Suckhoedoisong.vn – Sốt xuất huyết hay tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, do vậy biểu hiện đầu tiên ở trẻ em là sốt, tuy nhiên sốt xuất huyết thì sốt nổi ban màu đỏ, tay chân miệng có thể nổi hồng ban dạng phỏng nước trên da. Đối với tay chân miệng dấu hiệu đầu tiên là sốt sau đó xuất hiện các nốt rải rác trong miệng, trong lòng bàn tay, bàn chân. Khi trẻ mắc bệnh thì thường quấy khóc.

Bộ Y tế cảnh báo tay chân miệng và sốt xuất huyết đang gia tăng, cần phòng chống dịch ngay. Ngoài chân tay miệng tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung, dịch sốt xuất huyết cũng đang có mặt ở hầu hết địa phương trên cả nước. Các chuyên gia nhận định dịch sốt xuất huyết có thể kéo dài đến hết tháng 11.

Bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng có nhiều dấu hiệu giống nhau, bùng phát cùng điều kiện hoàn cảnh nên dễ nhầm lẫn (ảnh nguồn Dhgpharma)

Dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết diễn ra đồng thời có thể khiến phụ huynh nhầm lẫn dấu hiệu nhận biết. Mỗi bệnh cũng có hướng phòng ngừa, chăm sóc và điều trị khác nhau. Dưới đây là những điều các bậc cha mẹ nên lưu ý.

Những chú ý nhận biết diễn tiễn bệnh tay chân miệng

Trẻ mắc tay chân miệng gặp nhiều ở nhóm 1-5 tuổi, nhất là ở nhóm trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo. Các loại virus chủ yếu là EV71 chiếm 21%, các EV khác 20%, Coxsackie A10 là 6%, Coxsackie A6 là 3%, virus đường ruột khác là 4%… Bệnh thường lây theo đường tiêu hóa, trải qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn ủ bệnh: khoảng3-7 ngày khi trẻ đã tiếp xúc với nguồn lây từ trước.

Giai đoạn khởi phát: có thể kéo dài 1-2 ngày, trẻ sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát: thường kéo dài 3-10 ngày, trẻ xuất hiện vết loét đỏ hay phỏng nước 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, dễ nhầm lẫn với chứng nhiệt miệng. Lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông của trẻ có thể nổi hồng ban dạng phỏng nước, chứ không phải dạng ban đỏ như sốt phát ban hay sốt xuất huyết.

Sốt cao trên 39 độ C kèm quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, chới với, nôn ói nhiều, bỏ bú, yếu liệt tay chân… là dấu hiệu cảnh báo sớm biến chứng. Phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện ngay. Bệnh diễn tiến nhanh, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể trở nặng, trẻ lừ đừ, run chi, trợn mắt, run giật cơ, tim và mạch nhanh, thở nhanh, gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.

Giai đoạn lui bệnh: trẻ có thể hồi phục trong 3-5 ngày nếu không có biến chứng.

Hướng xử trí: phụ huynh theo dõi cơn sốt, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, nếu trẻ khó uống có thể chọn loại có hương vị dễ chịu như cam. Mẹ cho con tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn, vệ sinh răng lưỡi hàng ngày bằng nước muối để tránh bội nhiễm. Trẻ loét miệng cho ăn đồ mát, mềm, loãng.

Những chú ý nhận biết diễn tiễn bệnh sốt xuất huyết (SXH)

SXH có những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như thoát huyết tương và sốc do thoát huyết tương ra ngoài và trụy tim mạch, những bệnh nhân chẩn đoán muộn dẫn đến tử vong dù tỷ lệ tử vong cũng giảm nhiều so với trước đây.

Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn Aedes truyền virus Dengue gây ra, lây theo đường máu, thường phát triển qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn sốt: trẻ sốt cao đột ngột 39-40 độ trong 2-7 ngày. Người lừ đừ, mệt mỏi, nhức đầu, đau họng, buồn nôn, nôn, có thể kèm viêm họng, viêm hô hấp trên, sổ mũi, tiêu chảy…, thường dễ nhầm lẫn với cảm sốt thông thường.

Giai đoạn nguy hiểm: trẻ giảm sốt và có thêm biểu hiện thoát huyết tương với các biểu hiện tràn dịch màng phổi, màng bụng, nề mi mắt và da căng. Thoát huyết tương nhiều dễ dẫn đến tình trạng sốc như vật vã, da lạnh, tim đập nhanh, huyết áp tăng giảm đột ngột… Trẻ có thể bị xuất huyết dưới da, niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng) và nội tạng (xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, chảy máu phổi, chảy máu trong cơ).

Giai đoạn hồi phục: nếu không gặp biến chứng, thể trạng trẻ sẽ phục hồi dần, thèm ăn, đi tiểu nhiều, nhịp tim bắt đầu chậm lại, bạch cầu và tiểu cầu tăng lên.

Chú ý trong trị bệnh sốt xuất huyết:

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị.

1, Khi mới có dấu hiệu sốt xuất huyết, người bệnh chỉ cần đến các cơ sở tuyến đầu để được hướng dẫn cách điều trị tại nhà mà chưa cần đến bệnh viện.

2, Nếu bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách:

– Cho người bệnh nằm nghỉ ngơi.

– Cho uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt.

– Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa.

– Dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol hoặc đặt viên hạ sốt vào hậu môn, không dùng aspirin để hạ sốt), chườm mát.

3, Theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám, điều trị.

4, Thông thường, quá trình diễn biến của bệnh từ 2 đến 7 ngày, nguy hiểm thường xảy ra ở ngày sốt thứ tư, thứ năm: người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, đái ít, bứt rứt, mạch nhanh nhẹ, huyết áp hạ; nặng hơn nữa là không đo được mạch, huyết áp (biểu hiện của trụy mạch).

5, Sau 11 hoặc 12 ngày, nếu không có dấu hiệu biến chứng là bệnh đã khỏi. Để đề phòng xuất huyết não và xuất huyết tiêu hóa, khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay. Người bệnh cần được điều trị tích cực và hỗ trợ truyền máu, không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nặng như sốc, trụy mạch, xuất huyết các cơ quan nội tạng, xuất huyết não… gây nguy hiểm đến tính mạng.

Hướng xử trí: phụ huynh nên lưu ý bổ sung đủ chất dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch. Giai đoạn đầu khi trẻ chưa bị thất thoát huyết tương thì không nên tự ý truyền dịch vì có thể khiến trẻ phù nề, suy hô hấp rất nguy hiểm. Việc truyền dịch cần thực hiện trong bệnh viện dưới chỉ định và theo dõi sát của bác sĩ.

Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay nếu thấy trẻ có biểu hiện bồn chồn, kích thích vật vã, nôn tăng, đau bụng, chảy máu chân răng, chảy máu cam. Tại bệnh viện bác sĩ sẽ đánh giá thêm những dấu hiệu nữa gồm phù nề, tràn dịch; gan to; tiểu cầu giảm để xác định tình trạng bệnh nặng.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn

Chia sẻ ngay