Năm 2018 có rất nhiều câu chuyện làm lay động lòng người, đặc biệt về việc hiến tạng để cứu nhiều người bệnh đang cận kề cái chết. Năm câu chuyện cảm động dưới đây đã thực sự chạm đến trái tim của cả cộng đồng.

Rớt nước mắt bé gái 7 tuổi tình nguyện hiến tặng giác mạc


Bé Hải An khi còn sống và mẹ.

Chiều 22/2/2018, bé gái Nguyễn Hải An học sinh trường tiểu học Tân Mai (trú tại thôn Tân Mỹ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) qua đời vì căn bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa – một căn bệnh hiếm ở trẻ em và điều trị vô cùng khó khăn. Sau hơn một tháng điều trị tại bệnh viện nhưng không qua khỏi, mẹ bé và gia đình đã quyết hiến tặng giác mạc của bé để trao ánh sáng cho những người khác. Nghĩa cử cao đẹp của bé Hải An và gia đình đã khiến nhiều người xúc động.

Trước khi bé Hải An qua đời, gia đình bé đã gọi điện đến Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người với nguyện vọng xin hiến tạng để cứu người khác.

Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ nhận nguồn tạng hiến từ người đủ 18 tuổi trở lên, trong khi bé Hải An mới 7 tuổi. Nếu bé không thể tiếp tục sự sống thì chỉ có thể lấy hai giác mạc để đem lại ánh sáng cho hai người có bệnh lý giác mạc.

Là người trực tiếp đến nhận giác mạc của bé, bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) cho biết, trong hơn 10 năm đi làm chưa bao giờ anh thấy xúc động như thế. Chứng kiến hình ảnh người mẹ đặt nụ hôn lên trán cô bé đã từ giã cõi đời sau khi nói “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé”, bác sĩ Hoàng thấy sống mũi cay cay.

Trong lễ tang của bé ngày 24/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi lời từ biệt. Bộ trưởng viết: “Bé đã làm được một điều khó tin nhưng là sự thật”.

Chiều 26/2, Bệnh viện Mắt Trung ương đã ghép giác mạc của bé Hải An hiến tặng cho một cụ bà 73 tuổi và một người đàn ông 42 tuổi.

Đặc biệt, điều khiến cho cộng đồng mạng xót xa và rơi nhiều nước mắt nhất, đó là sau khi lo xong xuôi hậu sự cho con, chị Dương – mẹ của bé Hải An bất ngờ đọc được những lời nhắn nhủ của con gái trong bảng ghi chú ở iPad. Bé viết nhiều, mỗi lời nhắn được bé chèn vào nhiều bài ghi chú khác nhau: “Mẹ yêu ơi, mẹ gặp lại con chưa?”, “Mẹ ơi, mẹ nghe thấy tiếng tim con đập chưa?, “Mẹ ơi, mẹ vẫn ổn chứ”, “Mẹ ơi, Bun đẻ chưa, mẹ nhớ cho Bun ăn nhé”, “Mẹ nhớ ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, đừng dùng thuốc ngủ nhé”, “Mẹ ơi, con yêu mẹ, mẹ cười đi nhé!”. “Mẹ ơi, mẹ chờ con 500 năm nhé”, “Mẹ ơi, con yêu mẹ, mẹ phải hạnh phúc nhé…”.


Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh.

Nữ bác sĩ trẻ BV Bạch Mai từ chối điều trị ung thư để sinh con

Nữ bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh, khoa Cơ xương khớp, BV Bạch Mai phát hiện bị ung thư tuyến vỏ thượng thận giai đoạn cuối từ tháng 2 vừa qua. Sau 9 tháng điều trị tích cực, chị trút hơi thở cuối cùng vào ngày 16/11/2018 khi mới 33 tuổi khiến tất thảy người thân, đồng nghiệp đều thương xót.

BS Hạnh quê Ninh Bình, tốt nghiệp bác sĩ nội trú loại giỏi năm 2014, sau đó về công tác tại khoa Cơ xương khớp, BV Bạch Mai từ đó đến nay. Vợ chồng chị Hạnh có cuộc sống bình dị bên cô con gái đầu lòng. Khi mang thai bé thứ 2 vào năm 2014, cứ ngỡ hạnh phúc tiếp tục mỉm cười với gia đình nhỏ nhưng khi thai được 6 tháng, bác sĩ thông báo thai chết lưu. Một tháng sau, chị lại phát hiện mình bị ung thư tuyến vỏ thượng thận (adrenocortical carcinoma – ACC), là bệnh ung thư rất hiếm gặp. Sau đó chị Hạnh đã được phẫu thuật cắt u có kích thước 2,5cm và được bác sĩ chỉ định điều trị hoá chất.

