Bướu giáp đơn thuần hay còn gọi là bướu cổ lành tính. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng bệnh vẫn cần được điều trị sớm để hạn chế những ảnh hưởng đến chất lượng sống.
1. Bướu giáp đơn thuần là do những nguyên nhân nào?
Có nhiều nguyên nhân gây bướu giáp lành tính và dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất:
– Thiết i-ốt: I-ốt rất cần thiết đối với tuyến giáp trong hoạt động sản xuất các loại hormone. Việc bổ sung quá ít i-ốt có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone và cấy trúc của tuyến giáp, từ đó gây ra bướu cổ lành tính. Đây cũng chính là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất.
– Bệnh Graves: Khi mắc chứng bệnh rối loạn tự miễn này, cơ thể người bệnh có xu hướng kích thích tuyến giáp sản xuất hormone quá mức, dẫn đến cường giáp và kích thước của tuyến giáp cũng sẽ tăng trưởng bất thường.
– Nhân giáp: Những tế bào tuyến giáp phát triển không đồng đều có thể tạo nên các khối nhân, u giáp lành tính. Nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được làm rõ, nhưng các nhà khoa học cho rằng nó có thể liên quan đến yếu tố di truyền, chế độ ăn và môi trường sống.
– Phụ nữ đang trong quá trình mang thai cũng có thể bị bướu cổ đơn thuần. Nguyên nhân là do cơ thể sản xuất nhiều hormone giải phóng gonadotropin, kích thích hoạt động của tuyến giáp và khiến kích thước của tuyến này to hơn bình thường.
– Do viêm tuyến giáp vì một số nguyên nhân như nhiễm vi khuẩn, virus hoặc rối loạn tự miễn,…
2. Triệu chứng của bệnh bướu giáp đơn thuần
Bướu giáp đơn thuần sẽ biểu hiện theo 2 hình thức:
– Bướu giáp lan tỏa: Là những trường hợp kích thước tuyến giáp lớn đều ra.
– Bướu giáp nhân, có thể là 1 hoặc nhiều nhân
Với những trường hợp đơn nhân, người bệnh thường có một khối u ở giữa cổ, không dính vào da và ấn vào không thấy đau, có thể là dạng u mềm hoặc chắc và di động theo nhịp nuốt.
Với những trường hợp đa nhân, người bệnh sẽ có nhiều khối tròn ở vùng cổ với kích thước từ 0.5cm đến vài centimet.
3. Các phương pháp phòng ngừa bướu giáp đơn thuần
Để phòng ngừa bệnh, bạn cần lưu ý những điều sau:
– Bổ sung lượng i-ốt cần thiết bằng các loại thực phẩm như muối, sữa, bánh mì,… để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất hormone của tuyến giáp.
– Hạn chế ăn những loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp như cải bắp, súp lơ, cải xoăn,… Trong những loại rau này có chứa Goitrogens, gây kích thích bướu phát triển. Dù khi nấu chín rau, những chất này có thể bị bất hoạt nhưng bạn vẫn không nên ăn quá nhiều.
– Hạn chế tiếp xúc với những yếu tố độc hại từ môi trường.
BS. Phạm Hồng Khánh – Khoa Nội Hô hấp – Nội tiết