát hiện sớm giúp cho việc điều trị nhẹ nhàng hơn và hiệu quả nhanh hơn, đồng thời giảm khả năng người bệnh đi đến mạn tính và tàn phế.

Phát hiện sớm và dự phòng các rối loạn tâm lý – tâm thần có ý nghĩa:

– Hạn chế nguy cơ suy giảm nhận thức và giao tiếp xã hội.

– Kiểm soát tình trạng lạm dụng chất (rượu, ma tuý…).

– Làm giảm tác hại của các Stress cấp.

– Giảm lạm dụng các thuốc hướng thần.

Phát hiện sớm bệnh tâm thần còn có ý nghĩa về mặt kinh tế: Làm giảm ngày điều trị, sớm đưa người bệnh về cộng đồng, xã hội. Giảm chi phí trong quá trình điều trị bao gồm cả chi phí của cá nhân, gia đình người bệnh và xã hội. Vấn đề này ngoài việc làm giảm tỷ lệ người bệnh tâm thần đi đến mạn tính và tàn phế, làm giảm tỷ lệ gây rối trật tự xã hội, nó còn làm giảm tỷ lệ tử vong nói chung.

  1. Các biểu hiện sớm của bệnh tâm thần

5.1. Bệnh Tâm thần phân liệt

– Cảm thấy đuối sức trước cuộc sống.

– Khả năng học tập, làm việc dần dần giảm sút, đầu óc mù mờ khó suy nghĩ.

– Tình cảm trở nên lạnh nhạt và thiếu quan tâm với người thân, một số người bệnh ngại tiếp xúc chỗ đông người, không muốn giao tiếp với bạn bè và người xung quanh.

– Giảm dần những thích thú trước đây, khó thích ứng với môi trường xung quanh.

– Một số người bệnh biểu hiện trạng thái giống suy nhược thần kinh: Đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, khó tiếp thu cái mới, bồn chồn lo âu vô cớ, dễ bùng nổ…

– Có những suy nghĩ viển vông, hành vi kỳ lạ không phù hợp với thực tế hoặc say xưa đọc các loại sách triết học hoặc nghi ngờ mọi người theo dõi làm hại mình…

5.2. Bệnh Trầm cảm.

– Cảm thấy lo lắng, bất an vô cớ.

– Nét mặt buồn bã, ít quan tâm đến người thân.

– Ăn uống cảm thấy nhạt nhẽo, không ngon miệng.

– Giấc ngủ không sâu, độ dài giấc ngủ giảm dần.

– Cảm thấy đuối sức trước cuộc sống, do dự và giảm tự tin.

– Cảm giác mệt mỏi, giảm sự tập trung chú ý vào công việc dẫn tới hiệu xuất học tập, công tác, lao động giảm dần.

– Ngại tiếp xúc chỗ đông người, sợ tiếng ồn, các hoạt động thường ngày giảm dần.

5.3. Nguyên nhân bệnh tái phát?

– Dùng thuốc không đều: Phần lớn người bệnh nghĩ rằng mình không mắc bệnh nên không đi khám, không uống thuốc, bỏ dở thuốc…Một số trường hợp do tác dụng phụ của thuốc làm người bệnh khó chịu nên họ bỏ thuốc.

– Những Stress tâm lý: Thái độ giễu cợt, hắt hủi, ngược đãi, bỏ rơi, hành hạ người bệnh, phân biệt đối xử trong phân công công việc, mất mát về tình cảm, danh dự, cái chết của người thân… các yếu tố trên sẽ thúc đẩy người bệnh khởi phát, khiến bệnh nặng hơn, hay tái phát.

  1. Nhiệm vụ của cán bộ y tế cơ sở.

6.1. Y tế quận, huyện.

Mỗi quận, huyện cần có ít nhất 1 thầy thuốc và 1 điều dưỡng chuyên trách làm công tác quản lý, điều trị bệnh nhân tâm thần trên địa bàn. Nhiệm vụ cụ thể:

– Khám, lập hồ sơ bệnh án và chỉ định thuốc ngoại trú cho các người bệnh tâm thần.

– Khám định kỳ hàng tháng và kê đơn cấp thuốc theo quy định

– Xử trí kịp thời các người bệnh tái phát, người bệnh mới phát hiện trên địa bàn mình phụ trách.

6.2. Y tế xã, phường.

– Mỗi trạm y tế có một cán bộ chuyên trách về sức khoẻ tâm thần.

– Trạm trưởng trạm y tế chỉ đạo việc quản lý hồ sơ bệnh án của người bệnh tâm thần trong địa bàn. Hàng tháng khám bệnh và cấp phát thuốc cho người bệnh theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa tuyến quận, huyện./.

Nguồn sưu tầm, Bệnh viện tâm thần Hà Nội

Người sưu tầm: Vũ Hải Bình, khoa TT, BVĐK tỉnh

 

 

Chia sẻ ngay