Tuy nhiên sau nhiều đêm giằng xé, BS Hạnh quyết định từ chối điều trị để sinh thêm một bé nữa với suy nghĩ: “Khi em có ra đi, ít ra còn có 2 chị em đỡ đần nhau!”.

Sau cắt u, BS Hạnh trở lại với cuộc sống bình thường, vẫn hàng ngày đến BV khám và điều trị tận tuỵ cho bệnh nhân, được rất nhiều người bệnh và người nhà viết thư khen. Gần 1 năm sau, gia đình chị Hạnh vỡ oà hạnh phúc khi chị mang bầu lần 2 và hạ sinh thêm một bé gái vào đầu năm 2016.

Đến cuối tháng 1 vừa qua, khi kiểm tra sức khoẻ định kỳ, chị Hạnh lặng đi khi đồng nghiệp thông báo khối u đã tái phát, di căn nhiều nơi. Dù vậy chị vẫn âm thầm chịu đựng, không than phiền với ai, hàng ngày vẫn đi làm vì lo bố mẹ già ở quê gồng mình lo tiền cho chị, lo 2 con nhỏ không ai chăm sóc…

Trước thời điểm chị nhập viện 2 tuần, chồng chị mới hay tin về bệnh tình của vợ. Sau đó, bác sĩ Hạnh đã trải qua ca phẫu thuật kéo dài 7 tiếng tại BV Việt Đức với 2 lần mổ liên tiếp (mổ bụng và mổ lồng ngực) để bóc tách các khối u di căn khắp trung thất, phổi và ổ bụng. Trong đó có khối u to nhất có đường kính hơn 10cm.


Kỷ lục hiến tạng của người đàn ông 43 tuổi ở Ninh Bình cứu 7 người

Ngày 27/12/2018, thông tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện đã lập thêm một kỷ lục mới khi trở thành bệnh viện đầu tiên lấy và ghép 7 mô/tạng cho 6 người bệnh từ một người hiến. Người đàn ông ấy là là anh Dương Hồng Quý (43 tuổi, chủ một hiệu kim hoàn ở TP. Ninh Bình)

Anh Quý phát hiện mình mắc bệnh về mạch máu não từ tháng 11/2018. Khi biết mình không thể qua khỏi, anh Quý đã gọi các thành viên trong gia đình mình tới và đưa ra đề nghị được hiến tạng để cứu sống những người khác.

Khi anh Quý rơi vào tình trạng hôn mê sâu và được các bác sĩ tiên lượng không thể qua khỏi, vợ anh là chị Hoàng Thanh Phương và cả gia đình anh đã cùng liên hệ để xin được hiến tạng của anh cho y học.

Gia đình anh Quý đã kết nối với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, kết nối với gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh (thiếu tá Lê Hải Ninh đã từng hiến đa tạng vào tháng 2/2018)̉ và sau đó liên hệ với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đề đạt nguyện vọng.


Gia đình của anh Quý.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm được biết bệnh nhân Dương Hồng Quý đang nằm tại Bệnh viện Bạch Mai. Ban Lãnh đạo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã quyết định phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức để đưa bệnh nhân về Bệnh viện Việt Đức.

Anh Dương Hồng Quý đã tặng lại tim, gan, phổi và 2 thận cho 5 người bệnh nặng đang chờ đợi. Trong đó toàn bộ lá phổi được Bệnh viện Việt Đức ghép cho thiếu niên 17 tuổi ở Hải Dương mắc bệnh mô bào ở phổi giai đoạn cuối, cơ thể suy kiệt chỉ còn 30kg. Trái tim của anh được ghép cho nam bệnh nhân 60 tuổi bị giãn cơ tim giai đoạn cuối, nguy cơ cao tử vong trong vòng 1 tháng nếu không có tim ghép; Gan được ghép cho bệnh nữ 63 tuổi mắc u gan; 1 quả thận được ghép cho nam bệnh nhân 41 tuổi bị suy thận giai đoạn cuối, quả thận còn lại được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM ghép cho nam thiếu niên 15 tuổi. Mạch máu của anh Quý cũng được lưu trữ tại Ngân hàng mô ở Bệnh viện Việt Đức.

Trước khi các bác sĩ đưa anh đi, chị Phương (vợ anh Quý) đã cầm tay anh thật chặt và cúi xuống hôn anh. Bởi chị biết họ đã thực sự phải đến giờ phút chia ly.

