Nếu như trước đây, điều dưỡng đơn thuần chỉ là người phụ giúp và thực hiện y lệnh của bác sĩ thì ngày nay, người điều dưỡng là người cộng tác với bác sĩ trong quá trình điều trị người bệnh. Trong những năm gần đây, ngành Điều dưỡng Việt Nam đã có bước phát triển mới trên cả 4 lĩnh vực: thực hành, quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Sự phát triển của hệ thống đào tạo và quản lý điều dưỡng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh toàn diện.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai có gần 400 điều dưỡng, hộ sinh. Nhận thức rõ tầm quan trọng của người điều dưỡng, lãnh đạo bệnh viện luôn chăm lo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cả về số lượng và chất lượng. Hàng năm, bệnh viện đã triển khai nhiều hoạt động như đào tạo, tập huấn, hội thi, nghiên cứu khoa học nhằm cập nhật kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc sức khỏe người bệnh. Từ năm 2013 đến nay, bệnh viện đã cử 204 lượt cán bộ là điều dưỡng tham gia các khóa đào tạo tại các bệnh viện TW. Hội thi Điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh giỏi được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo cán bộ các khoa trong toàn viện. Bên cạnh đó, là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, việc tham gia các buổi hội chẩn trực tuyến vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần giúp các điều dưỡng có cơ hội tiếp cận những kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn hữu ích trong quá trình chăm sóc và điều trị.

Với nền tảng đó, công tác điều dưỡng bệnh viện ngày càng được phát huy hiệu quả. Năm 2014, bệnh viện được cấp 3 mã đào tạo liên tục theo Thông tư 22 của BYT là Tiêm an toàn, Kiểm soát nhiễm khuẩn và Cấp cứu cơ bản. Đến nay, bệnh viện đã tổ chức đào tạo cho 2827 lượt cán bộ y tế là Điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh trên địa bàn tỉnh trong đó 443 lượt thuộc 3 mã đào tạo trên.

Sau gần 2 năm triển khai, công tác treo phiếu chức năng sống, phiếu công khai thuốc và phiếu dịch vụ kỹ thuật tại giường bệnh ở 03 khoa (Ngoại chấn thương, Răng hàm mặt, Sản) tiếp tục được duy trì hiệu quả. Cùng với đó, vòng đeo tay được đưa vào sử dụng để nhận dạng chính xác người bệnh giúp giảm thiểu tối đa những sai sót trong quá trình điều trị. Công tác điều dưỡng được kiểm tra định kỳ tại các khoa lâm sàng trong toàn viện đảm bảo hồ sơ bệnh án được ghi chép đúng quy định, 100% bệnh nhân được dùng thuốc đầy đủ, thực hiện đúng y lệnh điều trị. Ngoài ra, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc đồng thời lồng ghép truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh, phòng Điều dưỡng chủ trì tổ chức sinh hoạt Hội đồng người bệnh cấp bệnh viện 01 tháng/lần, tham dự các buổi sinh hoạt Hội đồng người bệnh cấp khoa 01 lần/tuần và để phổ biến nội quy, quy chế của khoa, bệnh viện. Đây là một hình thức phát huy quyền làm chủ của người bệnh, người nhà người bệnh trong việc đóng góp ý kiến. Qua đó, Ban lãnh đạo bệnh viện có thể khắc phục kịp thời những tồn tại để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.


Hình ảnh buổi sinh hoạt người bệnh tại khoa Nội hô hấp

Là người tiếp xúc, giao tiếp trực tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, đòi hỏi người điều dưỡng không những đảm bảo các yêu cầu chuyên môn mà còn giữ thái độ giao tiếp ứng xử gần gũi, quan tâm, động viên tinh thần, giúp bệnh nhân yên tâm điều trị, chống chọi với bệnh tật. Hiểu được điều đó, sau khi ký cam kết thực hiện “Đổi mới phong các thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, Lãnh đạo bệnh viện đã tổ chức các lớp tập huấn Giao tiếp ứng xử cho toàn thể đội ngũ cán bộ y tế. Năm 2016, Bệnh viện vinh dự đạt giải nhất Hội thi “Tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử; tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em” do Công đoàn ngành Y tế tổ chức. Kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh đối với nhân viên y tế hàng năm đều đạt > 95%. Công tác nghiên cứu khoa học có sự đóng góp của cán bộ điều dưỡng với nhiều sáng kiến có tính thực tiễn được đánh giá cao góp phần cải tiến quy trình làm việc.

Hình ảnh người điều dưỡng gắn liền với sự ân cần, tận tụy chăm sóc người bệnh

Nói về công việc hàng ngày của mình, chị Đặng Thị Thu Hằng, Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực chia sẻ: “Do đặc thù bệnh nhân trong khoa đều là bệnh nhân nặng, mất ý thức và là dân tộc thiểu số. Nếu không tận tâm, coi người bệnh như người thân của mình, đôi khi phải hi sinh bản thân, gia đình thì không thể làm được. Vất vả là thế, nhưng hạnh phúc nhất là khi giành giật lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần và như thế càng yêu nghề, càng gắn bó với nghề hơn”. Hình ảnh người điều dưỡng đã dần trở nên cao đẹp, thân thiện, gắn liền với sự ân cần, tận tụy chăm sóc người bệnh.

Thời gian tới, để phát huy vai trò của đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, mỗi điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh cần tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, hướng tới mục tiêu chăm sóc người bệnh một cách toàn diện.

NGUYỄN UYÊN

Chia sẻ ngay