1. Bệnh sởi là gì?
– Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Sởi gây nên. Thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.
– Đây là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, có tốc độ lây lan nhanh, gây thành dịch và có thể tử vong.
2. Đường lây
– Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh.
3. Những biểu hiện của bệnh.
– Sốt cao 39°C – 40°C, khi sốt giảm, ban mọc theo thứ tự từ gáy, sau tai, lan ra mặt, lan dần xuống ngực bụng và toàn thân.
– Sau khoảng 7-10 ngày, ban mất dần theo thứ tự đã mọc và để lại những vết thâm gọi là “vằn da hổ”.
– Một số biểu hiện kèm theo: mắt đỏ, chảy nước mắt, nước mũi, ho, tiêu chảy…
4. Phòng bệnh
– Phòng bệnh chủ động bằng vắc xin: Thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia
+ Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi.
+ Mũi 2: Tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi.
– Vệ sinh cá nhân
+ Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh.
+ Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh.
+ Che miệng khi ho, hắt hơi.
– Dinh dưỡng hợp lý
cha mẹ trẻ em cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách tăng cường dinh dưỡng đầy đủ, đề phòng trẻ bị suy dinh dưỡng. Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng cách uống nhiều nước hoa quả, ăn lỏng, đủ chất dinh dưỡng, không nên kiêng khem quá.
– Vệ sinh môi trường
Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em. Trong trường hợp nhà có người bệnh thì phải tẩy trùng dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch Cloramin B.
-Tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh: Trong trường hợp môi trường của trẻ có người mắc sởi, cần cho trẻ tránh tiếp xúc để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh sởi. Trong trường hợp nhà có người bị mắc sởi, cần cách ly người bệnh để tránh lây lan cho cộng đồng: trẻ em phải nghỉ học, người lớn phải nghỉ làm 5 ngày kể từ khi bắt đầu phát ban.
5. Những lưu ý khi trẻ bị sởi mà ba mẹ cần biết
– Thường xuyên theo dõi thân nhiệt, nếu đã sử dụng thuốc hạ sốt mà cơn sốt không có dấu hiệu hạ thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
– Thông thường, trẻ bị sởi sẽ sốt khoảng 3 ngày, đồng thời các nốt phát ban cũng bay dần và mất hẳn. Tuy nhiên, nếu thấy nốt sởi đã hết nhưng cơn sốt vẫn chưa dứt thì nguy cơ gặp biến chứng là rất cao. Lúc này, trẻ cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
– Tránh để mắt của trẻ tiếp xúc với ánh sáng vì giai đoạn này mắt của trẻ rất nhạy cảm, đau nhức và ra nhiều gỉ.
– Không mặc đồ quá kín, quá dày khiến trẻ không thể hạ sốt, dẫn đến sốt cao co giật.
– Sử dụng nước ấm để vệ sinh cơ thể nhằm giúp da trẻ sạch sẽ, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
– Cho trẻ uống nhiều nước, ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe.
– Chia nhỏ bữa ăn, ưu tiên những thực phẩm dễ tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đang bị thiếu hụt cho trẻ, nhất là vitamin và khoáng chất.
– Đeo khẩu trang khi chăm sóc cho trẻ và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn sau khi tiếp xúc với trẻ.
– Không cho trẻ gãi khiến da bị tổn thương, tốt nhất ba mẹ nên cắt móng tay cho con để phòng trừ.