Chiều 26/12/2018 một bệnh nhân bị suy gan cấp được các bác sĩ Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Việt Đức tiến hành ca ghép gan. Người cho gan là một người sống. Các bác sĩ đã lấy nửa phần gan của người này để ghép cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật rất phức tạp do các mạch máu của phần gan lấy từ người hiến sống rất ngắn. Vì vậy, các bác sĩ phải sử dụng đoạn mạch máu của anh Quý đang lưu trữ ở Ngân hàng mô để nối dài mạch máu ghép gan cho bệnh nhân. Nhờ đó, ca phẫu thuật đã được thực hiện dễ dàng.

Như vậy, anh Quý là người Việt Nam đầu tiên hiến 6 mô/tạng để cứu 7 người.


Mẹ quyết sinh con ra để lấy tạng cho người khác

Đó là câu chuyện đậm tính nhân văn được GS-BS Trần Đông A, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM, kể ra tại buổi thông tin đến báo giới ngày 24/12/2018 về trường hợp ghép thận xuyên Việt lần đầu tiên ở trẻ em từ người hiến chết não vừa được bệnh viện này thực hiện thành công. Theo GS Đông A, có đôi vợ chồng đang mang thai nhưng được phát hiện thai vô não, đứa bé sinh ra cũng không thể sống được.

Trong sự đau khổ tột cùng, đôi vợ chồng này có một quyết định táo bạo hơn người và điều này cũng mang lại hạnh phúc vô bờ bến cho họ. Đó là quyết giữ và nuôi thai phát triển bình thường cho đến ngày “khai hoa nở nhụy”, sau đó hiến tạng của đứa trẻ sơ sinh này để cứu người khác đang mỏi mòn chờ chết do không có nguồn tạng đáp ứng. Và thế là hai người lớn được cứu sống từ 2 quả thận của đứa trẻ sơ sinh bất hạnh vừa lọt lòng. “Cho đi là còn mãi, thận của trẻ sơ sinh có thể cứu được người trưởng thành”, GS Đông A, chia sẻ.


Cuộc chiến của cậu bé 4 tuổi bị ung thư não khi mới 33 tháng tuổi

Bé Tom (tên thật là Nguyễn Bá Thiện Vinh, 4 tuổi) được xác định ung thư não khi 33 tháng tuổi. Bác sĩ xác định khối u não nằm ở phía sau gáy, trên cột tủy sống, vị trí nguy hiểm nhất.

Trước khi có kết quả của bác sĩ, nhìn bước đi liêu xiêu, chệnh choạng của Tom, ban đầu chị Nguyễn Lê Minh Hà (mẹ bé Tom) chỉ nghĩ đơn thuần chắc do hệ xương của con yếu. Đến khi được bác sĩ cảnh báo Tom có thể đột tử bất cứ lúc nào, gia đình chị cho con nhập viện ngay. Từ khi phát hiện bệnh đến giờ, Tom đã trải qua 16 lần xạ trị, 2 ca giải phẫu lớn, hôn mê gần một tháng. Tom gọi bệnh viện nơi cậu điều trị là “khách sạn”.

Chị Hà cho biết, trải qua 2 ca phẫu thuật lớn với nhiều lần xạ trị như vậy, sức khỏe Tom yếu đi nhưng bé vẫn ngoan ngoãn và vui vẻ. Trước đó bé chưa từng uống thuốc kháng sinh, chưa từng gặp bác sĩ vì bất cứ bệnh gì. Với chị Hà, cậu bé thực sự là một chiến binh kiên cường, hết lần này đến lần khác.

Chuyện của bé Tom được nhiều người biết đến trên mặt báo. Nhưng chỉ đến khi xem chương trình Điều ước thứ 7 phát sóng vào sáng 15/12 trên VTV3, khán giả mới thực sự rớt nước mắt khi chứng kiến cậu bé bất ngờ và sung sướng khi được gặp các chú cầu thủ Quang Hải, Đức Chinh, Đoàn Văn Hậu và chú thủ môn Bùi Tiến Dũng.

Tom có một tình yêu đặc biệt dành cho bóng đá. Cậu bé có thể nói vanh vách tên các cầu thủ của đội tuyển quốc gia. Những bước đi đầu tiên của Tom là những những bước chân đi bước theo trái bóng. Cậu bé yêu bóng đá và thích đá bóng vô cùng. Thế rồi, một ngày, mẹ Tom thấy cậu bước chân không còn vững. Tom đi liêu xiêu, không còn đá trúng vào trái bóng nữa. Ngoài ra, chị Hà còn cho biết Tom thích nhạc Hàn Quốc, thích gặp chú Isaac, chú Sơn Tùng MTP. Đặc biệt, trong những tháng ngày chiến đấu với ung thư, ở ngoài hành lang “khách sạn”, Tom vẫn chơi bóng bằng nụ cười và tất cả niềm tin yêu của mình.

Nguồn: http://giadinh.net.vn

Chia sẻ ngay